7 cảnh tượng kỳ diệu bạn không nên bỏ lỡ trên bầu trời mùa hè

Đỗ Hiền Forbes

Trên bầu trời vẫn luôn tồn tại những điều kỳ thú mà bạn hoàn toàn có thể quan sát thấy mỗi đêm, thay vì phải chờ đợi các hiện tượng đặc biệt diễn ra.

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện thiên văn đặc biệt. Trong tháng 8 này, bạn có thể quan sát được sao chổi Neowise – ngôi sao 7.000 năm mới bay qua Trái Đất, nhìn thấy sao Mộc và sao Thổ lấp lánh trên bầu trời ngay sau thời điểm hoàng hôn, hay sao Kim rực rỡ nơi gần chân trời phía Đông trước lúc bình minh. 

Bầu trời đêm mùa Hè ẩn chứa nhiều hiện tượng thiên văn thú vị. Ảnh: Flickr
Bầu trời đêm mùa Hè ẩn chứa nhiều hiện tượng thiên văn thú vị. Ảnh: Flickr

Ngay cả khi bầu trời bị ô nhiễm ánh sáng nhẹ hay trong một đêm không trăng, bạn vẫn có thể quan sát được 7 hình ảnh đặc biệt sau trong suốt những tháng hè.

Tuy nhiên trước đó, bạn cần phải biết về Tam giác mùa Hè, bởi nó sẽ liên quan khá nhiều tới danh sách sắp được giới thiệu. Khi Mặt trời vừa lặn xuống, các hành tinh và những ngôi sao sáng nhất sẽ xuất hiện đầu tiên. Nếu bạn đứng ở Bắc bán cầu nơi có vĩ độ trung bình, chỉ cần ngước mắt nhìn thẳng lên bầu trời, bạn sẽ quan sát thấy Tam giác mùa Hè, được tạo thành bởi ba ngôi sao sáng là Vega (ngôi sao sáng thứ 5), Altair (ngôi sao sáng thứ 12) và Deneb (ngôi sao sáng thứ 19).

Nếu may mắn gặp điều kiện thích hợp như vị trí quan sát tốt, buổi tối không trăng, thì các bạn có thể hoàn toàn nhìn thấy dải Ngân Hà “chảy” giữa Tam giác mùa Hè, hay chính xác hơn là giữa sao Vega và sao Altair.

Tam giác mùa Hè trên bầu trời Nhật Bản. Ảnh: Shingo Takei
Tam giác mùa Hè trên bầu trời Nhật Bản. Ảnh: Shingo Takei

Những mảng sao xung quanh Tam giác mùa Hè chính là nơi ẩn chứa rất nhiều bí ẩn thú vị, và ngay sau đây là 7 hình ảnh bạn không nên bỏ lỡ.

Ngôi sao đôi Albireo

Trên Tam giác mùa Hè, kẻ một đường thẳng tưởng tượng giữa hai ngôi sao Vega và Altair, kéo dài gần tới ngôi sao Deneb. Điểm cuối gần chạm ngôi sao Deneb chính là ngôi sao đôi Albireo, ngôi sao sáng nhất trong mảng sao Bắc Thập Tự thuộc chòm sao Thiên Nga.

Sở dĩ Albireo được gọi là ngôi sao đôi bởi nó bao gồm hai đốm sáng lộng lẫy có độ sáng tương tự nhưng màu sắc tương phản nhau: đốm sáng hơn có màu cam-vàng, còn đốm kia có màu lam da trời, cả hai nằm rất sát nhau.

Cặp sao đôi này tách biệt rõ ràng tới mức chúng phải mất 75.000 năm để hoàn thành quỹ đạo quanh nhau. Trong khi ngôi sao màu vàng có nhiệt độ màu thấp hơn Mặt trời, khoảng 4.200K thì ngôi sao màu xanh lại có nhiệt độ màu cao hơn hẳn, khoảng 13.000K.

Cụm sao hình cầu Messier 56

Nếu quan sát ngôi sao Vega, bạn sẽ thấy gần đó có một cụm 4 ngôi sao tạo thành hình bình hành, đó là chòm sao Thiên Cầm. Ngôi sao có khoảng cách xa nhất với sao Vega trong số 4 ngôi sao này là sao Sulafat. Kẻ một đường thẳng từ sao Sulafat tới sao Albireo chúng ta vừa nhắc tới ở trên, và tại gần trung điểm của đoạn thẳng này, bạn sẽ tìm thấy cụm sao hình cầu Messier 56.

Ở góc độ thiên văn học, đây là một cụm sao mang tới nhiều điều thú vị. Trong bán kính 42 năm ánh sáng, số lượng ngôi sao trong Messier 56 lớn gấp 100 lần số ngôi sao của Mặt trời – ngôi sao có bán kính tương tự. Đáng chú ý, đây là một trong những cụm sao cầu có độ “nhỏ gọn” nhất trong dải Ngân hà. 

Tinh vân Chiếc Nhẫn Messier 57

Trên cạnh Sulafat – Sheliak của hình bình hành tạo nên chòm Thiên Cầm, bạn sẽ nhìn thấy tinh vân Chiếc Nhẫn Messier 57. Chỉ với một chiếc kính thiên văn bình thường, bạn cũng có thể nhìn thấy được vòng tinh vân. Nhìn bằng mắt thường chúng có màu đơn sắc (trắng) hoặc xanh lục.

Messier 57 là một trong những tinh vân sáng nhất trên bầu trời đêm, được hình hành khi các ngôi sao có khối lượng nhỏ và trung bình gần giống Mặt trời đã cạn kiệt nguyên liệu hidro ở lõi ngôi sao và trở thành các sao “chết”. Chúng còn được biết đến với tên gọi là sao lùn trắng.

Cụm sao mở Messier 29

Một số cụm sao trong thiên hà la cụm sao hình cầu, những quả cầu cổ xưa đã tồn tại trong vầng hào quang của dải Ngân hà hàng tỷ năm. Một số khác là cụm sao mở, hình thành từ các đám mây khí khổng lồ và thường sẽ biến mất trong chưa đầy 1 tỷ năm.

Để tìm được Messier 29, hãy bắt đầu từ ngôi sao Sadr – điểm giao cắt của chữ thập trong mảng sao Bắc Thập tự. Từ đây, kẻ một đường thẳng chếch 2 độ về phía đường thẳng nối 2 ngôi sao Deneb và Altair và bạn sẽ tìm thấy nhóm sao còn “non trẻ” thuộc Messier 29. Các ngôi sao này mới chỉ khoảng 10 triệu năm tuổi – tức chỉ bằng 0,2% tuổi Mặt trời. Cụm sao này bao gồm khoảng 1000 ngôi sao, nhưng chúng tỏa sáng với độ sáng bằng 160.000 Mặt trời cộng lại.

Cụm sao cầu Messier 71

Chúng ta đã xem xét những ngôi sao gần sao Vega và Dened, giờ đã đến lúc đến với đỉnh còn lại của Tam giác mùa Hè, sao Altair. Nằm bên trong Tam giác mùa hè, góc gần đỉnh sao Altair là một đường thẳng gồm 4 ngôi sao mà một đầu là ngôi sao kép sáng rực rỡ, trong khi đầu kia là ngôi sao mờ hơn nhiều so với 3 ngôi sao còn lại. Ngay giữa 2 ngôi sao trung tâm của đoạn thẳng này, gần về phía sao Altair, là tập hợp cụm sao cầu Messier 71.

Vị trí cụm sao cầu Messier 71. Ảnh: Wikipedia
Vị trí cụm sao cầu Messier 71. Ảnh: Wikipedia

Cụm sao này đã khiến giới thiên văn học hoang mang trong nhiều thế kỷ bởi không biết đây là cụm sao mở với nhiều ngôi sao sáng có mật độ dày đặc và tuổi đời rất lâu, hay đây là cụm sao cầu khuếch tán, với những ngôi sao trẻ và mờ nhạt. Cuối cùng tới năm 1970, các nhà khoa học đã xác định được đó là cụm sao cầu nhưng có cấu trúc lỏng lẻo. Messier 71 có đường kính 27 năm ánh sáng, có độ sáng gấp khoảng 13.200 Mặt trời.

Tinh vân Quả Tạ

Tinh vân Quả Tạ là tinh vân duy nhất sáng hơn tinh vân Chiếc Nhẫn khi nhìn từ Trái Đất. Nó cũng lớn hơn tinh vân Chiếc Nhẫn tới 10.000 năm tuổi. Để tìm được tinh vân này, hãy theo đường thẳng 4 ngôi sao ta đã xác định được khi tìm cụm sao cầu Messier 71 ở trên đến ngôi sao mờ nhất – sao Eta Sagittae, sau đó rẽ phải góc 90 độ và bạn sẽ nhìn thấy tinh vân được Charles Messier phát hiện ra năm 1764.

Không giống các ngôi sao khác, sự khác biệt về màu sắc của những ngôi sao nhỏ trong cụm sao này có thể dễ dàng nhìn thấy qua kính thiên văn. Với chiếc kính viễn vọng lớn hơn, bạn thậm chí có thể xác định được sao lùn trắng trung tâm. Nó lớn hơn các sao lùn trắng khác trong cụm và vẫn đang trong quá trình biến đổi của mình.

Chòm sao Mắc Áo (Quần tinh Brocchi)

Chòm sao Mắc Áo hay quần tinh Brocchi còn được biết đến với cái tên quần tinh Al Sufi để tưởng nhớ nhà thiên văn học người Ba Tư Al Sufi người đã phát hiện ra và mô tả chúng trong “Sách những ngôi sao cố định” xuất bản vào năm 1964.

Thực tế, đây không phải một cụm sao mà là sự sắp xếp ngẫu nhiên 10 ngôi sao khác nhau, tạo thành hình rất giống chiếc mắc áo.

Để tìm được nó, hãy đi theo đường thẳng nối từ sao Altair đến sao Vega, qua đoạn thẳng gồm 4 ngôi sao dùng để xác định cụm sao cầu Messier 71. Ở khoảng 1/3 đoạn đường này, trước khi đến sao Albireo, bạn sẽ thấy chiếc mắc áo của vũ trụ.