Báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ nêu tên ông Nguyễn Đức Chung

Theo Người lao động

Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng năm 2020 nêu rõ việc nhiều trường hợp cán bộ đã bị tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ điều tra vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch TP HCM Trần Vĩnh Tuyến…

Sáng nay 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 48 cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của Toà án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2020.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết đã tiến hành 2.944 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan, đơn vị phát hiện 335 vụ việc, 467 người vi phạm (tăng 37,7% số vụ và 74,7% số người vi phạm so với năm 2019).

Hiện 56 người đã bị xử lý kỷ luật, 64 người bị xử lý hình sự cùng với khoảng 23/43 tỷ đồng đã được thu hồi, bồi thường.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chỉ huy xử lý môi trường cá chết trắng Hồ Tây ngày 3-10-2016
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chỉ huy xử lý môi trường cá chết trắng Hồ Tây ngày 3-10-2016

Trong năm 2020 đã có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng trị giá là 31,8 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, Thanh tra Chính phủ không ghi nhận được trường hợp nào nộp lại.

Qua 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 150.560 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, lực lượng thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỷ đồng, 7.077 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỷ đồng và trên 1.174 ha đất.

Trên 89.915 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 6.423 tỷ đồng đã được lực lượng thanh tra ban hành, đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng...

Đáng chú ý, báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ nêu rõ biện pháp đối với chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.

Trong đó có việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác. Các cấp, các ngành đều chú trọng triển khai thực hiện quy định của Luật phòng chống tham nhũng về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần phải đình chỉnh theo đúng quy định của Luật phòng chống tham nhũng và Nghị định 59/20219.

Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến…

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, báo cáo của Chính phủ nêu rõ có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Địa phương dẫn đầu danh sách có số người bị kỷ luật là Bình Thuận với 23 người. Tiếp đến là An Giang 6 người, Thái Nguyên 5 người, Bộ Xây dựng 4 người. Các tỷnh Hoà Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang mỗi nơi 3 người; Kiên Giang, Cao Bằng, Sơn La mỗi nơi 2 người. Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Hải Phòng, Thái Bình, Gia Lai, Đồng Tháp, mỗi nơi có 1 người bị kỷ luật.

Liên quan đến hoạt động tố tụng, ông Lê Minh Khái thông tin, các cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng, 231 vụ, 650 bị can bị đề nghị truy tố. Tạm đình chỉ điều tra 29 vụ, 55 bị can; đình chỉ điều tra 8 vụ; 2 bị can.

Tại Bộ Quốc phòng, kết quả điều tra và xử lý tham nhũng cho thấy, có vụ tham nhũng đã được điều tra, xử lý với số tiền thiệt hại khoảng 27,7 tỷ đồng. Số tiền thu hồi được trong giai đoạn điều tra là hơn 2,1 tỷ đồng. Đã khởi tố điều tra 4 vụ/4 bị can; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 3 vụ/3 bị can. Vụ còn lại đang trong giai đoạn điều tra.

"Tình hình tội phạm tham nhũng có liên quan đến Quân đội cơ bản được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của Quân đội" – ông Lê Minh Khái cho hay.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng năm 2020, công tác phòng chống tham nhũng không những không "chững lại" hay "chùng xuống" mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh.

Tuy nhiên, quá trình đấu tranh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.

Để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, đặc biệt là trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ; tăng cường hoạt động giám sát công tác phòng chống tham nhũng…

Chính phủ cũng đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước.

Kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Thu hồi tài sản thi hành án tới 74.539 tỷ đồng

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết về kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có 2.584 việc đã thi hành xong, chiếm 61,95% tổng số việc có điều kiện thi hành.

So với 9 tháng năm 2019 tăng 1.782 việc, 222% với số tiền hơn 11.390 tỷ đồng (chiếm 23,25% tổng số tiền có điều kiện thi hành, tăng 5.217 tỷ đồng, 84,51% so với 9 tháng năm 2019).

Riêng những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tính đến cuối tháng 7, các cơ quan THADS địa phương tổ chức thi hành 58 vụ việc, trong đó 15 vụ việc đã được tổ chức thi hành xong.

Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.539 tỷ đồng. Số đã thi hành xong là hơn 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành 55.278 tỷ đồng đồng. Riêng những tháng đầu năm 2020 đã thi hành được hơn 10.442 tỷ đồng, bằng 54% tổng số tiền đã thi hành xong từ trước đến nay.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục