Bãi ven sông Hồng có thể giúp Hà Nội trở thành Seoul thứ hai

Theo Tiền Phong

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội có quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông cơ bản còn nguyên vẹn. Đây là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một Seoul thứ hai.

Sáng 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, dự thảo cần làm rõ thêm yêu cầu đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với có kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, trong phát triển đô thị, Hà Nội cần phải xác định các chỉ tiêu cụ thể về phát triển nhà ở, chẳng hạn chỉ tiêu về m2/ người/ sàn, chỉ tiêu về nhà chung cư, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phân tích, việc quản lý quy hoạch và sử dụng tài nguyên môi trường ở Hà Nội còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện vẫn chưa dành phần diện tích xứng đáng cho không gian xanh, công viên hồ nước.

Bãi ven sông Hồng có thể giúp Hà Nội trở thành Seoul thứ hai - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên góp ý cho thành phố Hà Nội

Về định hướng trong thời gian tới, ông Kiên đề nghị Hà Nội cần quan tâm hơn đến quy hoạch không gian ngầm bởi không một thành phố lớn nào trên thế giới không quan tâm đến vấn đề này.

“Cơ sở dữ liệu không gian ngầm không thể không làm, lúc này làm đã là muộn. Mặc dù rất khó khăn, tốn kém nhưng không thể không làm”, ông Kiên nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong các nguồn lực về tài nguyên và môi trường thì điểm rất đáng chú ý là Hà Nội có quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông hiện cơ bản còn nguyên vẹn. Đây là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một Seoul thứ hai.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề nghị đánh giá kỹ hơn về kết quả công tác đối ngoại của thành phố. Theo đó, Hà Nội đã đi đầu về đối ngoại, là bức tranh thu nhỏ thành công đối ngoại của cả nước, có nhiều cách làm sáng tạo, thực chất. Hà Nội có 5 cái nhất về đối ngoại so với các tỉnh, thành phố khác, đó là: Nơi có nhiều hiệp định ngoại giao nhất; nhiều danh hiệu của UNESCO nhất; có nhiều thành phố kết nghĩa nhất; thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất và diễn ra giao lưu văn hóa đối ngoại nhiều nhất.

“Thời gian tới, Hà Nội nên mạnh dạn xác định mục tiêu trở thành thành phố mang tính toàn cầu về đối ngoại; đặt đối ngoại ở vị trí cao hơn, coi là động lực phát triển, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao vì người dân và doanh nghiệp”, ông Vũ khẳng định.

Trong khi đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị thành phố Hà Nội chú ý các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn trong dự thảo Báo cáo chính trị, nhất là cần đặt mục tiêu xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp còn tồn đọng.

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, các ý kiến góp ý đều rất tâm huyết, thể hiện tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô. Đặc biệt, dưới góc nhìn từ quản lý ngành, nội dung các đại biểu đề cập rất sâu, xác đáng, liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể. Ông Huệ khẳng định, thành phố sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo cả về kết cấu lẫn nội dung, đảm bảo chất lượng.

Tin Cùng Chuyên Mục