Bất động sản công nghiệp đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Thành Trung/VOV

Theo nhận định của các chuyên gia, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Năm 2019 là một năm tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics Việt Nam khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các ngành chế biến và chế tạo vẫn gia tăng tích cực.

Nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao thời gian gần đây đã góp phần giúp thị trường bất động sản công nghiệp trở nên sôi động hơn. Các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy.

Bất động sản công nghiệp đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1
Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố lớn phía Bắc và phía Nam lần lượt là hơn 92% và 80% vào cuối năm ngoái. Phần lớn tỷ lệ nguồn cung bất động sản công nghiệp, bao gồm đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn, nằm ở các tỉnh, thành phố trọng điểm khu vực phía Bắc và phía Nam.

Chi phí đất cạnh tranh hơn cũng như tỷ lệ lấp đầy thấp hơn đang khiến các khu vực công nghiệp thuộc các tỉnh lận cận 2 thành phố lớn và Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết: “Chúng tôi làm việc với rất nhiều doanh nghiệp cần thuê kho xưởng hay thuê đất để xây nhà máy. Nhu cầu tìm kiếm vị trí và đầu tư đang tăng rất nhanh trong vòng 2 năm qua. Vì sao, có nhiều lý do. Việt Nam kinh tế đã phát triển hơn. Thị trường tiêu dùng của Việt Nam đang được đánh giá rất hấp dẫn. Hạ tầng kết nối cũng là yếu tố cốt lõi để phát triển bất động sản công nghiệp”.

Khi diện tích đất công nghiệp dần bị thu hẹp, chủ đầu tư của các khu công nghiệp có xu hướng chuyển sang xây dựng nhà xưởng xây sẵn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách thuê.

Tính đến năm ngoái, khu vực phía Nam đã chào đón hơn 380.000 m2 nhà xưởng xây sẵn, tăng 19% so với năm 2018. Trong khi đó, nguồn cung mới trong năm của khu vực phía Bắc cũng tăng 25% với khoảng 321.000 m2.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng: “Ví dụ như chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ trên thế giới đưa vị thế của Việt Nam đón nhận đầu tư nước ngoài vào công nghiệp mạnh hơn. Đây là cơ hội lớn bởi vì sẽ tạo ra khả năng đầu tư các khu hỗn hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc quy hoạch bất động sản công nghiệp thời gian tới phải phù hợp với xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế và chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

Quy hoạch hệ thống bất động sản công nghiệp cần dựa trên cơ sở luận chứng khoa học. Các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện quy hoạch về hệ thống thành phố công nghiệp, đô thị thông minh để phát triển, đảm bảo tính kết nối đa phương tiện, sự đồng bộ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Tin Cùng Chuyên Mục