Bà Lê Hoàng Diệp Thảo “tố” tòa sơ thẩm làm sai lệch hồ sơ, đề nghị hủy án sơ thẩm

Bình Minh

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án ly hôn giữa “vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa được mở lại, bà Thảo là nguyên đơn kháng cáo bản án tiếp tục đưa ra các lý do yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo “tố” tòa sơ thẩm làm sai lệch hồ sơ, đề nghị hủy án sơ thẩm - Ảnh 1
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, tòa án cấp sơ thẩm có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án khi tách phần giải quyết tranh chấp liên quan đến Công ty Trung Nguyen International.

Vụ kiện ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ được bà nộp từ năm 2015. Năm 2017, TAND TP Hồ Chí Minh đã tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do phải đợi kết quả giải quyết vụ tranh chấp cổ đông Công ty Trung Nguyên International của Tòa án Singapore.

Tuy nhiên, chỉ 17 ngày sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, TAND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định tách vụ án (quyết định số 42). Phần giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản tại Công ty Trung Nguyen International sẽ được tách ra để giải quyết sau.

Song, ngay sau đó, chính TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định số 61 hủy bỏ quyết định tách vụ án vì cho rằng quyết định tách vụ án không có căn cứ. Hơn nữa, tài sản tại Công ty Trung Nguyen International cũng là tài sản chung của vợ chồng ông Vũ và bà Thảo.

Những người có quyền lợi liên quan đến vụ án là bà Lê Thị Ước và Đặng Thị Mai Thùy đã khiếu nại quyết định số 61 của TAND TP Hồ Chí Minh, yêu cầu giữ nguyên quyết định tách vụ án. Vì vậy, ngày 28/7/2019, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có quyết định số 01 chấp nhận đơn khiếu nại của bà Lê Thị Ước, hủy bỏ quyết định số 61 của TAND TP giữ nguyên quyết định tách vụ án ban hành trước đó (quyết định số 42).

Song, khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo kiến nghị việc làm đầy sai sót này, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có quyết định số 05 ngày 23/8/2018 giải quyết kiến nghị của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Tại quyết định này, TAND cấp cao khẳng định quyết định 01 ngày 28/7/2019 là không phù hợp và không đúng pháp luật.

Về nội dung, trong Quyết định 05, TAND cấp cao cũng khẳng định Tòa án Singapore đã đình chỉ giải quyết tranh chấp đòi tài sản tại Trung Nguyen International để chờ phán quyết của Tòa án Việt Nam trong vụ kiện tranh chấp ly hôn. Từ đó, TAND cấp cao đã hủy bỏ quyết định số 01 và giữ nguyên hiệu lực quyết định số 61 (quyết định hủy bỏ việc tách vụ án).

Như vậy, với quyết định này, khoản đầu tư ra nước ngoài là Công ty Trung Nguyen   International phải được đưa vào giải quyết trong cùng vụ án ly hôn mới đảm bảo đúng pháp luật.

Quá trình "tách - nhập" diễn ra như vậy và đã có quyết định cuối cùng là quyết định số 05 ngày 23/8/2018 nhưng trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục không giải quyết phần tranh chấp liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty Trung Nguyen International tại Singapore.

Đặc biệt, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng “tòa ban hành một loạt các quyết định liên quan đến quyền lợi của tôi, thế nhưng phía bị đơn thì nhận được ngay các quyết định này để cung cấp cho Toà án Singapore, trong khi đó tôi lại không nhận được và mãi sau này mới được biết các văn bản này do các luật sư của tôi ở Singapore thông báo. Việc này đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của tôi. Đây là việc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của thẩm phán xét xử sơ thẩm”.

Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, ĐLS tỉnh Hà Giang, việc tách vụ án trong trường hợp này rõ ràng là không hợp lý. Tài sản có tranh chấp tài sản chung vợ chồng bà Thảo và ông Vũ tồn tại dưới nhiều loại hình khác nhau, trong đó có cả các khoản đầu tư ra nước ngoài. Do đó, khi giải quyết vụ án ly hôn và tranh chấp tài sản, việc tách riêng một số tài sản ra để giải quyết trong vụ án khác là không toàn diện.

Hơn nữa, “các quyết định tố tụng của tòa án phải được tống đạt kịp thời cho đương sự để đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Nếu có bằng chứng cho thấy, tòa án không tống đạt các quyết định tố tụng như quyết định tách vụ án, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến tách vụ án” thì đương sự sẽ không thực hiện đủ các quyền của mình, có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ án”, Luật sư Ngô Trung Kiên khẳng định.

Trước đó, trong đơn kháng cáo, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã liệt kê một loạt nội dung bị cho là vi phạm của TAND TP Hồ Chí Minh như việc không tổ chức công khai tiếp cận chứng cứ; không đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự rút yêu cầu; chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 không có căn cứ.

Ngoài ra, VKS TP Hồ Chí Minh cũng có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm với 11 căn cứ cho rằng TAND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm trong xét xử sơ thẩm.

Trong kháng nghị của VKS TP Hồ Chí Minh cho rằng, TAND TP Hồ Chí Minh không chấp hành quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về công khai chứng cứ và kiểm tra việc giao nộp chứng cứ khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ có yêu cầu phản tố, yêu cầu chia tiền, vàng và ngoại tệ mà ông Vũ cho rằng bà Thảo đang gửi ngân hàng.

Một nội dung nữa đáng nói, được VKS TP HCM nêu trong quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm là việc Tòa không đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố của các đương sự vì họ đã có đơn rút. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên đình chỉ tất cả các vụ kiện tranh chấp khác liên quan đến các bên là vượt quá phạm vi khởi kiện trong vụ án này.

Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Việc tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà đương sự đã rút đơn là không đúng.

Với những nội dung mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo phản ánh và những vi phạm bị  VKS nêu rõ, vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cần phải được giải quyết bằng một bản án khách quan và đúng pháp luật.

Tin Cùng Chuyên Mục