Án lệ trong luật pháp quốc tế và Việt Nam (kỳ III): Những án lệ kinh điển của hệ thống báo chí xứ cờ hoa

Tiểu Vũ

Ở nước Mỹ, hệ thống báo chí, truyền thông được sự hậu thuẫn vô cùng quan trọng của Tu chính ánh thứ nhất. Những án lệ xuất phát từ Tu chính án này đã đưa đến những nguyên tắc trong việc xử lý các tranh chấp, kiện tụng trong hoạt động báo chí.

LTS: Án lệ (tiền lệ pháp) xuất hiện khá sớm trong lịch sử loài người. Án lệ giúp bù đắp những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan. Bởi vậy mà án lệ trở thành một nguồn luật chính thức và có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia.

Án lệ trong luật pháp quốc tế và Việt Nam (kỳ III): Những án lệ kinh điển của hệ thống báo chí xứ cờ hoa - Ảnh 1

Tu chính án bảo vệ quyền tự do

Tại nước Mỹ, Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp được ban hành năm 1971 tập trung bảo vệ những quyền tự do của con người, nội dung tu chính án này lược dịch rằng: “Quốc hội không được làm luật liên quan đến bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản sự tự do tín ngưỡng, hoặc ngăn cản sự tự do ngôn luận, báo chí, hoặc ngăn cản sự hội hợp ôn hòa, hoặc cấm đoán sự khiếu nại của dân về việc làm của chính phủ”. 

Vậy nên ai cũng hiểu rằng mọi người đều có thể trở thành nhà báo, được phép hoạt động báo chí, thậm chí có thể mở và xuất bản một tờ báo, một trang tin tức. Nhờ có Tu chính án thứ I mà nền báo chí Hoa Kỳ đã có những sự phát triển vượt bậc về chất lượng và số lượng, sự cạnh tranh của các tòa báo là không ngừng nghỉ. 

Về mặt tổ chức, không cơ quan nhà nước nào có chức năng cấp giấy phép để thành lập một tờ báo. Với những gì đã được quy dịnh trong Tu chính án thứ I, nền báo chí nước Mỹ gần như không bị ràng buộc bởi bất cứ điều luật nào. 

Tuy nhiên, còn tùy thuộc và việc bạn muốn thành lập tờ báo đó dưới mô hình tổ chức nào, hoặc giả sử nếu bạn muốn tờ báo hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận thì pháp luật của từng tiểu bang sẽ có những quy định đăng ký tương ứng.

Ở nước Mỹ có Hội đồng Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission - FCC), chức năng Hội đồng này cũng chỉ kiểm soát các hoạt động liên quan tới các đài phát thanh, đài truyền hình. Lý do là bởi những loại hình tin tức này sử dụng hệ thống tần số vô tuyến, một loại hình tài sản công cộng. Về phần báo giấy và báo mạng thì lại không nằm trong phạm vi quản lý của hội đồng này. 

Do đó, tại nước Mỹ nếu có xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa báo chí với bất cứ tổ chức, cá nhân nào thì sự việc sẽ được giải quyết tại tòa án. Và từ đó, những án lệ được hình thành. 

Đầu tiên chính là án lệ giữa phóng viên Jay M.Near thuộc tòa soạn báo Saturday Press với chính quyền tiểu bang Minnesota (1931). Phóng viên Jay M. Near đã đăng tải hàng loạt các bài báo công kích và cáo buộc các cảnh sát tại Minnesota. Cụ thể, ông cho rằng cảnh sát trưởng Frank W. Brunskill là “một mảnh ghép” của các băng đảng đang hoành hành tại Minnesota. Mục tiêu của Near còn bao gồm Thị trưởng George E. Leach, viên Chưởng lý của hạt Hennepin (chưa rõ tên) hay cả vị Thống đốc đã tại nhiệm 3 nhiệm kỳ - Floyd B. Olson của Minnesota.

Án lệ trong luật pháp quốc tế và Việt Nam (kỳ III): Những án lệ kinh điển của hệ thống báo chí xứ cờ hoa - Ảnh 2

New York Times loan báo kết quả phiên tòa trong án lệ năm 1971 (Ảnh: nyt.com)

Chính quyền Minnesota ngay lập tức ngăn chặn việc tiếp tục phát hành các ấn bản của Saturday Press và đưa vụ việc ra tòa án tiểu bang với cơ sở pháp lý dựa trên luật Mối nguy hại công 1925 ban hành bởi tiểu bang. Đạo luật này ghi nhận rằng, bất kỳ tòa soạn nào đăng tải những bài báo “độc hại, tai tiếng và mang tính chất bôi nhọ” đều có thể bị đình chỉ hoặc cấm phát hành vĩnh viễn.

Sau phán quyết của Tòa án Tối cao tiểu bang Minnesota, vụ tranh chấp đã được đưa lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Các thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện cho rằng, dù việc chính phủ hạn chế và kiểm duyệt thông tin trong những thời điểm nhạy cảm như chiến tranh và xung đột là cần thiết. Đặc biệt, dù trong trường hợp cụ thể này, các thông tin mà tờ báo đưa ra có thể sai trái, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng việc chính quyền tiểu bang Minnesota tự cho mình quyền áp đặt sự kiểm duyệt đối với báo chí là vi hiến. 

Pháp viện Tối cao của Mỹ sau đó xác lập nguyên tắc pháp lý rằng - bất kỳ quy định pháp luật nào hạn chế việc công bố hoặc phát hành một loại thông tin nhất định sẽ bị xem là vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Những vụ kiện tiêu biểu

Án lệ trên chỉ là mở màn cho hàng loạt tiền lệ pháp sau đó của nền báo chí Hoa Kỳ. Đặc biệt, 3 bản án lệ sau đây đã giúp định hình nền báo chí Hoa Kỳ liên quan tới thông tin công cộng, an ninh quốc gia và nhân viên công quyền.  

Liên quan tới nhân viên công quyền, án lệ giữa New York Times và Sullivan (1964) đã gây chấn động toàn nước Mỹ. Năm 1960, New York Times xuất bản một phụ trương quảng cáo tràn trang của một nhóm các nhà hoạt động quyền dân sự, có tiêu đề “Heed their rising voices” (tạm dịch ‘Hãy lắng nghe những tiếng nói đang cất lên của họ). 

Nội dung trong đó chỉ trích cảnh sát thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama vì đã đối xử tệ hại với những người biểu tình ôn hòa, trong đó có mục sư Martin Luther King - biểu tượng của phong trào đấu tranh vì quyền dân sự thời bấy giờ. Phần lớn nội dung của phụ trương này là đúng sự thật, nhưng có một số thông tin sai.

Phụ trương này hoàn toàn không nêu tên L.B.Sullivan - Ủy viên Hội đồng An ninh Công cộng thành phố Montgomery và là người chịu trách nhiệm giám sát lực lượng cảnh sát ở khu vực này. Tuy nhiên, những chỉ trích dựa trên các thông tin sai kể trên được cho là nhằm triệt hạ uy tín và bôi nhọ Sullivan, ông ta quyết định khởi kiện New York Times ra tòa án tiểu bang Alabama. Ông giành chiến thắng ở cả hai cấp xét xử ở tiểu bang và tòa quyết định ông được bồi thường 500.000 USD. New York Times sau đó kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, lật ngược lại thế cờ và giành chiến thắng chung cuộc.

Phán quyết của Tối cao Pháp viện trong án lệ này nhận định: Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền phát hành, công khai, công bố bất kỳ nhận định nào về hành vi thực hiện quyền lực nhà nước của nhân viên công quyền, kể cả khi nhận định đó được chứng minh là sai. Một nguyên tắc pháp lý khác cũng được xác lập là nhân viên công quyền có nghĩa vụ chứng minh mình bị phỉ báng hay bôi nhọ danh dự  thì mới có cơ hội thắng kiện.

Án lệ trong luật pháp quốc tế và Việt Nam (kỳ III): Những án lệ kinh điển của hệ thống báo chí xứ cờ hoa - Ảnh 3

Trang phụ trương đã đi vào lịch sử báo chí của tờ New York Times. (Ảnh: theatlantic.com)

Năm 2017, Tổng thống Donald Trump cũng từng đe dọa về việc “rút giấy phép” của đài NBC vì đưa nhiều tin tức “nói xấu” ông (và thật sự thì cũng có phần thô tục). Tuy nhiên, những dọa nạt này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng sau khi chịu chỉ trích từ nhiều nhóm bảo vệ quyền truyền thông số. 

Ông Harold Feld, Phó Chủ tịch Tổ chức Public Knowledge khẳng định cơ chế hoạt động của FCC sẽ không cho phép những hành động như vậy diễn ra. Việc rút giấy phép, đình chỉ truyền thanh, truyền hình của một đài phát sóng chỉ có thể xảy ra khi đạt tiêu chuẩn rất cao do FCC đặt ra. Ông này dẫn chứng nhiều vụ việc để chỉ khi chương trình phát thanh trực tiếp dẫn đến hệ quả chết người hay chủ sở hữu đài phạm các tội nghiêm trọng liên quan đến ấu dâm và xâm hại tình dục trẻ em thì họa may giấy phép phát thanh - truyền hình mới có thể bị xem xét thu hồi...

Sau đó 7 năm, tờ báo New York Times tiếp tục vướng vào một vụ kiện nghiêm trọng liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia với chính chính quyền liên bang. Đây được xem là án lệ lớn có nguyên tắc pháp lý gây tranh cãi nhưng quan trọng nhất đối với giới báo chí của Hoa Kỳ. Vào năm 1971, New York Times và Washington Post đã nhận được bản sao một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng nước này thảo luận định hướng cho chiến tranh Việt Nam - nổi tiếng với tên gọi Mật liệu Pentagon (the Pentagon Papers).

Với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, chính quyền liên bang yêu cầu tòa án tiểu bang ban hành lệnh tạm hoãn phát hành đối với tất cả các ấn bản công bố nội dung của tài liệu trên, từ đó dẫn đến vụ kiện của New York Times lên Tối cao Pháp viện. Phía chính quyền đã không chứng minh được tính cần thiết của việc bảo mật tài liệu này và lệnh tạm hoãn phát hành bị Tối cao Pháp viện bác bỏ với một quyết định nghiêng về New York Times.

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện cho rằng, khái niệm “an ninh quốc gia” quá mơ hồ và không thể được sử dụng để hạn chế quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Tu chính án thứ Nhất. Chừng nào không thể chứng minh được rằng việc công bố những thông tin này có thể tạo ra những hậu quả trực tiếp, tức thì và không thể tránh khỏi, thì việc cấm phát hành chúng là không thỏa đáng.

Tối cao Pháp viện cũng ghi nhận, họ không đánh giá cao sự sáng suốt của truyền thông khi quyết định công bố các tài liệu mật vốn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hiệu quả của hệ thống chính phủ phức tạp và hiện đại trong thời đại mới; nhưng quyền tự do được ghi nhận trong Tu chính án thứ Nhất không thể bị chối bỏ.

Chức năng tương tác

Vụ kiện nổi bật khác là giữa Hiệp hội báo chí Nebraska với Thẩm phán Hugh Stuart vào năm 1976, vụ việc đã đặt một dấu mốc hết sức quan trọng trong vấn đề thông tin của báo chí. Án lệ này đã giúp tạo nên một nguyên tắc rằng trong mọi vụ án thì báo chí đều có quyền lên tiếng phản ánh về mọi ngóc ngách, mức độ của vấn đề. 

Vụ việc bắt đầu vào năm 1975, khi 6 thi thể của các thành viên gia đình nhà Kellie được tìm thấy tại Sutherland, tiểu bang Nebraska, nơi chỉ có 850 cư dân sinh sống. Sau khi nghi phạm Erwin Charles Simants đầu thú và bị tạm giam, vụ việc trở thành tâm điểm của giới truyền thông bởi tính nghiêm trọng của nó. Cơn phẫn nộ của công chúng dành cho nghi phạm bùng phát trên báo chí, dựa trên những thông tin mà cảnh sát và các công tố viên tiết lộ.

Án lệ trong luật pháp quốc tế và Việt Nam (kỳ III): Những án lệ kinh điển của hệ thống báo chí xứ cờ hoa - Ảnh 4

Bên trong Bảo tàng Báo chí của nước Mỹ

Luật sư của bị cáo liền đề nghị tòa ra lệnh giảm thiểu mức độ thông tin vụ án được cung cấp cho báo chí vì lo ngại sức ép từ công chúng sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của bồi thẩm đoàn. Do bồi thẩm đoàn là nơi có quyền tuyên bị cáo là có tội hay không có tội, việc họ bị ảnh hưởng tâm lý có thể dẫn tới một phiên tòa không công bằng cho bị cáo. Thẩm phán Hugh Stuart đã chuẩn thuận đề nghị này.

Vụ việc được Hiệp hội báo chí Nebraska đưa ra trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.  Tối cao Pháp viện nhìn nhận vụ việc mang tính chất đặc trưng về quyền trao đổi thông tin và thảo luận về một vấn đề công khai đang diễn ra. Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện lý giải, trừ khi việc cung cấp những thông tin về vụ án hình sự sẽ dẫn đến một mối nguy hiểm “chắc chắn xảy ra và ngay lập tức”. Các thẩm phán đánh giá thông tin từ hệ thống truyền thông cung cấp cho cộng đồng là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ cho việc giám sát và hoạt động hiệu quả của tiến trình tố tụng, đặc biệt là trong các vụ án hình sự.

Trên cơ sở này, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết rằng việc ngăn cản giới truyền thông tiếp cận nguồn thông tin các vụ án là vi phạm Tu chính án thứ Nhất và khẳng định: “Báo chí không chỉ đơn thuần công bố thông tin vụ việc hay gây bất lợi cho nghi phạm, báo chí đồng thời có thể bảo vệ nghi phạm chống lại sai lầm từ phía cơ quan điều tra, công tố viên và các thủ tục pháp lý nhờ chính sự tham gia và phê bình rộng rãi của công dân”.

Có thể thấy, sự khác biệt của nền báo chí Hoa Kỳ so với nhiều quốc gia khác nằm ở sự hậu thuẫn của bản Tu chính án thứ I và hệ thống án lệ. Chính hai điều trên đã tạo ra một hệ thống pháp lý trong khuôn khổ hoạt động của báo chí xứ cờ hoa.

Tin Cùng Chuyên Mục