6 công trình dở dang nhưng hút khách

Theo VnExpress

Trên thế giới tồn tại những công trình chưa hoàn thiện nhưng lại thu hút du khách nhờ sự "không hoàn hảo" đó.

6 công trình dở dang nhưng hút khách - Ảnh 1

Nhà thờ Sagrada Familia, Barcelona, Tây Ban Nha được xây dựng từ năm 1882 bởi kiến trúc sư huyền thoại Antoni Gaudi. Dự án bắt đầu dang dở từ năm 1926 do ông mất đột ngột trong một tai nạn tàu điện. Khi Gaudi qua đời, công trình mới chỉ hoàn thành được hầm mộ, các bức tường vòm, một cổng và một tòa tháp.

Ba tòa tháp khác được xây thêm vào năm 1930 để hoàn thiện mặt tiền phía đông bắc. Cho đến tận năm 2019, nhà thờ mới được cấp giấy phép để tiếp tục xây dựng với dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Công trình nổi tiếng với lối kiến trúc kết hợp giữa Gothic truyền thống và Art Nouveau hiện đại. Đây là một trong những điểm tham quan đông khách nhất tại Tây Ban Nha, thu hút hơn 4,5 triệu du khách mỗi năm, trước Covid-19.

6 công trình dở dang nhưng hút khách - Ảnh 2

Đền Ta Keo, Siem Reap, Campuchia được khởi công xây dựng vào năm 975 để trở thành trung tâm kinh đô mới. Ngôi đền có 5 ngọn tháp, hiện thân của Núi Meru linh thiêng - ngọn núi nằm ở trung tâm vũ trụ, theo Phật giáo.

Sa thạch nguyên khối đặt chồng lên nhau tạo nên cấu trúc bền vững mà không cần sử dụng bất kỳ vật liệu kết dính nào. Tuy nhiên đến nay ngôi đền vẫn chưa được hoàn thiện.

Nguyên nhân được cho là do cái chết của vua Jayavarman V, người đặt nền móng xây dựng ngôi đền này, hoặc do chính quyền mới sau này quyết định không phân bổ ngân sách cho công trình này. 

6 công trình dở dang nhưng hút khách - Ảnh 3

Biệt thự Woodchester, Gloucestershire, Anh bắt đầu xây dựng từ năm 1858 và kết thúc vào giữa những năm 1870. Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà theo kiến trúc tân Gothic này có vẻ đã hoàn thiện và có thể sinh sống được.

Tuy nhiên, bên trong tòa nhà trống rỗng, không chia tầng và các phòng. Chủ sở hữu khu đất là William Lee đã nỗ lực xây một ngôi nhà lý tưởng mặc dù khả năng tài chính có giới hạn. Sau khi ông qua đời, công trình bị dừng thi công.

Có lúc biệt thự này suýt trở thành bệnh viện tâm thần, nhưng ý tưởng này không đi đến đâu. Trong Thế Chiến thứ 2, làng Woodchester là nơi đóng quân của quân đội Canada và Mỹ. Trường Cao đẳng Sư phạm khi đó được đặt bên trong tòa nhà. Ngày nay, biệt thự thu hút những du khách ưa thích những câu chuyện ma mị, huyền bí.

6 công trình dở dang nhưng hút khách - Ảnh 4

Tháp Hassan, Rabat, Morocco bắt đầu được xây dựng vào năm 1195 theo lệnh của thân vương Yakub al-Mansur. Theo thiết kế, toà tháp sẽ cao 86 m, trở thành công trình cao nhất trong thế giới Hồi giáo.

4 năm sau, thân vương qua đời và công trình bị tạm dừng ở chiều cao đạt 44 m. Tòa tháp vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Rabat. 

6 công trình dở dang nhưng hút khách - Ảnh 5

Đài tưởng niệm Quốc gia Scotland, Edinburgh, Scotland được xây để tưởng niệm những người lính và thủy thủ Scotland hy sinh trong Chiến tranh Napoléon. Công trình có dáng vẻ giống như đền Parthenon của Hy Lạp.

Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1826, nhưng ngân sách cạn kiệt sau 3 năm. Trong thế kỷ 20, đài tưởng niệm đã nhiều lần được đề xuất chuyển thành một tòa nhà quốc hội hoặc phòng trưng bày.

Tuy nhiên, chúng không thành hiện thực vì người Scotland không thích những ý tưởng như vậy. Người địa phương gọi nơi đây là "nỗi hổ thẹn của Edinburgh", "niềm tự hào và sự khốn cùng của Scotland"... Hiện tại, đây là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch Edinburgh.

6 công trình dở dang nhưng hút khách - Ảnh 6

Nhà thờ Thánh John the Divine, New York, Mỹ bắt đầu được xây dựng vào năm 1892. Đây là nhà thờ Anh giáo lớn nhất trên thế giới và đến nay vẫn chưa hoàn tất. Quá trình thi công nhà thờ bị gián đoạn nhiều lần, tiêu biểu là qua hai cuộc Thế chiến và do thiếu kinh phí vào năm 1999.

Khi đó, công trình mới chỉ hoàn thành 2/3. Vào năm 2001, ở gian giữa phía bắc của nhà thờ xảy ra hỏa hoạn và nhà thờ cần phải được trùng tu. Du khách có thể vào bên trong để chiêm ngưỡng quy mô to lớn của nhà thờ với trần cao, cửa sổ kính màu. 

Link bài gốc