Bất động sản nhà ở: Thanh khoản thị trường TP HCM lao dốc, lượng tiêu thụ tại Hà Nội phục hồi đáng kể

Trong khi thị trường TP HCM ghi nhận lượng căn hộ tiêu thụ khá ảm đạm, tỷ lệ thanh khoản xuống thấp thì tại Hà Nội, lượng căn hộ tiêu thụ lại phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây.

Thanh khoản thị trường căn hộ sụt giảm mạnh 

Theo báo cáo về thị trường bất động sản nhà ở quý I/2021 của VNDirect, lượng căn hộ tiêu thụ tại TP HCM tương đối ảm đạm với nguồn cung căn hộ mới giảm mạnh 52,9% trong quý I xuống còn 1.709 căn; dẫn đến lượng căn hộ tiêu thụ giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước.

VNDirect đánh giá đây là quý thứ 5 liên tiếp TP HCM không có nguồn cung mới ở phân khúc bình dân. Ngoài ra phân khúc trung cấp chiếm 40,7% tổng nguồn cung mới, theo sau là phân khúc hạng sang (39,1%) và cao cấp (20,2%). 

Tuy nhiên nhu cầu về nhà ở tại thị trường này vẫn ở mức cao khi tỷ lệ hấp thụ vụt lên 153,5% trong quý I. Khu vực phía Đông TP HCM tiếp tục thống lĩnh thị trường, chiếm 47% nguồn cung mới, tiếp theo là khu Nam với 36%. Riêng khu vực trung tâm không ghi nhận dự án mở bán mới do thiếu quỹ đất và vấn đề cấp phép.

Lượng căn hộ tiêu thụ tại TP HCM tương đối ảm đạm.
Lượng căn hộ tiêu thụ tại TP HCM tương đối ảm đạm.

Đánh giá về tình trạng thanh khoản căn hộ ở TP HCM trong tháng 5, đại diện đơn vị nghiên cứu DKRA cho biết thanh khoản thị trường này sụt giảm mạnh vào nửa cuối tháng 5 khi chỉ ghi nhận một dự án mới mở bán và giai đoạn tiếp theo của dự án cũ. Tổng nguồn cung trong tháng qua chỉ khoảng 374 căn, giảm 86% so với tháng 4 (2.698 căn hộ mới được chào bán).

Theo đó thanh khoản căn hộ tại TP HCM tháng 5 chỉ đạt khoảng 31% trên nguồn cung mới với khoảng 115 giao dịch thành công, giảm 95% so với lượng tiêu thụ ở tháng 4.

"Càng về cuối tháng 5, sức mua trên thị trường càng yếu dần. Nguyên nhân là ảnh hưởng từ thông tin tiêu cực về dịch Covid-19, gây sức ép lên quyết định chọn mua bất động sản", đại diện DKRA cho biết.

Trong khi đó thị trường Hà Nội ghi nhận lượng căn hộ tiêu thụ phục hồi đáng kể với mức tăng gần 170% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.152 căn. Điều này được thúc đẩy bởi nguồn cung mới gia tăng đáng kể 93,7% (4.421 căn). 

Theo đó phân khúc trung cấp tiếp tục thống lĩnh thị trường với số căn mới tăng 447,7% lên 3.527 căn, chiếm 79,8% nguồn cung mới. Khu Đông và khu Tây Hà Nội tiếp tục dẫn dắt thị trường khi chiếm 77% tổng nguồn cung mới. Tỷ lệ lấp đầy vẫn duy trì tích cực ở mức 93,9%. 

Tăng giá tất cả phân khúc căn hộ 

Tại thị trường TP HCM, giá trung bình căn hộ sơ cấp đã tăng 14,6% so với cùng kỳ, đạt 2.219 USD/m2 do các dự án mới nằm ở vị trí được săn đón, điều kiện bàn giao, hỗ trợ thanh khoản và tiện ích tốt hơn. Ngoài ra giá sơ cấp căn hộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 0,6-6,4% ở tất cả các phân khúc, trong đó phân khúc trung cấp tăng cao nhất 6,4%.

Đối với thị trường thứ cấp, nguồn cung căn hộ phân khúc bình dân ở TP HCM đang khan hiếm trong bối cảnh nhu cầu vẫn ở mức cao, dẫn đến giá căn hộ thứ cấp ở những khu vực có mức giá dưới 2.000 USD/m2 ghi nhận tăng nhanh hơn. Một số khu vực ghi nhận giá căn hộ thứ cấp tăng mạnh nhất là Gò Vấp (tăng 11,1%), Bình Tân (7,6%), Bình Chánh (5,2%) trong 4 tháng đầu năm 2021, theo nghiên cứu thị trường của VnDirect.

Tại thị trường Hà Nội, giá trung bình căn hộ sơ cấp cũng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020 lên 1.461 USD/m2 do sự hưng phấn của thị trường với các thông tin đồ án quy hoạch mới. Tương tự TP HCM, giá sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng ở tất cả các phân khúc từ 5,9-18%. Căn hộ cao cấp và bình dân tăng mạnh nhất, lần lượt là 18% và 10,8% so với quý I/2020. 

Giá thứ cấp căn hộ tại Hà Nội tương đối ổn định, tăng trung bình 2,7% trong 4 tháng đầu năm 2021. Trong đó Hoài Đức là khu vực ghi nhận mức tăng mạnh nhất 7,8% do huyện này đặt mục tiêu trở thành quận nội thành của Hà Nội trước năm 2022 cùng với ưu thế có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được triển khai ở phía Tây Hà Nội. 

Mặc dù diễn biến trái chiều nhau nhưng từ tháng 3/2020 trở lại đây mức độ khó khăn chung của thị trường bất động sản TP HCM và Hà Nội đều trầm trọng thêm do tác động của làn sóng dịch Covid-19, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết. 

Cùng với đó, thị trường vẫn phát triển thiếu bền vững và cân đối, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư. Đặc biệt, nguy cơ lệch pha cung - cầu thể hiện rõ nét trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn hai thành phố càng khiến việc tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân còn khó khăn, theo Chủ tịch HoREA.

Tin Cùng Chuyên Mục