Amazon lần đầu tiên báo lỗ kể từ năm 2015

Kim Dung

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, doanh thu của Amazon từng chạm mốc kỷ lục 125,6 tỷ USD khi mọi người đổ xô mua sắm trực tuyến. Nhưng giờ đây, đại dịch dần lắng xuống, lượng đơn đặt hàng cũng giảm dần khiến doanh thu của "ông lớn" bị sụt giảm.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao nhất trong 4 thập kỷ, nbán lẻ trực tuyến Amazon vừa công bố khoản lỗ đầu tiên cùng với mức tăng trưởng theo quý chậm nhất trong nhiều năm.

Amazon ghi nhận doanh thu quý I/2022 đạt mức 116,4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lượng sản phẩm Amazon bán ra không chênh lệch nhiều so với một năm trước nhưng chi phí vận chuyển và giá cả hàng hóa tăng lên. 

Amazon đã lỗ 3,8 tỷ USD trong quý này. Khoản lỗ bắt nguồn từ các hoạt động kinh doanh của Amazon ở Bắc Mỹ và quốc tế. Bên cạnh đó, "ông lớn" thương mại điện tử cũng chịu ảnh hưởng khi đầu tư vào nhà sản xuất xe điện Rivian. Giá trị khoản đầu tư của Amazon "bốc hơi" 7,6 tỷ USD khi cổ phiếu Rivian liên tục sụt giảm.

Kết quả kinh doanh thấp hơn nhiều so với kỳ vọng khiến giá cổ phiếu Amazon giảm hơn 10% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 28/4.

Cổ phiếu Amazon giảm hơn 10%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Cổ phiếu Amazon giảm hơn 10%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

"Gã khổng lồ" bán lẻ trực tuyến dự kiến tốc độ tăng trưởng của công ty trong quý II/2022 sẽ tiếp tục bị chững lại, chỉ ở mức 3% đến 7%. Ngày hội mua sắm thường niên Prime Day của Amazon sẽ được dời sang quý III. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng của quý này.

Amazon được hưởng lợi lớn khi mọi người đổ xô vào mua sắm trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 bùng nổ. Nhưng khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, người tiêu dùng lại quay về hình thức mua sắm truyền thống ở các cửa hàng.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại, mức chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng không bền trên Amazon trong quý I/2022 giảm 0,6% so với ba tháng cuối năm 2021. Hàng tiêu dùng không bền là những mặt hàng phải được thay thế thường xuyên do hao mòn hoặc bị sử dụng hết như mỹ phẩm, thực phẩm, nhiên liệu, bia, thuốc lá, văn phòng phẩm,...

Bên cạnh đó, Amazon cũng phải đối mặt với vấn đề giá cả leo thang. Chi phí  hoạt động kinh doanh ở khu vực Bắc Mỹ tăng 16% trong khi doanh số bán hàng chỉ tăng 8%.

Mr. Olsavsky, Giám đốc Tài chính của Amazon chia sẻ lạm phát khiến các chi phí tăng thêm 2 tỷ USD. Ngoài ra, công ty còn tiêu tốn thêm 4 tỷ USD cho các hoạt động không có hiệu quả.

Trong hai năm qua, Amazon đã chi mạnh tay để mở rộng gấp đôi quy mô cơ sở hạ tầng kho bãi và các kho giao hàng trên khắp đất nước để tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa. 

Công ty đang rút lại một số kế hoạch mở rộng để có thể tối đa hóa hiệu quả những cơ sở hạ tầng hiện có. Tháng 3 vừa qua, một số nhân viên kho hàng của Amazon bị buộc phải nghỉ việc không lương vì nhu cầu của khách hàng sụt giảm.

Để ứng phó với tình trạng giá cả leo thang, Amazon đã tăng giá cho các dịch vụ khách hàng và nhà bán hàng trên nền tảng. Giá của Amazon Prime, dịch vụ cho phép người mua sử dụng ưu đãi đặc quyền, đã tăng thêm 20 USD hồi tháng 2 năm nay. Đây là lần tăng phí đầu tiên kể từ năm 2018. Trong tháng này, công ty đã thông báo thu phí "nhiên liệu và lạm phát" đối với những người bán có  sử dụng các dịch vụ lưu trữ, đóng gói và vận chuyển sản phẩm của Amazon.

Tin Cùng Chuyên Mục