Ba tháng nợ đọng thuế tăng thêm 6.644 tỷ

Theo Nguyên Vũ/VnEconomy

Tổng số tiền thuế nợ thời điểm ngày 31/3/2019 là 82.972 tỷ đồng, tăng 8,7% (+6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018...

Ba tháng nợ đọng thuế tăng thêm 6.644 tỷ - Ảnh 1

 

Thông tin trên được Bộ Tài chính cho biết tại báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội sau chất vấn, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ thuế là một trong những yêu cầu được nêu tại nghị quyết của Quốc hội, sau các phiên chất vấn.

Theo báo cáo, trong 3 tháng đầu năm 2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2018 ước đạt 7.450 tỷ đồng, bằng 19,2% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018, trong đó bằng biện pháp quản lý nợ là 5.608 tỷ đồng, biện pháp cưỡng chế nợ là 1.842 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế nợ thời điểm ngày 31/3/2019 là 82.972 tỷ đồng, tăng 8,7% (+6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018. Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 37.640 tỷ đồng, tăng 0,2% (+68 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018.

Qua tình hình nợ thuế và cơ cấu số nợ đọng thuế nêu trên, báo cáo phân tích, số nợ thuế có khả năng thu hồi tính đến 31/3/2019 chiếm tỷ trọng 35,2% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế, chiếm tỷ trọng 19,4% tổng số tiền thuế nợ. Còn lại số nợ đọng không có khả năng thu hồi chiếm tỷ trọng 45,4% tổng số tiền thuế nợ.

Bộ Tài chính đánh giá, số nợ đọng lớn và tăng lên chủ yếu là số nợ đọng không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh) và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế tăng lên.

Nguyên nhân là do trong những năm vừa qua, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp khó khăn. Một bộ phận người nộp thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, lựa chọn ngành nghề không phù hợp với nhu cầu thị trường, nguồn vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, không còn tiền, tài sản hoặc tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng, dẫn đến không nộp được được ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp này chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Mặc dù cơ quan thuế đã phối hợp với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương xác minh thông tin người nộp thuế và đã thông báo công khai người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.

Mặt khác, theo quy định của Luật Quản lý thuế (tại khoản 1 điều 106) thì người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp, không phân biệt số nợ còn đối tượng để thu hay nợ không còn đối tượng để thu, người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, đã bị thu hồi đăng ký kinh doanh.

Quy định này dẫn đến hiện nay số tiền chậm nộp thuế tính trên số nợ không còn khả năng thu ngân sách không ngừng tăng lên, trong khi thực tế các khoản nợ gốc này đã không có khả năng thu. Việc tính tiền chậm nộp thuế này đã làm tăng thêm số nợ khó đòi trên sổ sách theo dõi của cơ quan thuế, tạo áp lực cho cơ quan quản lý thuế.

Nguyên nhân nữa được báo cáo nêu là các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gặp khó khăn chưa nộp kịp thời, do các dự án có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, gặp vướng mắc chờ giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác, nên chưa có khả năng nộp tiền thuế. Tuy nhiên, theo quy định cơ quan thuế tính ghi nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, trong quý 1/2019 số nợ thuế tăng thêm là do một số người nộp thuế thực hiện kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân nhưng chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn làm nợ thuế tăng thêm, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp tăng thêm, báo cáo nêu rõ.

Tin Cùng Chuyên Mục