Amazon đối mặt với khoản phạt 425 triệu USD do vi phạm luật quyền riêng tư của châu Âu

Như Quỳnh

Bên cạnh Amazon, Facebook cũng có khả năng phải chịu khoản phạt từ 37 - 61 triệu USD trong năm nay do vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh Châu Âu.

CNPD, cơ quan quản lý quyền riêng tư Luxembourg thuộc Liên minh Châu Âu đã đề xuất khoản tiền phạt hơn 425 triệu USD đối với Amazon. Đây có thể sẽ là khoản phạt vi phạm quyền riêng tư lớn nhất châu Âu từ trước đến nay. 

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn từ một nhân viên CNPD cho biết Amazon bị cáo buộc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân không liên quan tới hoạt động kinh doanh điện toán đám mây Amazon Web Services. Tuy nhiên người này từ chối giải thích chi tiết hơn về các cáo buộc cụ thể chống lại gã khổng lồ công nghệ Mỹ. 

Một trung tâm hậu cần của Amazon ở miền đông nước Đức. 
Một trung tâm hậu cần của Amazon ở miền đông nước Đức. 

CNPD đã gửi đề xuất tới 26 quốc gia thành viên thuộc khối EU và có thể mất hàng tháng để đưa ra quyết định chính thức. Theo tờ WSJ, không loại trừ khả năng mức phạt thậm chí có thể còn lớn hơn con số 425 triệu USD. 

Khoản tiền phạt do CNPD đề xuất chiếm khoảng 2% thu nhập ròng 21,3 tỷ USD và chỉ chiếm 0,1% trong tổng số 386 tỷ USD doanh thu của Amazon trong năm 2020. Theo quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh Châu Âu (GDPR), các nhà quản lý có thể phạt tới 4% doanh thu hàng năm của một công ty nếu nó vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu. 

Dự thảo trên báo hiệu cho làn sóng thực thi quyền riêng tư mới chống lại các công ty công nghệ lớn đến từ Thung lũng Silicon. 

Những "ông lớn" thế giới Facebook, Amazon, Alphabet sẽ đối mặt với điều gì khi phải thực thi thuế doanh nghiệp toàn cầu mới?

Trước đó cơ quan quản lý riêng tư Ireland cho biết EU sẽ có vài khoản phạt lớn nhắm đến các công ty công nghệ như Facebook, Google hay Apple do vi phạm quyền riêng tư khách hàng trong năm nay. Một số nguồn tin cho biết Facebook có khả năng đối mặt với khoản phạt khoảng 37 đến 61 triệu USD. 

Trong nhiều năm qua, các nhà hoạt động luôn phàn nàn về tốc độ thực thi bảo vệ quyền riêng tư công dân ở châu Âu quá chậm. Kể từ khi GDPR có hiệu lực vào năm 2018, hình phạt lớn nhất theo luật là khoản phạt 50 triệu euro đối với Google. Gần đây nhất, mạng xã hội Twitter cũng chỉ bị phạt 450.000 euro vào hồi tháng 12/2020. 

Tin Cùng Chuyên Mục