Bí mật “động trời” về ông hoàng bánh cookie OREO: từ kẻ “đạo nhái” đến ông lớn “thống trị” thị trường

Quỳnh Chi

Dù bị “chỉ thẳng mặt” là kẻ đạo nhái nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, Oreo đã thành công trong việc “soán ngôi” bản gốc; trở thành thương hiệu thống trị mọi kệ hàng bánh cookie trên thế giới và được xem là một “biểu tượng” chân chính của nước Mỹ.

Câu chuyện lịch sử kì lạ về “cuộc chiến bánh quy”

Mặc dù được tạo ra vào năm 1912, cách đây tới hơn 100 năm, nhưng Oreo lại không phải là loại bánh quy kẹp kem đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Trước đó, vào năm 1908, phiên bản gốc đầu tiên của loại bánh này đã được sản xuất bởi một công ty có tên là Sunshine Biscuits. Những người sáng tạo nên loại bánh này muốn gửi gắm thông điệp truyền tải “sự tinh khiết” của sản phẩm đến người tiêu dùng. Bởi vậy, họ đã lựa chọn giữa các thành phần cấu tạo nên phân tử nước (bao gồm Hydrox và Oxy) để đặt trên cho loại bánh này. Và những chiếc bánh quy kẹp kem đầu tiên đã ra đời với cái tên Hydrox.

Thế nhưng, sau đó ít lâu, Oreo đã xuất hiện. Theo Insider, thương hiệu quán Oreo đã được Công ty Bánh quy Quốc gia, sau này có tên là Nabisco sản xuất và giới thiệu là loại "bánh quy có chất lượng cao cấp nhất". Tuy nhiên, Oreo vẫn không thể lập tức cạnh tranh được với Hydrox và phải đối mặt với những cáo buộc của Hydrox về việc “mạo danh” hay “đạo nhái” suốt hàng thập kỷ sau đó.

So sánh hương vị giữa hai loại bánh đã trở thành chủ đề hot. Nguồn ảnh: Internet
So sánh hương vị giữa hai loại bánh đã trở thành chủ đề hot. Nguồn ảnh: Internet

Mặc dù công ty Nabisco đã nỗ lực chịu lỗ cho Oreo, nhưng thương hiệu này vẫn không thể “vượt mặt” được phiên bản gốc. Mãi cho tới giữa những năm 1950, khi thiết kế lại sản phẩm, thay đổi mẫu mã và tích cực hơn với các chiến lược tiếp thị, doanh số bán hàng của Oreo mới được cải thiện. Lúc này, Hydrox lại trở nên “lép vế’ hơn bởi hình thức lỗi thời, kém hấp dẫn.

Nói về cuộc cạnh tranh giữa hai thương hiệu này, một nhà báo của tờ New York Times từng ví von: việc so sánh giữa Hydrox và Oreo cũng giống như bạn đang so sánh giữa Pepsi và CocaCola vậy.

Trước khi thật sự biến mất khỏi thị trường, Hydrox đã có nhiều cố gắng nhằm cải thiện và vực dậy thị phần của mình, như: chuyển đổi đơn vị sản xuất sang các công ty khác như American Tobacco, Keebler, Kellogg's; đổi tên gọi thành Droxies… Tuy nhiên, tình hình vẫn không trở nên khả quan hơn. Cuối cùng, vào năm 2001, Hydrox đã chính thức rời khỏi cuộc chạy đua.

Ở chiều ngược lại, Oreo lại “làm mưa làm gió” trên thị trường với hàng loạt sự đổi mới: đa dạng hoá hương vị, kết hợp kinh doanh cùng các thương hiệu nổi tiếng như McDonald's, Double Stuf và Supreme. Thậm chí, vào năm 2020, Oreo còn ra mắt các phiên bản bánh cookies với hương vị vô cùng hấp dẫn, tạo nên một cuộc cách mạng mới trong ngành hàng này.

Sự trở lại của Hydrox – “khơi mào” cuộc chiến kéo dài 100 năm

Năm 2019, Oreo thiết lập kỉ lục mới với tổng doanh thu ròng lên đến 3,1 tỉ USD. Theo công bố từ công ty Mondelez International, đã có tới hơn 92 triệu chiếc bánh cookie được bán ra mỗi ngày, trên hơn 100 quốc gia.

Quảng cáo của Hydrox. Nguồn: Internet
Quảng cáo của Hydrox. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, năm 2015, công ty Leaf Brands đã một lần nữa đưa thương hiệu bánh Hydrox quay trở lại thị trường và “gây chiến” với Oreo. Lần này, Hydrox đã hợp tác với sàn thương mại điện tử Amazon nhằm khôi phục lại vị trí của họ trên thị trường. Sau màn “tái sinh”, Hydrox vẫn tiếp tục chỉ trích Oreo là kẻ “đạo nhái” và khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng sản phẩm của Oreo.

Bên cạnh đó, công ty này cũng kêu gọi người tiêu dùng chú ý hơn tới những thành phần nguyên liệu để sản xuất ra hai loại bánh: Hydrox sử dụng đường mía thật thay vì xiro ngô có chứa hàm lượng fructose cao của Oreo; những nguyên liệu khác của Hydrox cũng có độ nguyên chất và độ sạch cao hơn…

Năm 2016, lợi dụng việc Mondelez Internationa sa thải nhiều công nhân Mỹ để chuyển một số công đoạn sản xuất sang các nhà máy ở Mexico và bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích vì hành động này, Leaf Brands đã “chớp thời cơ” và đưa ra tuyên bố khẳng định rằng Hydrox đã góp phần duy trì và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động Mỹ. Công ty này cũng nhanh chóng in quốc kỳ Mỹ kèm theo dòng chữ “Tự hào được sản xuất tại Hoa Kỳ” trên bao bì nhằm gia tăng lợi thế cho danh tiếng của mình.

Sự quay trở lại của Hydrox đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Theo trang Bakeryandsnacks.com,  doanh số bán hàng của Hydrox từ năm 2016 đến năm 2017 đã gia tăng hơn 2.406% và tích lũy được một lượng doanh số lên đến hơn 492.000 USD. Mặc dù vẫn còn thua xa vị trí thống trị áp đảo của Oreo trên thị trường, tuy nhiên đây cũng là một sự tăng trưởng ấn tượng.

“Cuộc chiến bánh quy” căng thẳng ngày càng leo thang. Tháng 8/2018, Leaf Brands cáo buộc Mondelez International đang sử dụng "sức mạnh khổng lồ" trong thị trường để chèn ép sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh, khiến đối thủ của mình phải trưng bày sản phẩm ở những vị trí bất lợi trên kệ hàng.

 Bí mật “động trời” về ông hoàng bánh cookie OREO: từ kẻ “đạo nhái” đến ông lớn “thống trị” thị trường - Ảnh 1

Tuy nhiên, công ty Mondelez International đã phản hồi như sau: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự phản ảnh nào về việc này, nhưng chúng tôi tin rằng lời buộc tội này là hoàn toàn không có cơ sở và không có giá trị. Thương hiệu Oreo là một thương hiệu mang tính biểu tượng của nước Mỹ và có bề dày lịch sử lâu dài. Chúng tôi tự hào với việc cung cấp các sản phẩm bánh có hương vị tuyệt vời và mang tới khách hàng những sự đổi mới đầy thú vị trong hơn một thế kỷ gần đây. Chính nhờ yếu tố quan trọng này và nhờ những sự cam kết đầy trung thực trong hoạt động sản xuất và kinh doanh đã khiến cho những sản phẩm bánh cookie từ thương hiệu Oreo được toàn thể người tiêu dùng tin tưởng và trở thành loại bánh được yêu thích nhất của Mỹ".

Mặc dù cán cân có vẻ như luôn nghiêng về phía Oreo với lượng fan đông đảo và vị trí thống trị ngành hàng, song những động thái của Hydrox cho thấy: “cuộc chiến bánh quy” chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Tin Cùng Chuyên Mục