Lợi nhuận đi lùi, nợ xấu tăng cao, Chủ tịch Saigonbank Vũ Quang Lãm tự tin ngân hàng đủ điều kiện chuyển sàn niêm yết

An Chi

Tính đến cuối quý 1, cho vay khách hàng của Saigonbank đã giảm 1% so với đầu năm xuống còn 19.739 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của ngân hàng cũng đi xuống với tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 ở mức hơn 469 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.

Lợi nhuận đi lùi, nợ xấu tăng cao

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – mã SGB) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với thu nhập lãi thuần đạt gần 184 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ 2023.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm mạnh trong quý đầu năm. Trong đó, lãi từ dịch vụ giảm 24% xuống còn 7,6 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 77% xuống còn 4 tỷ đồng. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ lên hơn 28 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của Saigonbank tăng 14% so với quý 1/2023, lên mức 149 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này giảm 45% so với cùng kỳ, xuống còn gần 75 tỷ đồng.

Trong quý đầu năm, Saigonbank chỉ trích gần 7 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 79% so với cùng kỳ. Kết quả, ngân hàng lãi trước thuế gần 68 tỷ đồng, giảm 35% so với quý 1/2023. Với kết quả này, Saigonbank mới thực hiện hơn 18% kế hoạch cả năm đề ra.

Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản của Saigonbank tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 31.863 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 82% xuống còn 674 tỷ đồng, tiền gửi tại các TCTD khác tăng 31% lên mức 5.088 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác tăng 17% lên 3.555 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đi ngang ở mức 23.512 tỷ đồng…

Đáng chú ý, cho vay khách hàng giảm 1% so với đầu năm xuống còn 19.739 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của ngân hàng cũng đi xuống với tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 ở mức hơn 469 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 20% lên mức 162,6 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng mạnh 80% lên 65 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 4% lên gần 242 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,03% đầu năm lên 2,38%.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm, cho biết các chỉ số tài chính của Saigonbank hiện đã đủ điều kiện chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE hoặc HNX. Ngân hàng mới đây cũng đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn. Lãnh đạo ngân hàng cũng nhận định việc chuyển sàn là quá trình dài và phức tạp.

Một thành viên HĐQT mất tư cách

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, về việc có một thành viên HĐQT mất tư cách, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho biết hiện HĐQT của ngân hàng vẫn là 5 người, đã được sự hỗ trợ của Văn phòng Thành ủy, Ngân hàng Nhà nước.

Gần nhất, ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới, do nhiệm kỳ cũ sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2024. Ngân hàng đang làm công tác nhân sự và trình cơ quan quản lý xem xét, chấp thuận.

Trước đó, tháng 1/2023, Saigonbank thông báo ông Nguyễn Cao Trí, Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024, đã đương nhiên mất tư cách, không còn là thành viên HĐQT ngân hàng từ ngày 19/1/2023, tuy nhiên phía ngân hàng không nêu rõ nguyên nhân.

Tại họp đại hội cổ đông năm 2023, ông Vũ Quang Lãm cho biết năm 2019, ông Nguyễn Cao Trí được đề cử tham gia HĐQT và được bầu công khai tại ĐHCĐ 2019 dưới hình thức bầu dồn phiếu, hiện toàn bộ hồ sơ ứng cử đã gửi cho cơ quan thẩm quyền xem xét.

"Mọi thông tin về ông Nguyễn Cao Trí đều đã thông báo công khai, báo cáo về Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan chức năng", ông Lãm cho hay.

Theo Chủ tịch SaigonBank, năm 2019, ông Cao Trí chỉ tham gia tư cách thành viên HĐQT và không trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành quản lý hoạt động của SaigonBank. Ngoài ra, ông Cao Trí và những người có liên quan không phát sinh khoản vay nào tại SaigonBank. Mọi vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Cao Trí không ảnh hưởng hoạt động của ngân hàng.

Tin Cùng Chuyên Mục