3 điểm yếu "không thể chối bỏ" khiến bitcoin dễ bị tiền điện tử khác "lật đổ"

Như Quỳnh

Trong khi bitcoin vẫn đang cố gắng khắc phục các yếu điểm thì các đồng tiền số khác như ethereum, Zcash,... đang bắt đầu tung ra các bản cập nhật mới, đánh vào chính điểm yếu của bitcoin.

3 điểm yếu "không thể chối bỏ" khiến bitcoin dễ bị tiền điện tử khác   "lật đổ"

Giáo sư kinh tế Eswar Prasad tại Đại học Cornell cho rằng bitcoin - loại tiền điện tử phổ biến nhất thế giới nhiều khả năng sẽ bị thay thế bởi các đối thủ bởi 3 điểm yếu chính chưa được khắc phục dưới đây:

1. Đào bitcoin gây hại cho môi trường

Khai thác bitcoin là một quá trình sử dụng điện để "đào" tiền mới và đảm bảo mạng thanh toán luôn ở trạng thái bảo mật và xác thực. Quá trình này từ lâu đã luôn bị chỉ trích là tiêu tốn quá nhiều điện năng và "chắc chắn không tốt cho môi trường", giáo sư Prasad nói.

Theo nghiên cứu của đại học Cambridge, quy trình "đào" bitcoin tiêu tốn nhiều điện hơn toàn bộ năng lượng điện tiêu thụ trong một năm ở một số quốc gia như Phần Lan và Thụy Sĩ. 

Bitcoin hiện là loại tiền điện tử lớn nhất thế giới, tuy nhiên liệu nó có thể duy trì được vị thế này trong tương lai?
Bitcoin hiện là loại tiền điện tử lớn nhất thế giới, tuy nhiên liệu nó có thể duy trì được vị thế này trong tương lai?

Mức độ tiêu thụ năng lượng là điểm yếu nhất và là một trong những nguyên nhân chính khiến bitcoin đối mặt với các đợt mất giá liên tiếp gần đây. Tháng trước, CEO Tesla Elon Musk cho biết tập đoàn sẽ ngừng chấp nhận bitcoin làm hình thức thanh toán vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, khiến giá bitcoin giảm 5% chỉ trong vài phút.  

Mặc dù vậy mới đây vào ngày 13/6, tỷ phú Elon Musk đã úp mở trong một thông báo trên Twitter rằng Tesla sẽ xem xét chấp nhận sử dụng bitcoin trong giao dịch nếu loại tiền này có thể xác nhận rằng các "thợ đào sử dụng năng lượng sạch". 

Trong khi bitcoin vẫn đang tìm cách cải thiện thì ethereum - đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ hai đã tìm ra giải pháp với bản cập nhật ethereum 2.0. Bản cập nhật dự kiến sẽ giúp ethereum sử dụng ít năng lượng hơn tới 99,95% so với trước đây. 

"Ethereum 2.0 không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn làm cho các giao dịch tiền điện tử rẻ và nhanh hơn. Đây là điểm khiến ethereum vượt trội hơn bitcoin", ông Prasad nói. 

2. Tính bảo mật và ẩn danh không được như kỳ vọng

Đầu tháng này, cảnh sát Mỹ thông báo đang tìm cách thu hồi 2,3 triệu USD bitcoin được trả cho một nhóm tội phạm mạng liên quan đến cuộc tấn công vào đường ống Colonial Pipeline hồi tháng 5. FBI cho biết đã xác định được ví tiền ảo mà các tin tặc sử dụng để thu tiền chuộc từ Colonial Pipeline.

"Ý tưởng chính làm nên bitcoin là sự ẩn danh. Nhưng hóa ra nếu bạn sử dụng nhiều bitcoin trong một thời điểm, hoặc sử dụng bitcoin để mua bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào ngoài đời thật thì cuối cùng người ta cũng có thể tìm được địa chỉ và danh tính thực của bạn", giáo sư Prasad nhận định.

Trong khi bitcoin đang bị đặt nghi ngờ về tính bảo mật và ẩn danh thì hiện có nhiều loại tiền ảo khác trên thị trường đang cố gắng trao nhiều quyền "ẩn mình" hơn cho người sử dụng, tiêu biểu như Monero và Zcash. 

"Bitcoin đã đem đến cho mọi người một phương tiện trao đổi mới mà không cần thông qua các tổ chức chính thống như chính phủ hoặc ngân hàng thương mại. Tuy nhiên nó vẫn chưa làm đủ tốt". 

3. Không hoạt động tốt như một loại tiền tệ

Về lý thuyết, bitcoin hoạt động như một phương tiện trao đổi ẩn danh và hiệu quả, tuy nhiên giáo sư kinh tế Prasad cho rằng bitcoin không làm tốt chức năng này. Thay vào đó, ông cho rằng bitcoin chỉ được xem như một loại tài sản đầu cơ mà những người đầu tư vào đó chỉ mua và hy vọng đồng tiền ảo này tăng giá mà thôi. 

Việc sử dụng bitcoin để mua hàng hóa và dịch vụ "chậm và cồng kềnh", chưa kể đến yếu tố giá cả bitcoin rất dễ biến động - có thời điểm lên xuống 30% chỉ trong một ngày.

"Hôm nay bạn có thể mang 1 bitcoin đến cửa hàng và mua được một cốc cà phê, tuy nhiên với số bitcoin tương tự vào ngày khác bạn cũng có thể tự thưởng cho mình một bữa ăn xa hoa. Biến động giá lớn khiến bitcoin không hoạt động tốt như một phương tiện trao đổi", ông Prasad nói. 

Tin Cùng Chuyên Mục