Bị khách sạn đuổi ra khỏi phòng vì quá lập dị, tỷ phú tức mình chi 13 triệu USD mua luôn cả khách sạn

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Sau đó, việc mua lại khách sạn đã trở thành đam mê của vị tỷ phú "lắm tài nhiều tật" trong những năm cuối đời. Tình tiết dị biệt này đã được lồng ghép vào phim "Crazy Rich Asians".

Howard Robard Hughes, Jr. (1905 - 1976) là một tài phiệt, doanh nhân, nhà đầu tư, phi công, kỹ sư hàng không vũ trụ, nhà phát minh, nhà làm phim và nhà từ thiện người Mỹ. Trong suốt cuộc đời của mình, ông được biết đến như là một trong những doanh nhân giàu nhất thế giới, thậm chí người đời sau còn gọi ông là "Tony Stark đầu tiên của giới thương nhân".

Là một ông trùm phim ảnh, Hughes vang danh ở Hollywood  từ cuối những năm 1920, làm ra những bộ phim có ngân sách lớn và cũng gây tranh cãi dữ dội như The Racket (1928), Hell's Angels (1930), Scarface (1932) và The Outlaw (1943).

Thời trẻ, Hughes không chỉ tài năng, sở hữu óc kinh doanh thiên tài trong ngành giải trí mà còn là một phi công điêu luyện, từng đầu tư vào hàng không. Hơn nữa, ông khiến người hâm mộ mê mẩn với vẻ ngoài hào hoa phong nhã, thường xuyên vướng vào tình ái với những minh tinh đẹp nhất nhì nước Mỹ.

Bị khách sạn đuổi ra khỏi phòng vì quá lập dị, tỷ phú tức mình chi 13 triệu USD mua luôn cả khách sạn - Ảnh 1

 

Tuy nhiên sau này, tỷ phú Hughes ngày càng có lối sống lập dị, ẩn dật - gây ra bởi chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), sợ hãi vi trùng và có niềm hưng cảm quái lạ với những điều bí mật. 

Ví dụ như năm 1958, Hughes nói với các phụ tá rằng ông muốn chiếu một số bộ phim tại xưởng gần nhà. Sau đó tỷ phú tự mình bước vào phòng tối và không trở ra trong suốt 4 tháng, không tắm cũng không cắt tóc hay thực hiện kĩ lưỡng bất kì việc chăm sóc vệ sinh cá nhân nào (dù bị ám ảnh sạch sẽ)! Tuy vậy, tỷ phú Hughes đã sử dụng khăn giấy để cầm đồ vật nhằm tránh vi trùng.

Bị khách sạn đuổi ra khỏi phòng vì quá lập dị, tỷ phú tức mình chi 13 triệu USD mua luôn cả khách sạn - Ảnh 2

 Tỷ phú Hughes khi đã có tuổi và lập dị hơn

Từ năm 1966 trở đi, Hughes và đoàn tùy tùng lại nổi hứng muốn làm chuyến du lịch nghỉ dưỡng xuyên qua các căn penthouse cao cấp của loạt khách sạn sang trọng ở Beverly Hills, Boston, Vancouver, London, Acapulco và Las Vegas.

Nhưng, rắc rối bắt đầu xảy ra cho cả hai bên khi khách sạn Desert Inn ở Las Vegas yêu cầu Hughes rời khỏi căn penthouse ngay lập tức. Desert Inn vào thời điểm đó đang thuộc sở hữu của "bố già" Moe Dalitz - một tay kinh doanh sòng bài khét tiếng trong vùng. Bản thân khách sạn Desert Inn cũng chứa luôn một sòng bạc lớn nhất Vegas. 

Dalitz muốn đuổi Hughes đi vì cảm thấy sự lập dị của ông ảnh hưởng tới hình ảnh của khách sạn. Họ cũng muốn căn penthouse được bỏ trống cho những tay chơi cộm cán sẽ tới đây vào kì nghỉ tới. 

Bị khách sạn đuổi ra khỏi phòng vì quá lập dị, tỷ phú tức mình chi 13 triệu USD mua luôn cả khách sạn - Ảnh 3

 

Tuy nhiên, điều bất ngờ là: Cái gì không giải quyết được bằng tiền thì sẽ giải quyết được bằng rất nhiều tiền! Vị tỷ phú "tánh kỳ" chẳng những không rời đi nửa bước, còn tức mình mua luôn cả khách sạn! Bố già Dalitz cuối cùng cũng đồng ý bán khu bất động sản với giá 6,2 triệu đô tiền mặt, kèm theo 7 triệu đô cho một số khoản vay mượn. Sự kiện điên rồ này đã được tác giả Kevin Kwan lấy làm cảm hứng, viết nên một đoạn trong tiểu thuyết "Crazy Rich Asians" (Giới siêu giàu châu Á) và được chuyển thể thành phim.

Tỷ phú Hughes tiếp tục sống và làm việc tại căn phòng ngủ rộng xấp xỉ 76m2 tại Desert Inn. Nghe nói cửa sổ và cửa ra vào đã luôn luôn đóng chặt, không hề có người hầu nào được phép vào. Chủ yếu các cuộc thương lượng đều được thỏa thuận qua điện thoại.

Chưa hết, tỷ phú Hughes sau đó còn "quen tay" mua luôn nhiều khách sạn nữa ở Las Vegas khi đã chán Desert Inn. Trong đó bao gồm cả  khách sạn Silver Slipper - mục đích mua duy nhất là để tháo xuống tấm biển neon khiến ông tỷ phú mất ngủ về đêm.

Bị khách sạn đuổi ra khỏi phòng vì quá lập dị, tỷ phú tức mình chi 13 triệu USD mua luôn cả khách sạn - Ảnh 4

 Những năm cuối đời

Cứ như vậy đến đầu những năm 1970, Hughes đã trở thành địa chủ lớn nhất Nevada và thuê 8.000 cư dân địa phương làm việc cho mình, nghiễm nhiên trở thành chủ lao động lớn nhất của toàn tiểu bang.

Vào tháng 12/1972, Hughes đang sống trong căn penthouse của khách sạn Intercontinental ở Managua, Nicaragua (Trung Mỹ) thì đất nước này hứng chịu một trận động đất mạnh 6,5 độ.

Hậu quả là tay tỷ phú phải tháo chạy đến một căn penthouse "xịn xò" cuối cùng của cuộc đời. Đó là resort Công chúa Xanadu của quần đảo Bahamas. Ông sống tại đây được 4 năm thì qua đời.

Tin Cùng Chuyên Mục