Apple là công ty đầu tiên tại Mỹ đạt giá trị vốn hóa kỷ lục 2.000 tỷ USD

Mất 42 năm để có vốn hoá 1.000 tỷ USD nhưng Apple chỉ cần thêm 21 tháng để chạm mốc 2.000 tỷ USD.

Trong phiên giao dịch sáng thứ tư 19/8, cổ phiếu Apple đã tăng 1,2% lên mức 467,78 USD, biến “Táo khuyết” trở thành công ty đầu tiên của Mỹ đạt giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD. Đây là cột mốc đáng nhớ với Apple, giúp củng cố vị thế công ty có vốn hóa thị trường cao nhất thế giới. Đồng thời, dấu mốc này cho thấy sức mạnh của các gã khổng lồ công nghệ giữa đại dịch Covid-19.

Apple đã mất 42 năm để đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD, nhưng chỉ phải chờ thêm 2 năm để đạt mốc kỷ lục 2.000 tỷ. Đáng kinh ngạc hơn, Apple kiếm được thêm 1.000 tỷ USD chỉ trong vòng 21 tuần qua, khi đại dịch bùng phát kéo theo nền kinh tế toàn cầu suy thoái.

Dù 2 năm qua không có nhiều sáng tạo công nghệ nhưng cổ phiếu Apple vẫn liên tục tăng, nhất là từ giữa tháng 3/2020 đến nay. Ảnh: NYT
Dù 2 năm qua không có nhiều sáng tạo công nghệ nhưng cổ phiếu Apple vẫn liên tục tăng, nhất là từ giữa tháng 3/2020 đến nay. Ảnh: NYT

Còn nhớ vào giữa tháng 3, giá trị Apple đã xuống dưới mức 1.000 tỷ USD khi các sàn chứng khoán chao đảo vì nỗi sợ dịch bệnh. Nhưng khi thị trường xuống đáy hôm 23/3, Cục Dự trữ Liên bang đã tung ra nhiều biện pháp mạnh để trấn an nhà đầu tư.

Từ đó, thị trường chứng khoán - đặc biệt là cổ phiếu Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook - đã tăng rất nhanh, kéo chỉ số S&P 500 đạt kỷ lục mới vào hôm 18/8.

Các nhà đầu tư đang đổ hàng tỷ USD vào những tập đoàn công nghệ hùng mạnh với hy vọng đây chính là “vịnh trú bão” giữa suy thoái. Nhờ đó, giá trị vốn hóa của 5 gã khổng lồ công nghệ đã tăng trưởng thêm 3.000 tỷ USD (kể từ 23/3), bằng mức gộp lại của 50 công ty có giá trị lớn tiếp theo trong rổ S&P 500, bao gồm Berkshire Hathaway, Walmart và Disney.

Theo New York Times, cú bứt phá của Apple lên giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD là dấu mốc chấn động, bởi công ty này hầu như không có nhiều sáng tạo đột phá trong hai năm qua. Thay vào đó, Apple đơn thuần đã trở thành cỗ máy kiếm tiền hiệu quả nhất ngành công nghệ. Họ thấu hiểu sâu sắc cách mọi người liên lạc, giải trí, mua sắm và dùng nó làm đòn bẩy tăng trưởng.

Trước khi đạt cột mốc 1.000 tỷ USD vào tháng 8/2018, Apple đã trải qua hàng chục năm sáng tạo công nghệ. Họ đã trình làng hàng loạt sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Macintosh, iPod, App Store và iPhone.

Nhưng càng về sau, Apple chỉ tinh chỉnh những phát kiến công nghệ trong quá khứ, cho ra đời những thiết bị cải biến như Apple Watch Series 5, AirPods Pro hay iPhone 11 Pro Max, cùng với các dịch vụ stream phim và nhạc.

Dưới sự dẫn dắt của CEO Tim Cook, phát kiến quan trọng nhất của Apple dường như là khả năng tạo ra lợi nhuận “vô đối”. Tim Cook đã xây dựng chuỗi cung ứng rộng khắp thế giới để sản xuất hàng tỷ thiết bị. Thêm vào đó, Apple phát triển hệ sinh thái đa dạng để thúc đẩy khách hàng liên tục mua sản phẩm mới hàng năm và trả phí sử dụng các dịch vụ cao cấp hàng tháng.

CEO Tim Cook cũng vừa trở thành tỷ phú khi cổ phiếu Apple lập đỉnh.
CEO Tim Cook cũng vừa trở thành tỷ phú khi cổ phiếu Apple lập đỉnh.

“Các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi đã trở nên rất cần thiết và hài hòa với cuộc sống của người tiêu dùng. Điều này càng dễ nhận thấy trong thời kỳ dịch bệnh”, Luca Maestri, giám đốc tài chính của Apple cho biết. Tuy nhiên, ông Maestri không nghĩ Covid-19 giúp thúc đẩy kinh doanh, bởi Apple có thể đã kiếm thêm hàng tỷ USD nếu đại dịch không xảy ra.

Apple là công ty đại chúng thứ hai có giá trị vốn hóa trên 2.000 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 12/2019, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia đã niêm yết trên sàn chứng khoán và nhanh chóng vượt mốc 2.000 tỷ USD. Công ty này còn giữ ngôi vô địch về giá trị vốn hóa cho đến khi bị Apple vượt mặt vào tháng trước.

Hiện tại, một số đại gia công nghệ Mỹ khác cũng đang “lăm le” vượt mốc 2.000 tỷ USD. Cụ thể, Amazon đang ở mức 1.651 tỷ USD, Microsoft bám sát với gần 1.600 tỷ USD, Alphabet là 1.564 tỷ USD.

Tin Cùng Chuyên Mục