12 doanh nghiệp được xuất khẩu lại thủy sản vào Ả Rập Saudi sau hơn 2 năm bị "cấm cửa"

NLĐ

Ả Rập Saudi đã cho phép 12 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trở lại mặt hàng thủy sản vào thị trường này.

Ngày 15-9, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi - Bộ Công Thương cho biết Ả Rập Saudi đã cho phép 12 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trở lại mặt hàng thủy sản vào thị trường này.

Cụ thể, Đại sứ quán Ả rập Saudi tại Việt Nam có công hàm gửi các cơ quan chức năng phía Việt Nam thông báo ý kiến của Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Saudi (SFDA) cho phép 12 doanh nghiệp được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào thị trường nước này.

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi nhấn mạnh sau hơn 2 năm với sự nỗ lực phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ả Rập Saudi trong việc thúc đẩy, vận động các cơ quan có liên quan phía Ả Rập Saudi, đã đạt được kết quả bước đầu nêu trên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại và hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá để gửi phía Ả Rập Saudi.

Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, việc này mở ra hướng đi mới cho đầu ra của ngành thủy sản trong nước, nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan làm việc, thúc đẩy SFDA bổ sung các doanh nghiệp Việt Nam khác được phép xuất khẩu thủy sản trở lại vào thị trường Ả Rập Saudi, tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần lưu ý, Ả Rập Saudi là thị trường có yêu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là thị trường có vai trò đầu tàu tại khu vực Trung Đông, do đó các động thái chính sách của Ả Rập Saudi có thể tạo ảnh hưởng đến các thị trường khác trong khu vực.

"Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản cần rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường nuôi trồng, sản xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Ả Rập Saudi, tránh để ảnh hưởng đến quá trình đánh giá hồ sơ của SFDA đối với các doanh nghiệp khác. Việc này cũng góp phần hạn chế khả năng phía Ả Rập Saudi xem xét áp dụng lại lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam trong tương lai"- đại diện Bộ Công Thương nói.

Trước đó, vào tháng 1-2018, Ả Rập Saudi áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam sau khi đoàn thanh tra thực tế của SFDA đến Việt Nam làm việc và kết luận một số cơ sở sản xuất, chế biến tôm và cá tra không đảm bảo được các yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục