12 đại gia "tranh nhau" mua lô cổ phần của HUD Kiên Giang

Quỳnh Chi

Lô cổ phần mà Tân Á Đại Thành và 11 tổ chức cá nhân khác tham đấu giá có giá trị 1.200 tỷ đồng.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (Mã CK: HUD) có thông báo về 12 nhà đầu tư (4 cá nhân và 8 tổ chức) đáp ứng đủ điều kiện về năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô cổ phần Công ty Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang.

Trong danh sách các nhà đầu tư có sự xuất hiện của những cái tên đáng chú ý như: Công ty cổ phần Đầu tư tập đoàn Tân Á Đại Thành, Công ty cổ phần thương mại phát triển Hòa Phát, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Thăng Long,...

Danh sách các cá nhân tổ chức tham gia mua đấu giá. Ảnh: HUD.
Danh sách các cá nhân tổ chức tham gia mua đấu giá. Ảnh: HUD.

Thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), HUD sẽ bán đấu giá trọn lô hơn 34,8 triệu cổ phần, tương ứng 98,15% vốn HUD Kiên Giang. Với giá khởi điểm 34.000 đồng/cổ phần, HUD dự kiến thu về tối thiểu khoảng 1.185 tỷ đồng.

Cuộc đấu giá dự kiến diễn vào ngày 21/12/2020.

Cái tên quen thuộc nhất trong các nhà đầu tư phải kể đến Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Công ty cổ phần Đầu tư tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập vào tháng 2/2019 với vốn điều lệ 510 tỷ đồng, gồm ba cổ đông sáng lập: Nguyễn Minh Ngọc (nắm 28,8%), Nguyễn Anh Tuấn (nắm 19,2%) và bà Nguyễn Thị Mai Phương - cổ đông lớn nhất nắm 50% vốn điều lệ đồng thời là Chủ tịch HĐQT.

Tên tuổi của Tân Á Đại Thành được biết tới là phát triển kinh doanh bồn nước inox, bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời.

Tòa nhà Tân Á Đại Thành tại Hà Nội. Ảnh: Internet.
Tòa nhà Tân Á Đại Thành tại Hà Nội. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên từ năm 2019, Tân Á Đại Thành bắt đầu lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành, vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Tất cả các thành viên trong Tân Á Đại Thành đều nắm cổ phần ở công ty bất động sản này.  Bà Mai Phương vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ chiếm 45% vốn điều lệ, ông Nguyễn Minh Ngọc nắm 27%, ông Nguyễn Anh Tuấn nắm 18% và bà Nguyễn Phương Anh sở hữu 10%.

Ngoài Tân Á Đại Thành còn có các công ty khác tham gia đấu giá. Trong đó, Công ty cổ phần thương mại phát triển Hòa Phát có trụ sở tại Hà Nội. Doanh nghiệp này mới được thành lập vào tháng 3/2020, vốn 10 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập và lớn nhất là Nguyễn Tiến Dũng nắm 90% vốn. Ngành kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thăng Long có trụ sở tại Hà Nội tiền thân là Công ty TNHH đầu tư dự án Mễ Trì thành lập từ năm 2012. Tháng 1/2020, Công ty chính thức đổi tên và tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ lên 1.200 tỷ đồng.

Động lực để các ông lớn "tranh nhau"

HUD Kiên Giang tiền thân là Công ty Xây dựng Kiên Giang, do UBND tỉnh Kiên Giang thành lập năm 1993. Ngày 1/1/2008, doanh nghiệp này trở thành công ty con của HUD và tiến hành cổ phần hóa từ năm 2014. Thời điểm cuối năm 2019, vốn điều lệ của công ty là 355 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là thi công xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp; sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng; kinh doanh bất động sản.

HUD Kiên Giang quản lý và sử dụng 4 cơ sở nhà và đất tại tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích lên tới 65.701 m2, nhưng tất cả đều là đất thuê. Doanh thu thuần năm 2019 của công ty chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp (chiếm 78,32%), doanh thu bán thành phẩm (chiếm 21,16%), cung cấp dịch vụ 0,45%. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 71 tỷ đồng.

Lý do khiến cổ phần của HUD Kiên Giang được "săn đón" có lẽ là do các dự án mà doanh nghiệp này đang nắm giữ.

Đáng kể đến, hai dự án bất động sản ở Phú Quốc có quy mô lớn mà HUD Kiên Giang sở hữu bao gồm Khu dân cư và đô thị Suối Lớn tại xã Dương Tơ, Phú Quốc và Khu du lịch Bãi Chén tại xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải.

Khu du lịch Bãi Chén tại xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Ảnh: Internet
Khu du lịch Bãi Chén tại xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Ảnh: Internet

Trong đó, Khu dân cư và đô thị Suối Lớn được duyệt quy hoạch vào năm 2007 với quy mô 187 ha, đến năm 2011 được điều chỉnh lên gần 281 ha và đến năm 2012 giảm xuống còn 90,17 ha.

Nằm trong ranh giới dự án còn có khoảng 33,47 ha đất thuộc quỹ dự trữ phát triển. Hiện tại, dự án vẫn còn 8,36 ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Dự án đang chờ cập nhật quy hoạch chi tiết vào quy hoạch điều chỉnh chung của huyện Phú Quốc để trình UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt chấp thuận đầu tư.

Còn Khu du lịch Bãi Chén đã được UBND chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2004. Đến năm 2009, tỉnh giao 19.294 m2 đất cho HUD Kiên Giang và tiếp tục cho công ty thuê thêm 22.871 m2 đất vào năm 2010 để thực hiện dự án.

Tin Cùng Chuyên Mục