Áp dụng chiến lược 'đẩy số' kích cầu, Thế Giới Di Động (MWG) thu gần 9.900 tỷ đồng trong tháng 4/2023

An Nhiên

Thế Giới Di Động ghi nhận thị phần tăng, doanh thu tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh ghi nhận quý 1/2023 chỉ là con số tăng trưởng về doanh thu, còn lợi nhuận lại sụt giảm bởi Thế Giới Di Động đang giảm giá thậm chí nhiều hơn mức giảm của các đơn vị khác.

Tổng doanh thu của Thế Giới Di Động và Điện Máy xanh tháng 4 đạt gần 10.000 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã CK: MWG) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2023.

Áp dụng chiến lược 'đẩy số' kích cầu, Thế Giới Di Động (MWG) thu gần 9.900 tỷ đồng trong tháng 4/2023 - Ảnh 1

Theo đó, trong tháng 4, công ty mang về gần 9.900 tỷ đồng doanh thu, trong đó tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX đạt khoảng 7.300 tỷ đồng, tăng 30% so với tháng 3/2023 nhờ có sự tham gia tăng doanh số đáng kể của sản phẩm máy lạnh, gia dụng và điện thoại.

Luỹ kế 4 tháng 2023, tổng doanh thu của MWG đạt 36.847 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu đạt 135.000 tỷ đồng năm 2023, công ty mới hoàn thành 27% chỉ tiêu cả năm.

Áp dụng chiến lược 'đẩy số' kích cầu, Thế Giới Di Động (MWG) thu gần 9.900 tỷ đồng trong tháng 4/2023 - Ảnh 2

MWG cho biết, hầu hết doanh thu của các sản phẩm chính tăng trưởng hai chữ số so với tháng 3, đặc biệt máy lạnh tăng trưởng ba chữ số do nhu cầu cao đột biến trong mùa nắng nóng. Để ghi nhận được kết quả khả quan này, Công ty đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn cung hàng hóa; Chương trình khuyến mãi thiết thực hấp dẫn; Nhân lực để sẵn sàng giao hàng và lắp đặt.

Ngoài ra, doanh số từ bán hàng qua hình thức trả góp đang cho thấy tín hiệu phục hồi. Lợi thế về kết nối hệ thống và đội ngũ nhân viên bán hàng được đào tạo để hỗ trợ thủ tục hồ sơ nhanh chóng thay vì dựa hoàn toàn vào nhân sự phụ trách khu vực của các công ty tài chính đã giúp TGDĐ và ĐMX phục vụ khách hàng có nhu cầu trả góp hiệu quả hơn.

Doanh thu online tháng 4 tăng 26% so với tháng 3, chiếm 20% doanh thu của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh.

Bách Hóa Xanh doanh thu lũy kế 4 tháng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước

Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), doanh thu lũy kế 4 tháng tăng 6% so với cùng kỳ 2022, đạt 8.659 tỷ đồng. Doanh thu từ kênh online tăng trưởng 16%.

Riêng trong tháng 4, doanh thu của chuỗi thực phẩm này đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 3 trước đó. Cả số lượng hóa đơn và giá trị trung bình/giỏ hàng đều tăng nhẹ so với tháng trước. Doanh thu bình quân trên cửa hàng đạt khoảng 1,35 tỷ và dự kiến sẽ cải thiện trong tháng 5. Tính đến cuối tháng 4, BXH có tổng cộng 1.708 cửa hàng.

Nguồn: MWG Tổng hợp: An Nhiên
Nguồn: MWG Tổng hợp: An Nhiên

Cuộc chiến cạnh tranh về giá giữa các nhà bán lẻ

Cạnh tranh về giá bán sản phẩm vốn đã âm thầm diễn ra giữa các nhà bán lẻ hàng điện tử và điện máy từ lâu nhưng phải đến gần đây khi thị trường bán lẻ gặp khó do sức mua yếu, buộc các nhà bán lẻ phải có chiến lược mạnh mẽ để giành lại thị phần.

Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT MWG cho biết: Năm nay sức mua yếu nên công ty tập trung “chiến đấu” cho mảng điện thoại và điện máy để gia tăng doanh thu, thị phần. Với chiến lược giá cạnh tranh, ông Tài kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu. Tất nhiên, chiến lược này sẽ làm tỷ suất lợi nhuận giảm.

Để giành lại thị phần, cuối tháng 4, Thế Giới Di Động đã mở màn chiến lược quảng cáo với thông điệp “Giá rẻ quá” nhằm thu hút khách hàng , trong đó Tivi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%. Thậm chí, một số mặt hàng được bán với “giá rẻ như cho”, bao gồm 20.000 chiếc chảo với giá chỉ 10.000 đồng/chiếc, 1.000 sạc dự phòng giá 10.000 đồng/chiếc...

Áp dụng chiến lược 'đẩy số' kích cầu, Thế Giới Di Động (MWG) thu gần 9.900 tỷ đồng trong tháng 4/2023 - Ảnh 3

FPT Shop cũng thực hiện chiến dịch “Ở đâu “rẻ quá” ở đây RẺ HƠN”. CellPhoneS cũng lên chiến dịch khuyến mãi nhưng chỉ dừng lại ở các phụ kiện điện tử; hay Di động Việt với Slogan gây chú ý “Rẻ hơn cả các loại rẻ”…

Áp dụng chiến lược 'đẩy số' kích cầu, Thế Giới Di Động (MWG) thu gần 9.900 tỷ đồng trong tháng 4/2023 - Ảnh 4

“Cuộc chiến” giảm giá để kích cầu không hẳn mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp bán lẻ. Cạnh tranh bằng giá cả đặc biệt có lợi cho người tiêu dùng khi nó góp phần hình thành giá cả phù hợp với chi phí cung ứng, cạnh tranh về giá sẽ đẩy các nhà cung ứng kém hiệu quả, có chi phí cao ra khỏi thị trường.

Đây có thể được coi là một động thái để các “ông lớn” có tiềm lực giành giật thị phần với các doanh nghiệp bé hơn.

"Việc thu hút và giữ chân khách hàng có ý nghĩa quan trọng đối với công ty để tiếp tục gia tăng thị phần và tăng trưởng khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Do đó, công ty chủ động thực hiện chiến lược giá bán cạnh tranh, đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng cường giảm giá khuyến mại để thu hút khách hàng", MWG nêu.

Thị phần tăng, liệu lợi nhuận có tăng?

Thị phần tăng, doanh thu tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, đó chỉ là con số tăng trưởng về doanh thu, còn lợi nhuận thì chưa chắc có sự tăng trưởng bởi Thế Giới Di Động đang giảm giá thậm chí nhiều hơn mức giảm của các đơn vị khác.

Cùng xem lại kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua khi Thế Giới Di Động đã áp dụng những động thái giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Lợi nhuận Quý 1/2023 của MWG sụt giảm hơn 98,5% xuống còn 21,2 tỷ đồng. Trong khi mức sụt giảm của doanh thu chỉ là 25,5% xuống mức 27.106 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh từ 3,96% xuống còn chưa đầy 0,08%. Như vậy, có thể nói, cuộc chiến này đang đang làm giảm hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp đáng kể (19,2% trong quý 1/2023 so với 22,2% trong quý 1/2022) khi chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy bán hàng.

Biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% trong quý I/2022 xuống 19% trong quý I/2023, trong khi chi phí hoạt động mặc dù đã giảm đáng kể nhưng mức giảm chi phí không tương ứng với sự sụt giảm doanh thu do một số chi phí cố định, dẫn đến tác động mạnh lên lợi nhuận ròng.

Ngoài ra tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng/doanh thu thuần tăng (18,8% trong quý 1/2023 so với 17,2% trong quý 1/2022) và lợi nhuận tài chính giảm 57% cũng góp phần vào kết quả này.

Đối với kết quả này, nguyên nhân được phía công ty đưa ra là do sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý IV/2022 và tiếp tục giảm mạnh hơn so với dự báo trong quý I/2023. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng. Ngoài ra, khách hàng có nhu cầu thực ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.

Áp dụng chiến lược 'đẩy số' kích cầu, Thế Giới Di Động (MWG) thu gần 9.900 tỷ đồng trong tháng 4/2023 - Ảnh 5

Mặc dù, lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý I/2023 của công ty chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái (1.445 tỷ đồng), công ty đang có tiền ròng hơn 2.781 tỷ đồng.

Số dư tiền ròng dương tại cuối quý I/2023 sau nhiều năm hoạt động là nền tảng vững chắc tạo nên điều kiện cho công ty đầu tư vào các sản phẩm mới, hàng hóa bán chạy và các chương trình thúc đẩy bán hàng hấp dẫn để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Tin Cùng Chuyên Mục