Bất động sản khu công nghiệp nổi sóng, siêu cổ phiếu nào sẽ lặp lại lịch sử tiếp nối L14?

Thạch Linh

Cổ phiếu SNZ của Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) đang trở thành hiện tượng của thị trường khi tăng gần 100% trong chưa tới hai tuần, trở thành cái tên được thị trường đồn đoán có thể tiếp bước L14 trở thành "siêu cổ phiếu" tiếp theo.

Hai tuần nổi sóng của SNZ

Trong giai đoạn ba tháng gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản trở thành hiện tượng của thị trường, thu hút sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư. Mức định giá hấp dẫn bất chấp kết quả kinh doanh không quá tích cực giúp đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng vọt. Các mã trong nhóm cổ phiếu bất động sản được ghi nhận mức tăng tính bằng lần. Trong đó, L14 trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường với mức thị giá gần 400.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Xu hướng tăng của nhóm bất động sản cho tới đầu năm 2022 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, sự chú ý của thị trường đã bắt đầu hướng vào những cái tên khác, có mức định giá hấp dẫn hơn những nhóm đã "chạy". Một trong số đó là SNZ, cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) được đồn đoán sẽ trở thành "siêu cổ phiếu" tiếp theo của lĩnh vực bất động sản tiếp nối L14.

Sự chú ý của thị trường vào SNZ bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 12. Từ vùng giá 34.000-35.000 đồng, chỉ trong chưa tới hai tuần, thị giá của SNZ vọt lên 64.000 đồng, tương đương biên độ tăng gần 100% - mức sinh lời vượt trội so với phần còn lại của thị trường.

Bất động sản khu công nghiệp nổi sóng, siêu cổ phiếu nào sẽ lặp lại lịch sử tiếp nối L14?  - Ảnh 1

SNZ là cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp, tiền thân là Công ty Phát triển KCN Biên Hòa-Sonadezi, doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập từ năm 1990.

Ngày 29/4/2010, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định chuyển Công ty Phát triển KCN Biên Hòa thành Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Tổng công ty Sonadezi) hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. Ngày 1/2/2016, Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần.

Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Sonadezi đã trở thành một Tổng công ty có quy mô đứng đầu với 17 đơn vị thành viên hoạt động kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực Bất động sản công nghiệp và dân dụng, Xây dựng và Vật liệu xây dựng, Dịch vụ, Cấp nước.

Bất động sản khu công nghiệp nổi sóng, siêu cổ phiếu nào sẽ lặp lại lịch sử tiếp nối L14?  - Ảnh 2

Với quá trình phát triển bền vững và tăng trưởng toàn diện, tổng tài sản của Tổng công ty Sonadezi hiện đã đạt hơn 21.100 tỷ đồng, với quy mô vốn chủ sở hữu gần 9.000 tỷ đồng.

Việc thị trường chú ý đến SNZ gần đây không phải không có nguyên nhân. Bất động sản khu công nghiệp được chú ý khi đại dịch dần được khống chế, làn sóng đầu tư nước ngoài tăng trở lại. Ngoài ra, gói hỗ trợ kinh tế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang được Quốc hội thảo luận trên nghị trường, trong đó một phần lớn của gói này sẽ được dùng cho đầu tư công. Là một doanh nghiệp lớn trong mảng bất động sản khu công nghiệp, việc hoàn thiện hạ tầng sẽ mang lại lợi ích lớn cho SNZ.

Tính đến cuối năm 2020, SNZ có 12 công ty con và 11 công ty liên kết. Về hệ thống khu công nghiệp cho thuê, hiện tại thông qua hệ thống công ty con, SNZ có tới 10 khu công nghiệp (KCN) cho thuê. Phần lớn KCN đặt ở Đồng Nai và đều đang đạt tỷ lệ lấp đầy cao. Trong hệ thống các KCN của SNZ, hiện tại có 3 KCN đang có cơ hội tăng trưởng cao bao gồm KCN Châu Đức, KCN Giang Điền và KCN Thạnh Phú.

Theo kỳ vọng của lãnh đạo SNZ, mục tiêu tới năm 2022, KCN Châu Đức sẽ đạt tỷ lệ lấp đầy 80%. Với vị trí thuận lợi, gần Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, KCN Châu Đức nằm giữa sân bay quốc tế Long Thành và Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, không khó để KCN này có thể đạt được mục tiêu trên.

KCN Giang Điền cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng SNZ trong tương lai. KCN này là điểm đến rất hấp dẫn khi mà trong thời gần đây đã đón thêm dự án của Công ty CTCP Everpia (Hàn Quốc). Trong khi đó, khu công nghiệp Thạnh Phú vẫn còn vướng mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng nên chưa thể sử dụng được hết khả năng để cho thuê. Nếu giải quyết sớm vấn đề này, SNZ hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng bứt phá trong tương lai.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng bất chấp đại dịch

Sau khoảng thời gian phải tạm hoãn công bố báo cáo tài chính do tình hình dịch bệnh phức tạp, ngày 15/11, SNZ đã công bố báo cáo tài chính quý III với bức tranh "sáng" hơn hẳn những doanh nghiệp cùng ngành.

Trong khi nhiều doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp (KCN) phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động do các quy định về phòng chống dịch Covid-19, thì doanh thu từ mảng cho thuê KCN và kinh doanh cơ sở hạ tầng của công ty lại ghi nhận tăng trưởng, đặc biệt doanh thu mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng gấp 2,3 lần cùng kỳ. Kết quả, doanh thu thuần của SNZ đạt hơn 1.252 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.

Doanh thu duy trì ổn định nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận gộp của SNZ tăng 31%, lên hơn 619 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 38% lên 49%, con số thuộc hàng cao nhất nhóm doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhờ tiết giảm chi phí, SNZ báo lãi ròng quý III đạt hơn 272 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp lãi ròng 9 tháng đầu năm của công ty tăng 8%, lên gần 634 tỷ đồng, bất chấp tình hình khó chung do ảnh hưởng của đại dịch.

Năm 2021, SNZ đặt mục tiêu lãi sau thuế 1.012 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 9 tháng, Công ty đã vượt hơn 5% kế hoạch đề ra.

Tin Cùng Chuyên Mục