Báo Nhật viết về sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường gọi xe bằng ứng dụng tại Việt Nam

Theo Trung Mến/BizLive

Cho đến nay, các công ty taxi tại Việt Nam đã không ngừng vận động chính sách để Bộ Giao thông Vận tải chặt tay quản lý với các công ty sở hữu ứng dụng gọi xe, nhưng không thành công.

Báo Nhật viết về sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường gọi xe bằng ứng dụng tại Việt Nam - Ảnh 1

Công ty sở hữu ứng dụng gọi xe Grab và Go-Jek có đối thủ mới tại Việt Nam: Một công ty taxi mới do ba công ty taxi nhỏ hợp lại để cố gắng giành khách hàng từ các công ty vốn sành sỏi trong lĩnh vực gọi xe.

Theo báo Nikkei, ba công ty taxi tại Hà Nội đã cùng hợp tác để tạo nên hãng taxi G7, và ngay lập tức trở thành công ty taxi lớn nhất tại Hà Nội. Sau khi hợp tác lại, hãng taxi mới đã có thể cạnh tranh về mức phí với Grab, ít nhất trong các quãng đường ngắn. Động thái này được kỳ vọng sẽ có thể lôi thêm các công ty khác vào cùng liên minh.

Thỏa thuận hợp tác mới nhất giữa 3 công ty taxi đã tạo ra nhiều tác động hơn nữa đến thị trường giao thông dành cho nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh với dân số lên đến 95 triệu người, việc sử dụng điện thoại thông minh ngày một phát triển và đến giờ cũng không có nhiều phương tiện giao thông công cộng ngoài xe bus.

G7 là công ty được thành lập vào tháng 10/2018 với sự hợp tác của 3 công ty bao gồm Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội. Họ có tổng số khoảng 3.000 xe ô tô và hiện nắm 20% thị phần taxi trên địa bàn Hà Nội.

Mức cước phí của G7 là 9.900 đồng/kilomet đầu tiên trong khi đó Grab tính 20.000 đồng/2 kilomet đầu. Grab có thể có lợi hơn cho người tiêu dùng nếu trong khoảng cách dài, thế nhưng với G7, cũng giống như các hãng taxi truyền thống khác, không tính cước trong ngày mưa hoặc giờ cao điểm.

Không ít người tiêu dùng cho biết họ đã chuyển từ Grab sang G7 để tiết kiệm chi phí.

Chủ tịch hội đồng quản trị công ty taxi G-7, ông Nguyễn Anh Quân, khẳng định rằng Grab hưởng lợi từ một môi trường cạnh tranh không công bằng. Ông Quân cho biết cả ba công ty phải hợp sức lại vì nếu đứng riêng từng công ty, sẽ chẳng bên nào có thể cạnh tranh được với Grab.

Ông cho biết G7 sẽ giành lại khách hàng bằng việc đưa ra hệ thống tích hợp, giảm chi phí và giảm cước.

Ông Quân cho rằng những công ty như Grab cần phải buộc lặp đồng hồ tính cước, thành lập trung tâm chăm sóc khách hàng giống như các công ty khác.

G7 không phải công ty duy nhất đang cố gắng chống chọi với ngành gọi xe đang ngày một phát triển. Công ty Mai Linh, hãng taxi số 1 Việt Nam, mới đây đã phát triển ứng dụng gọi xe giống kiểu Grab, ứng dụng sẽ hiển thị tài xế cũng như xếp hạng của tài xế đó, thời gian đến cũng như giá cước tạm tính. Khách hàng cũng có thể lựa chọn đi xe máy, xe ô tô 4 chỗ hoặc 7 chỗ.

Mai Linh đồng thời thành lập đường dây nóng để người tiêu dùng có thể phàn nàn nếu họ gặp vấn đề.

Dù hiện đang điều hành khoảng 15.000 xe ô tô trên khắp đất nước, Mai Linh chật vật không chặn được sự phát triển của Grab. Nửa đầu năm 2017, công ty đã sa thải khoảng 6.000 tài xế, tương đương khoảng 20% tổng nhân sự.

Công ty taxi Vinasun cũng đang cho triển khai dịch vụ gọi xe thực hiện trên nền ứng dụng Facebook Messenger, người tiêu dùng có thể gọi xe, và phàn nàn trực tiếp, giống như Grab.

Hiện đang có khoảng 58 triệu người Việt Nam dùng Facebook và nhiều người trong số đó dùng ứng dụng Messenger; Vinasun đã tận dụng Messenger với hy vọng tạo ra hiệu ứng truyền miệng trong cộng đồng người dùng. Và ngay cả khi đã nỗ lực như vậy, Vinasun vẫn khó khăn, doanh thu cả năm 2018 ước giảm khoảng 33%.

Cho đến nay, các công ty taxi tại Việt Nam đã không ngừng vận động chính sách để Bộ Giao thông Vận tải chặt tay quản lý với các công ty sở hữu ứng dụng gọi xe, nhưng không thành công.

Nhóm các công ty này bao gồm cả Go-Jek, một công ty lớn tại Indonesia, mới triển khai dịch vụ từ tháng 9/2018. Các công ty khác bao gồm Aber và FastGo cũng đang cạnh tranh ráo riết.

Tin Cùng Chuyên Mục