20 thương vụ mua cổ phần lớn nhất Việt Nam trong 1 thập kỷ có giá trị lên đến 10 tỷ USD

Thương vụ nội địa duy nhất trong danh sách là giao dịch của tập đoàn THACO mua cổ phần công ty cổ phần Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai.

Mới đây Forbes Việt Nam đã công bố 20 thương vụ mua cổ phần lớn nhất với tổng giá trị xấp xỉ 10 tỷ USD. Trong số nhà đầu tư đến từ các nước, Nhật Bản dẫn đầu về số lượng với 5 giao dịch, sau đó là Hàn Quốc và Mỹ với 4 thương vụ. Các nhà đầu tư đến từ Singapore dẫn đầu với giá trị các thương vụ với hơn 2,7 tỷ USD.

20 thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam trong 1 thập kỷ đạt giá trị lên đến 10 tỷ USD. (Ảnh: Forbes)
20 thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam trong 1 thập kỷ đạt giá trị lên đến 10 tỷ USD. (Ảnh: Forbes)

Thương vụ ngành tài chính ngân hàng

Năm 2019, nhà đầu tư Hàn Quốc KEB Hana Bank đã mua hơn 603,3 triệu cổ phần tương đường 15% vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây được xem là thương vụ mua cổ phần có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với tổng giá trị giao dịch hơn 882 triệu USD. Sau thương vụ, BIDV cũng trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay.

Đứng thứ hai thương vụ mua cổ phần ngành ngân hàng là thỏa thuận giao dịch giữa Tokyo Mitsubishi UFJ và VietinBank năm 2012. Theo đó, VietinBank bán lại 20% cổ phần chiến lược cho Ngân hàng BTMU trị giá 743 triệu USD.

Hồi tháng 1/2012, Tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật Bản đã chi 567 triệu USD để mua lại 15% cổ phần của Vietcombank. Giao dịch này đã giúp Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước sở hữu chi phối có đối tác chiến lược nước ngoài.

Ngoài ra góp mặt trong 20 thương vụ mua cổ phần lớn nhất còn có giao dịch của Warburg Pincus đầu tư 370 triệu USD vào Techcombank và tập đoàn Sumimoto chi 340 triệu USD để mua lại 18% cổ phần Bảo Việt.

Thương vụ ngành bất động sản

Hồi tháng 5/2018, quỹ đầu tư GIC Private Limited của chính phủ Singapore đã đầu tư 1,3 tỷ USD  để mua 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes với tỷ lệ sở hữu 5,74%. Đây được xem là giao dịch sáp nhập và mua bán bất động sản điển hình năm 2017-2018 đồng thời là thương vụ mua cổ phần lớn nhất tại Việt Nam trong 1 thập kỷ qua.

Thương vụ nội địa duy nhất diễn ra tại ngành bất động sản đó là việc hợp tác giữa HAGL và Thaco. Cụ thể, Thaco đã đầu tư 350 triệu USD để hỗ trợ HAGL vốn đang mắc kẹt trong thế nặng nợ khát vốn.

Theo kế hoạch, Thaco sẽ sở hữu 35% cổ phần của HAGL Agrico đồng thời hỗ trợ HNG cơ cấu lại khoản nợ vay và đầu tư vào các dự án cây ăn trái nhằm tăng diện tích khai thác lên 30.000 ha vào năm 2020.

Thương vụ ngành hàng tiêu dùng

Cuối năm 2015, tập đoàn Masan đã công bố thương vụ đình đàm trị giá 1,1 tỷ USD với tập đoàn Singha Asia Holding của Thái Lan. Theo thỏa thuận Singha sở hữu 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings, công ty còn chuyên ngành hàng thực phẩm và 33,3% cổ phần tại Masan Brewery, công ty còn chuyên về đồ uống. Đây cũng là thương vụ mua cổ phần có giá trị lớn thứ hai từ trước đến nay tại thị trường Việt Nam.

Trước đó vào năm 2012, hãng bia của Thái đã từng rót khoảng 250 triệu USD để đầu ty vào Masan nhằm chứng minh sức hút của ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam trong thời điểm đó.

Ngoài ra một trong những giao dịch mua cổ phần lớn nhất Việt Nam không thể bỏ qua thương vụ trị giá 709 triệu USD giữa Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser&Neave và công ty sữa Vinamilk năm 2016. F&N xem Vinamilk là khoản đầu tư quan trọng nhất khi chiếm 47% lợi nhuận trước thuế và lãi vay của tập đoàn tính trong năm tài chính 2017.

Cùng năm 2017, công ty Jardinr Cycle & Carriage có trụ sở tại Singapore cũng đổ tiền 319 triệu USD để sở hữu 3,54% cổ phần của công ty sữa Vinamilk. Sau đó đại gia đến từ Singapore đã chi thêm tiền đầu tư để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Vinamilk lên 5,53%.

Thương vụ ngành bán lẻ

Hai thương vụ mua cổ phần đình đám trong ngành bán lẻ góp mặt trong nhóm 20 bao gồm giao dịch giữa Quỹ đầu tư GIC của Singapore với Vincomerce và Warburg Pincus với Vincom Retail.

Hồi tháng 9/2019, GIC thông báo dẫn đầu nhóm đầu tư rót 500 triệu USD vào công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM đang sở hữu 100% vốn của Vincomerce. Sau thương vụ, định giá hệ thống Vincomerce đã lên đến hơn 3 tỷ USD.

Vào năm 2013 quỹ Warburg Pincus đã đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail để nắm giữ 20% cổ phần của công ty đang sở hữu chuỗi trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup (VIC). Sau đó Warburg Pincus đã chi thêm 100 triệu USD để nâng tổng mức đầu tư lên 300 triệu USD.

2 thương vụ trị giá 1,4 tỷ USD của Vingroup

Trong 1 thập kỷ, tập đoàn Vingroup đã thực hiện 2 thương vụ đình đám với nhà đầu tư Hàn Quốc bao gồm tập đoàn năng lượng SK và ngân hàng Keb Hana Bank.

Cụ thể tập đoàn SK đã rót 1 tỷ USD cho 6,15% cổ phần của Vingroup và trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn này. Đây cũng được xem là thương vụ mua cổ phần có giá trị nhất tại thị trường Việt Nam năm 2019.

Trước đó vào năm 2018, Vingroup cũng thực hiện thương vụ trị giá 400 triệu USD với ngân hàng Keb Hana Bank.

Ngoài ra trong danh sách công bố của Forbes, ngành năng lượng và hàng không cũng góp mặt 2 thương vụ mua cổ phần lớn. Trong đó, tập đoàn JX Nippon Oil & Energy của Nhật Bản đã đầu tư 183 triệu USD để sở hữu 8,73% cổ phần Petrolimex vào năm 2016. Tập đoàn Ana Holdings cũng đạt thỏa thuận 109 triệu USD cho 8,77% cổ phần của Vietnam Airlines năm 2011.

Tin Cùng Chuyên Mục