12 lần thắng kiện vẫn không thể thi hành án: Ba lần cưỡng chế đều bị cán bộ lạm quyền ngăn cản

Bùi Yên

Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo nhanh chóng thi hành bản án của ông Ẻm nhưng khi Chấp hành viên ba lần ban hành văn bản cưỡng chế thi hành án thì đều bị ngăn cản.

Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo nhanh chóng thi hành bản án của ông Ẻm nhưng khi Chấp hành viên ba lần ban hành văn bản cưỡng chế thi hành án thì đều bị ngăn cản. Phó Chủ tịch TP Cà Mau lấy lý do “có khả năng ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự khu vực”. Chỉ đạo này bị đánh giá là trái luật và không làm tròn trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

12 lần thắng kiện vẫn không thể thi hành án: Ba lần cưỡng chế đều bị cán bộ lạm quyền ngăn cản - Ảnh 1
Cán bộ địa phương đã lạm quyền khi ba lần yêu cầu cơ quan THADS tạm dừng cưỡng chế thi hành bản án,

Ba lần ngăn cản chỉ đạo của Tổng cục THADS 

Sau khi bản án phúc thẩm lần thứ 4 của TAND tỉnh Cà Mau có hiệu lực từ ngày 9/08/2016, ông Ẻm nhiều lần đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Cà Mau tiến hành thi hành. Tuy nhiên, việc thi hành án kéo dài, ông Ẻm có đơn khiếu nại.

Tại quyết định giải quyết khiếu nại ngày 5/9/2017, Cục THADS Cà Mau chấp nhận toàn bộ khiếu nại, đồng thời yêu cầu Chấp hành viên tiến hành tổ chức thi hành án, thực hiện các biện pháp xử lý, giải quyết khó khăn. Nhưng sự việc vẫn tiếp tục chậm trễ.

Ngày 24/10, Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS Cà Mau kiểm tra nội dung ông Ẻm nêu; xem xét nguyên nhân, trách nhiệm việc thực hiện kết quả khiếu nại đã có hiệu lực, đồng thời chỉ đạo Chi cục THADS TP Cà Mau có biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm việc thi hành án và báo cáo kết quả về Tổng cục.

Việc chỉ đạo của Tổng cục THADS đã rất rõ ràng và đúng pháp luật. Chỉ đạo này được Chấp hành viên tuân thủ triệt để. Ngày 20/3/2018, Chấp hành viên ra quyết định “Cưỡng chế thi hành án với ông Tạ Thanh Vân (do ông Lâm đã mất)”. Lệnh sẽ được thực hiện vào ngày 30/3/2018.

Ông Ẻm vui mừng khi công lý được thực thi. Nhưng bất ngờ, ngay sáng 29/3/2018, Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh Cà Mau truyền đạt ý kiến tạm dừng thi hành án mà không đưa ra được lý do tại sao.

Lần thứ hai, ngày 27/4/2018, Chấp hành viên tiếp tục ra quyết định cưỡng chế thi hành án với ông Vân sẽ thực hiện vào ngày 17/5/2018. Lần này, ông Lý Khánh Ly là Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau (đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo THADS TP Cà Mau) bất ngờ “vào cuộc”, có chỉ đạo tạm dừng thực hiện thi hành án.

Chỉ đạo này đưa ra trước giờ cưỡng chế chỉ hai tiếng đồng hồ. Lý do là “việc cưỡng chế có tính chất phức tạp, tình hình trật tự tại khu vực cưỡng chế không đảm bảo, có khả năng tạo ra điểm nóng”.

Lần thứ ba, việc cưỡng chế thi hành án với ông Vân sẽ được thực hiện vào ngày 17/8/2018. Và trước khi cưỡng chế một ngày, ông Ly lại tiếp tục ban hành công văn tạm dừng, lý do “có tính chất phức tạp và có khả năng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự khu vực cưỡng chế”.

Cụ Ẻm bức xúc: “Cả ba lần, gia đình chúng tôi đều mừng hụt. Tôi không hiểu tại sao Tổng cục THADS có văn bản chỉ đạo nhưng khi về đến địa phương thì bị ngăn cản bởi cấp tỉnh và ông Phó Chủ tịch TP với lý do không chính đáng. “Ảnh hưởng đến an ninh, tạo điểm nóng” là sao? Là gia đình ông Vân sẽ chống đối hay sao? Pháp luật quy định có quyền trấn áp những ai chống đối trái phép cơ mà. Chính quyền có đủ cơ sở pháp lý, đủ lực lượng, nhưng ông Ly lại vin ra lý do do không chính đáng”.

Phó Chủ tịch TP Cà Mau lạm quyền 

Việc chính quyền địa phương ba lần chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế thi hành án sự việc trên có đúng luật, có vi phạm nguyên tắc độc lập của thi hành án? Trả lời câu hỏi trên, một cán bộ Cục THADS tỉnh Lâm Đồng giải thích: “Chức vụ Trưởng ban thi hành án nhằm tạo sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với cơ quan THADS. Trưởng ban chỉ đạo thi hành án không có quyền chỉ đạo, can thiệp nghiệp vụ đối với Chấp hành viên cũng như cơ quan thi hành án”.

Theo cán bộ này, căn cứ vào tình hình thực tế về an ninh trật tự tại địa phương, tại khu vực tiến hành cưỡng chế thi hành án, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án có quyền ra văn bản đề nghị tạm dừng nhưng chỉ được một lần. Sau khi tạm dừng, chính quyền phải xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, đảm bảo việc cưỡng chế THA.

“Nếu nhiều lần đều tạm đình chỉ vì lý do an ninh trật tự thì thực sự tôi chưa thấy bao giờ. Chúng ta có đủ chế tài để đảm bảo an ninh trật tự cho việc thực hiện cưỡng chế thi hành án với bản án có hiệu lực pháp luật”, vị cán bộ này thông tin.

Đối chiếu các điều khoản của Luật Thi hành án dân sự, cũng không hề có quy định Trưởng ban chỉ đạo thi hành án được quyền can thiệp nghiệp vụ trong quá trình thi hành án của Chấp hành viên.

Việc chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế thi hành án lần thứ nhất mà không nêu được lý do là trái luật, vượt thẩm quyền. Còn với ông Ly, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau hai lần đều viện lý do “an ninh, trật tự” nhằm tạm dừng thi hành án là hoàn toàn trái luật. 

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM), trong sự việc trên, cả hai vị cán bộ địa phương chỉ đạo tạm dừng thi hành án sự việc đều có dấu hiệu dung túng cho người không chấp hành bản án. “Những hành vi chống đối thi hành bản án, chống đối khi tiến hành cưỡng chế thi hành án đều có chế tài xử lý. Nhiều trường hợp đã bị khởi tố, truy tố hình sự về việc không thi hành bản án, chống cưỡng chế thi hành án”, Luật sư Hiệp cảnh báo.

Sau khi việc cưỡng chế thi hành án bị can thiệp lần thứ ba, đến nay đã bảy tháng trôi qua, không rõ cơ quan chức năng Cà Mau đã có những biện pháp nhằm cải thiện “tình hình an ninh, trật tự” tại khu vực sắp thực hiện cưỡng chế hay chưa? Tại sao lại có sự vô lý, vô phép tắc với bản án có hiệu lực pháp luật như vậy? Việc chưa thể thi hành án, Cục Thi hành án Cà Mau xác nhận không hề gặp khó khăn về nghiệp vụ hoặc bản án, nhưng gặp điểm khó như trên, và còn có cơ quan hành chính khác ở tỉnh kiến nghị xem xét lại bản án. Cơ quan đó là ai? Mời bạn đọc xem tiếp số báo sau.

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM): “Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp chống lại Chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Ngoài ra còn bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng”.

LS Hiệp cho rằng, nếu có hành vi chống đối, làm mất an ninh trật tự nơi cưỡng chế thi hành án, người vi phạm có thể bị khởi tố tội “chống người thi hành công vụ” hoặc “gây rối trật tự công cộng”.

“Nhiều lần viện lý do “an ninh trật tự” để tạm dừng cưỡng chế thi hành án là một việc làm hết sức vô lý, trái luật. Làm như thế, người bị thi hành án sẽ coi thường pháp luật, người được thi hành án bị thiệt hại, mất niềm tin vào chính quyền địa phương”, LS Hiệp nói.

Tin Cùng Chuyên Mục