Bán lẻ: cuộc chiến khốc liệt trên các quầy tạp hóa

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Sau những thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) để mở rộng thị phần bán lẻ, hai xu hướng thấy rõ hơn gần đây là việc đưa tạp hóa lên trực tuyến và đẩy mạnh các kênh bán lẻ hiện đại, nhờ vào sự phát triển công nghệ và chất xúc tác mang tên "Covid-19".

Tạp hóa đẩy mạnh lên trực tuyến

Nhìn lại trong giai đoạn năm năm qua, các hoạt động M&A trên thị trường đã giảm dần số lượng nhà đầu tư không đủ sức trên đường đua bán lẻ, dần hình thành nên cục diện mới mà thị phần tập trung vào một số ít các nhà đầu tư.

Mua hàng tại siêu thị trong mùa dịch Covid-19
Mua hàng tại siêu thị trong mùa dịch Covid-19

Theo khảo sát của PwC trong báo cáo tháng 7 vừa qua, thị phần bán lẻ theo mô hình đại siêu thị chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư ngoại, trong khi thị phần siêu thị chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư nội, chủ yếu là Saigon Co.op, Vinmart, Bách Hóa Xanh.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm nay, thị trường bán lẻ dường như đã có sự thay đổi đáng kể.

Một ví dụ điển hình là việc đẩy mạnh các tiệm tạp hóa lên trực tuyến. Thống kê của PwC cho thấy sau đại dịch, có hơn 50% số người tiêu dùng Việt Nam giảm tần suất đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống và 25% trong số họ tăng cường mua sắm trực tuyến.

Nhưng điều đáng quan tâm là hàng hóa bán chạy trong các đợt giãn cách xã hội là các nhu yếu phẩm hằng ngày, vốn trước đây được tiêu thụ chủ yếu qua kênh ngoại tuyến.

Lượng đặt hàng tăng lên thấy rõ qua thống kê của Saigon Co.op, hay các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee. Thậm chí, các ứng dụng gọi xe như Be hay Grab cũng ra mắt thêm các chức năng “đi chợ hộ”.

Bán lẻ: cuộc chiến khốc liệt trên các quầy tạp hóa - Ảnh 1

Các nhà bán lẻ trong nước đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc giãn cách xã hội từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên doanh thu hàng hóa mảng tạp hóa, bao gồm các loại mặt hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng lên đáng kể.

Lĩnh vực thương mại điện tử thay đổi đáng kể và diễn ra từ nhiều năm nay khi nhiều nhà đầu tư lĩnh vực thương mại điện tử gia nhập, đáng kể trong số này là việc gia nhập của Shopee vào năm 2016.

Tính đến nay có khoảng 1 tỷ đô la vốn đầu tư trong và ngoài nước trong giai đoạn 2016-2019 với nhiều tên tuổi nổi trội gồm Shopee, Tiki, Lazada, Sendo hay những ông lớn bán lẻ khác như Thegioididong, chiếm thị phần lớn về tổng lưu lượng truy cập trang web hàng tháng.

Chẳng hạn như với Bách Hóa Xanh, thương hiệu bán lẻ tạp hóa của Công ty cổ phần Thế giới Di động. Theo đó, doanh thu mảng thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh trong tám tháng đầu năm của Bách Hóa Xanh tăng 116% so với cùng kỳ.

Khởi động từ năm 2016 trong bối cảnh thị trường điện máy, điện thoại bão hòa, tính đến hết tháng 8, Bách Hóa Xanh có 1.595 điểm bán, chiếm 18,1% tổng số lượng cửa hàng của TGDĐ.

Có thể thấy ngày nay Covid-19 đã giúp ngành bán lẻ tiến nhanh hơn dự kiến. Bên cạnh nhân tố khách hàng, việc đưa công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ với nhiều doanh nghiệp cũng là bước chuyển vô cùng quan trọng, dù là các doanh nghiệp lớn với hơn 30 năm tuổi đời như Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Theo ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, từng chia sẻ trước đó rằng hoạt động kinh doanh của PNJ đã có sự thay đổi đáng kể trong mùa dịch, như sự thay đổi quyết liệt về mặt tổ chức, bao gồm cả việc bổ sung thêm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến tại các khu vực khác nhau.

PNJ không nhìn thuần túy kênh trực tuyến riêng lẻ mà còn hướng đến omni (đa kênh) và thấy rằng cần kết hợp cả hai vì nếu làm riêng lẻ thì online không thể thành kênh chủ đạo, nhưng nếu là omni thì vai trò lại rất quan trọng.

Vì nếu như trước đây, điểm “touch-point” của khách hàng là qua trang báo, cửa hàng, thì ngày nay chúng xuất hiện trên digital, trong khi giao dịch vẫn có thể diễn ra tại cửa hàng”, ông Thông chia sẻ trước đó.

Trong xu hướng đầu tư công nghệ vào tạp hóa mới đây còn nổi bật là câu chuyện của Vingroup với tham vọng mới Vinshop, sau khi chuyển nhượng mảng bán lẻ Vincommerce cho Masan.

Theo đó, Vinshop là ứng dụng tham gia vào khâu phân phối hàng hóa giữa nhà sản xuất và các tiệm tạp hóa truyền thống nhỏ lẻ. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí hậu cần cho nhiều bên tham gia vào chuỗi dọc của ngành hàng bán lẻ.

Theo PwC, thói quen mua sắm trực tuyến mới mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã có trong thời kỳ Covid-19 có thể thay đổi vĩnh viễn mà các nhà thương mại điện tử cần phải thích ứng.

Tuy nhiên, họ cần phải vượt qua một số thách thức về cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục thận trọng trong việc mở rộng kênh phân phối thương mại điện tử do thiếu bí quyết, cũng như lo ngại bị thua lỗ hoặc không thể đối phó.

Bán lẻ: cuộc chiến khốc liệt trên các quầy tạp hóa - Ảnh 2

Bán lẻ hiện đại sẽ lên ngôi

Bên cạnh đó, một xu hướng khác cũng nhận thấy là Covid-19 đã “mang” khách hàng đến các cửa hàng tiện lợi với hạ tầng hiện đại, tiện nghi, nhiều bữa ăn nhanh và sẵn sàng, thanh toán không tiền mặt và các ứng dụng tích điểm, khuyến mãi, thu hút đáng kể giới trẻ thành thị.

Bất chấp sự mở rộng nhanh chóng của kênh bán lẻ hiện đại, các nhà bán lẻ tạp hóa truyền thống vẫn có đóng vai trò quan trọng trong thị trường bán lẻ nói chung và tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Năm 2019, tạp hóa truyền thống doanh số bán hàng tăng 4%, đạt tổng giá trị 1.027.000 tỷ đồng.

Theo thống kê PwC, cả mua hàng trực tuyến và mua hàng tại cửa hàng tiện lợi đều đạt mức cao nhất về cơ sở người mua sắm trong tháng 3/2020. “Điều này cho thấy một sự thay đổi tổng thể hướng tới mua sắm đa kênh nhiều hơn, một hành vi được mong đợi là sẽ tồn tại ngay cả sau khi đại dịch lắng xuống”, báo cáo của PwC nhận định.

Theo cấu trúc của doanh số ngành bán lẻ, chiếm tỷ trọng lớn nhất lần lượt là phân khúc hàng tạp hóa (khoảng 44%) và hàng điện tử (khoảng 17%).

Đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư nội tiếp tục mở rộng chuỗi đầu tư vào mô hình kinh doanh siêu thị như Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op hay Vincommerce (được Vingroup chuyển nhượng cho Masan vào cuối năm ngoái).

Tuy nhiên, trong ngành hàng bách hóa, thị phần của kênh hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 8% (tính theo báo cáo năm 2019 của McKinsey), mức được đánh giá khá thấp so với các nước trong khu vực, dù hiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Theo báo cáo thị trường bán lẻ của VCBS công bố cuối năm ngoái, trên thực tế mô hình bán lẻ hiện đại chỉ mới triển khai trên một số nhóm ngành lớn như bách hóa, điện tử, điện gia dùng, trang sức hay gần đây là dược phẩm. “thị trường bán lẻvẫn còn rất nhiều các sản phẩm vẫn đang trong tình trạng phân mảnh chờ được khai phá”, báo cáo đưa ra nhận định.

Theo VCBS, một vấn đề khác là kênh bán lẻ hiện đại hiện chỉ tập trung tại các đô thị lớn hay vùng kinh tế trọng điểm. Do đó, xu hướng trong thời gian tới là các nhà bán lẻ sẽ đi về các khu vực lân cận thành phố lớn.

Theo đánh giá của hãng tư vấn McKinsey, lĩnh vực bán lẻ hiện đại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong năm năm tới, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 25,8% trong giai đoạn 2018-2023, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực.

Dù tiềm năng của bán lẻ hiện đại, đặc biệt là các cửa hàng tiện lợi, được đánh giá cao, nhưng ngành bán lẻ còn đối diện với bài toán chi phí mặt bằng, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong chi phí bán lẻ.

Trên thực tế, bán lẻ là ngành có tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chủ yếu lấy lợi thế kinh tế theo quy mô và dựa vào các công cụ tối ưu hóa chi phí. Do đó trong tương lai, thị trường bán lẻ sự “tự động” hình thành nên một vài nhà bán lẻ có quy mô mới có thể tồn tại.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục