6G là gì, tốc độ ra sao và bao giờ có?

Quỳnh Chi

Ở thời điểm này có lẽ 5G vẫn còn chưa quá phổ biến nhưng thuật ngữ 6G đã xuất hiện. Vậy 6G là gì, tốc độ ra sao và bao giờ có?

Tại Việt Nam thời điểm này, mặc dù mạng 5G chưa được triển khai chính thức nhưng một số địa điểm đã có mạng 5G thử nghiệm và bạn cũng dễ dàng mua được những chiếc máy hỗ trợ kết nối 5G. Tuy nhiên, công nghệ không bao giờ dừng lại và người ta đã nói về bước tiếp theo trong thế giới kết nối di động. Cụ thể ở đây là mạng 6G nhưng thông tin về kết nối mới này mới chỉ xuất hiện xoay quanh một vài báo cáo và nghiên cứu. Hãy làm rõ một số điều về 6G và tìm hiểu công nghệ tương lai này thực sự là gì.

Ảnh: digitaltrends 
Ảnh: digitaltrends 

6G có thật không?

Câu trả lời là có hoặc cũng có thể không. Đúng, 6G cuối cùng sẽ thay thế 5G, nhưng 6G vẫn chưa phải là một công nghệ hoạt động và thay vào đó đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu. Các công ty viễn thông di động đang tập trung vào 5G còn 6G vẫn còn là tương lai mà một số nhà mạng cũng như quốc gia muốn nghiên cứu để đạt được lợi thế.

Khi nào có 6G?

“Còn hơi sớm để nói về 6G.” đó là lời của Giám đốc công nghệ (CTO) Erik Ekudden của Ericsson tại MWVC 2019 Thượng Hải vào tháng 7 năm 2019. Sau đó, vào tháng 12 năm 2020, CTO của Verizon, Kyle Malady, nói tiếp: “Tôi thực sự không biết 6G là gì."

Hiện nay những nghiên cứu về 6G mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Ekudden ước tính rằng sẽ mất khoảng một thập kỷ để 6G xuất hiện, dự đoán này cũng trùng khớp với người sáng lập Huawei, Ren Zhengfei, khi ông nói với CNBC vào tháng 9 năm 2019 rằng 6G còn ít nhất mười năm nữa. Một báo cáo năm 2021 của ABI Research dự đoán rằng việc triển khai 6G thương mại sẽ diễn ra vào năm 2028 và 2029, triển khai rộng rãi hơn sẽ diễn ra trong những năm tiếp theo.

Ảnh: navixy 
Ảnh: navixy 

6G sẽ nhanh như thế nào?

Chưa thể biết cụ thể 6G ​​sẽ nhanh như thế nào, nhưng ước tính nó nhanh hơn 5G khoảng 100 lần. Các tiêu chuẩn cuối cùng sẽ xác định thế nào là kết nối 6G thông qua Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). ITU gần đây đã hoàn thiện các tiêu chuẩn cho 5G (được gọi là IMT-2020) sau hơn tám năm làm việc và dự kiến ​​sẽ sớm bắt đầu một quy trình tương tự cho 6G.

Trích lời Tiến sĩ Mahyar Shirvanimoghaddam từ Đại học Sydney, ông tuyên bố 6G có thể cung cấp tốc độ kinh ngạc 1TB mỗi giây hoặc 8.000 gigabit mỗi giây. Khi đó bạn hãy quên việc tải một bộ phim trong vài giây từ Netflix với 5G mà với tốc độ 6G như vậy, chỉ trong một giây, bạn có thể tải xuống 142 giờ phim trên Netflix.

6G sẽ có ý nghĩa gì với bạn?

Nó sẽ giống như 5G, nhưng hơn thế nữa. Tốc độ thậm chí cao hơn, độ trễ thậm chí thấp hơn và khối lượng băng thông lớn. Các nhà nghiên cứu và nhà khoa học nói rằng mạng 6G có thể vượt ra ngoài mạng “có dây”.

6G là gì, tốc độ ra sao và bao giờ có? - Ảnh 1

Đối với mạng 5G, một số lĩnh vực hy vọng ứng dụng như ô tô tự hành và máy bay không người lái đến các thành phố thông minh thì sẽ được nâng cao hơn nữa với 6G, nó cũng có thể mang lại các ứng dụng khoa học viễn tưởng như tích hợp bộ não của chúng ta với máy tính và hệ thống điều khiển cảm ứng được cải thiện đáng kể.

Mục tiêu của mạng 6G còn là giải quyết các hạn chế của mạng 5G, hướng tới khả năng kết nối không gian - khí quyển - mặt đất - dưới biển. Hiện đang có khá nhiều công nghệ tiềm năng, kể cả các công nghệ của tương lai được xem xét đưa vào mạng 6G như truyền thông không dây quang, truyền thông lượng tử, thiết bị bay không người lái, vệ tinh tầng thấp… các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn cũng được đưa vào hỗ trợ mạng 6G nhằm đảm bảo các mục tiêu về chất lượng mạng.

 

Những quốc gia hay đơn vị nào đang nghiên cứu mạng 6G?

Trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021, các sáng kiến ​​nghiên cứu về 6G trở nên phổ biến hơn khi các chính phủ trên thế giới bắt đầu nghiên cứu các khả năng, mong muốn nắm bắt công nghệ mới trước thời đại. Một số khoản đầu tư quan trọng được thực hiện gần đây:

  • Theo hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, quốc gia này đã đưa một vệ tinh thử nghiệm 6G lên quỹ đạo. Vệ tinh này được cho là một trong 13 vệ tinh mới được Trung Quốc triển khai trong vụ phóng tên lửa Long March-6 vào tháng 11 năm 2020. Vệ tinh này nặng 70 kg và được chế tạo để thử nghiệm truyển tải dữ liệu với băng tần terahertz (một terahertz tương đương một nghìn tỷ chu kỳ mỗi giây). Thiết bị cũng được sử dụng để quan sát Trái Đất từ xa, hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh và giám sát thảm họa nông lâm nghiệp. Gần đây, CNIPA (Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc) đã công bố rằng họ có 35% trong số khoảng 38.000 bằng sáng chế liên quan đến 6G.
  • Tại Châu Âu, dự án 6G Flagship đang tiến hành kết hợp nghiên cứu các công nghệ 6G, hiện đang được đặt trung tâm tại Đại học Oolu của Phần Lan.
  • Nhật Bản đang dành 482 triệu USD để giúp 6G trở nên phổ biến trong vài năm tới. Nguồn tài trợ này sẽ xây dựng một cơ sở nơi các nhà nghiên cứu có thể phát triển các dự án không dây. Mục tiêu chung của đất nước là hướng tới các công nghệ di động nổi bật vào năm 2025.
  • Tại Đức, Vodafone Germany đã công bố vào năm 2021 rằng họ đang thành lập một cơ sở nghiên cứu 6G ở Dresden.
  • Tại Hàn Quốc, Samsung cũng đã tập hợp một nhóm chuyên gia nghiên cứu và phát triển mạng 6G từ năm 2019 và nhận thấy công nghệ này đặc biệt hứa hẹn đối với công nghệ tiên tiến như ảnh ba chiều. Samsung đang là một tổ chức được dự đoán sẽ triển khai 6G đầu tiên, có thể xảy ra sớm nhất vào năm 2028.

Tin Cùng Chuyên Mục