10 năm cuộc chiến ‘đào vàng’ ngành TMĐT Việt Nam: Có người đến có người đi và có người ở lại

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Tiki được thành lập năm 2010, sau đó Sendo, Lazada, Shopee cũng xuất hiện tại thị trường Việt trong khoảng 2012 - 2015. Đến nay gần một thập niên trôi qua, ngành TMĐT đang trải qua giai đoạn khốc liệt hơn bao giờ hết.

Mỏ vàng TMĐT trị giá hàng chục tỷ USD

TMĐT là một lĩnh vực cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu, từ Mỹ, Trung Quốc đến Brazil hay Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á với dân số 650 triệu người đang là chiến trường ác liệt bậc nhất. Nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng nhanh chóng, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và tỷ lệ sử dụng smartphone cao đã thổi bùng cuộc đua này.

Theo báo cáo của Google và Temasek, TMĐT Việt Nam năm 2019 đạt quy mô con số 5 tỷ USD, tăng trưởng gấp 12 lần so với 4 năm trước đó. Thị trường đón nhiều kỳ vọng đạt mốc 23 tỷ USD vào năm 2025. 

Một số chuyên gia cho rằng, diễn biến của thị trường TMĐT Việt đang diễn ra theo hai hướng. Một là cuộc chơi "đào vàng" của 4 ông lớn Shopee, Tiki, Lazada, Sendo với những khoản đầu tư khổng lồ nhằm tranh giành thị phần. Kế đến là sự xuất hiện của ngày càng nhiều các startup với công nghệ đột phá cung cấp dịch vụ cộng sinh cho những doanh nghiệp đầu ngành.

10 năm cuộc chiến ‘đào vàng’ ngành TMĐT Việt Nam: Có người đến có người đi và có người ở lại - Ảnh 1

Bốn "ông lớn" trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam 

Bà Vũ Thị Nhật Linh - Giám đốc sàn TMĐT Tiki khẳng định đây là thời cơ chín muồi để startup tham gia vào. "Đây là thời điểm tốt cho các tay chơi mới gia nhập thị trường, tham gia đào vàng để trở thành kỳ lân hoặc tham gia để bán cuốc xẻng cho các ông lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này".

Cách ví von này quả rất thú vị và phần nào cho thấy những gì đang diễn ra trên thị trường. Ngành e-commerce Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, giống như một mỏ vàng đầy tiềm năng mới được khai phá.

10 năm cuộc chiến ‘đào vàng’ ngành TMĐT Việt Nam: Có người đến có người đi và có người ở lại - Ảnh 2

 

Trong đó, đã có “tứ đại gia” với khí tài mạnh nhưng chưa đến hồi kết thì chưa biết ai mới lời lãi to nhất. Họ cũng chưa vội so kè với nhau xem ai đang đào vàng nhanh mà muốn tập trung mở rộng thị trường chung. Dù vậy, với hàng loạt cái tên đình đám rút lui khỏi ngành TMĐT trong năm 2019, việc các tay chơi mới “tham gia đào vàng để trở thành kỳ lân” e rằng khó diễn ra khi sổ phong thần đã chốt 4 đại gia - hai đối thủ nội Tiki, Sendo và hai tay chơi ngoại Shopee, Lazada. 

Ông Trương Gia Bình - chủ tịch FPT, tập đoàn mẹ của Sendo - cũng từng nói rằng: “Nếu bây giờ, có bạn trẻ nào nói với tôi về kinh doanh TMĐT, tôi sẽ đáp rằng: Hãy quên đi. Nhảy vào mảng TMĐT ở thời điểm này đã muộn. Nếu 15 năm trước bạn nói thế, tôi sẽ ủng hộ ngay. Bây giờ đã quá muộn, Tiki đang đốt tiền vô tội vạ”.

Có ông lớn chống lưng chưa chắc thắng, nhiều đấu thủ ngậm đắng rời cuộc chơi

Trong rất nhiều ngành, được ông lớn chống lưng hay đầu tư là cứ yên tâm phát triển. Thế nhưng trong lĩnh vực e-commerce lại khác, có đại gia hậu thuẫn cũng chưa thể quyết định sự tồn vong. Bởi những doanh nghiệp hùng mạnh nhiều khi cũng bí tiền hay muốn tập trung đầu tư chiến lược cho những mảng cốt lõi. 

Xét cho cùng, TMĐT là một cuộc chơi mạnh tay, dài hơi và không dành cho tất cả mọi người. Từ cuối năm 2018 đến nay là thời gian chứng kiến sự rút lui của hàng loạt doanh nghiệp có máu mặt. 

* Vuivui.com và cái kết buồn của Thế giới di động

Vuivui.vn đóng cửa vào tháng 12/2018. Ở thời điểm ra mắt, Vuivui được những nhà sáng lập kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4-5 năm, thậm chí vươn lên dẫn đầu vào năm 2020. Song trên thực tế doanh thu của sàn này chỉ đạt 75 tỷ đồng vào 2017, chiếm khoảng 0,1% tổng doanh thu của công ty mẹ, một con số quá khiêm tốn.

10 năm cuộc chiến ‘đào vàng’ ngành TMĐT Việt Nam: Có người đến có người đi và có người ở lại - Ảnh 3

 VuiVui đóng cửa vào tháng 12/2018

* Robins.vn của tập đoàn Thái Central Group

Robins.vn ra mắt tháng 5/2017 sau sự hợp nhất với Zalora. Sàn TMĐT này thuộc sở hữu của Central Group (Tập đoàn sở hữu Big C và Nguyễn Kim). Robins.vn là một kênh bán hàng thời trang nhận rất nhiều kỳ vọng từ công ty chủ quản. Theo số liệu từ iPrice, trong năm đầu hoạt động, Robins.vn vẫn nằm trong top 5 website TMĐT được truy cập nhiều. Tuy nhiên kể từ tháng 11/2018, lượng tương tác có dấu hiệu suy giảm. Đến tháng 3/2019, website thông báo đóng cửa.

Sự ra đi ngậm ngùi như thế này không phải là lần đầu tập đoàn Central Group phải nếm trải. Trước đó vào đầu năm 2016, khi mua lại BigC, họ cũng cho đóng cửa trang Cdiscount.vn dù đã đầu tư khá bài bản.

* Adayroi sáp nhập nội bộ do Vingroup cải tổ kinh doanh

Tiền thân của Adayroi là dự án thương mại điện tử chuyên về thời trang Chon.vn do nữ doanh nhân trẻ Lê Hoàng Uyên Vy sáng lập vào năm 2011. Năm 2014, Vingroup rót vốn đầu tư. Sau đó, dự án Chon.vn được Vingroup chuyển sang mô hình sàn TMĐT kinh doanh nhiều ngành hàng với tên gọi mới là Adayroi. Bà Vy trở thành CEO của Adayroi đến khi rời Vingroup vào năm 2017.

Giữa tháng 12/2019, Tập đoàn Vingroup cho biết Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, đánh dấu việc Vingroup rút khỏi mảng bán lẻ. Đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp - công nghệ.

10 năm cuộc chiến ‘đào vàng’ ngành TMĐT Việt Nam: Có người đến có người đi và có người ở lại - Ảnh 4

 Adayroi sát nhập cùng VinID (Ảnh: Vnreview)

* Lotte.vn chốt lại danh sách sàn TMĐT dừng cuộc chơi năm 2019

Ra mắt vào những tháng cuối của năm 2016, Lotte.vn là trang TMĐT của tập đoàn Lotte tại Việt Nam. Tương tự như các hệ thống siêu thị khác, họ cũng lấy lợi thế là nguồn hàng bán lẻ đồ sộ của mình để đưa lên mạng. 

Lotte.vn cũng từng ôm mộng chiếm lĩnh 20% thị phần. Tuy nhiên đến lúc đóng cửa ngày 20/1, sáp nhập vào Speedl.vn, trang web chỉ bán khoảng 30.000 sản phẩm, ít hơn nhiều tên tuổi khác trên thị trường. 

 (Kỳ II: "Tứ đại tranh hùng" - Chân dung các ông lớn đằng sau các sàn TMĐT Việt)

Tin Cùng Chuyên Mục