Biến căng ở McDonald’s: CEO mất “cần câu cơm” 15 triệu đô/năm nhưng tốn kém nhất vẫn là công ty

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Việc hội động quản trị McDonald’s “búng tay” Steve Easterbrook ra khỏi chức CEO là một quyết định cứng rắn, nhưng cũng đầy ngậm ngùi, đau đớn và cực tốn kém.

Một ông giám đốc đã li dị vợ rồi bí mật hẹn hò với nữ nhân viên. Điều đáng nói là chính sách của công ty ngăn cấm điều đó. Sự việc vỡ lở, giám đốc nói “tất cả là một sai lầm” và bị sa thải khỏi công ty. Đường dây câu chuyện kịch tính như phim bộ đúng không? Tuy nhiên người thật việc thật đã diễn ra ở McDonald’s vào đầu tháng 11 vừa qua, gây sốc giới kinh doanh và kéo theo nhiều tình tiết, hệ lụy phía sau.

1. CEO Steve Easterbrook là ai?

Biến căng ở McDonald’s: CEO mất “cần câu cơm” 15 triệu đô/năm nhưng tốn kém nhất vẫn là công ty - Ảnh 1

 

Ông Easterbrook, 52 tuổi, đã đảm nhiệm vị trí CEO của gã khổng lồ ngành thức ăn nhanh từ tháng 3/2015 và bị sa thải vào cuối tuần trước. Lí do vì quan hệ tình ái với nữ nhân viên, dĩ nhiên, danh tính của người này không được tiết lộ.

Đặc biệt, ông Easterbrook không bắt đầu sự nghiệp của mình ở McDonald’s, trước đây ông gắn bó với những thương hiệu thức ăn nhanh tại Anh như Wagamama và Pizza Express. Sau 18 năm tung hoành trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng, ông đã gia nhập McDonald’s vào năm 1993 từ vị trí quản lý tài chính, sau đó phấn đấu lên chức tổng giám đốc. Câu chuyện của Steve Easterbrook có thể nói là “from zero to hero” tuy nhiên nó đang dừng lại theo cách không đẹp mắt cho lắm.

2. Trợ cấp thôi việc cho Steve Easterbrook - con số khổng lồ

Vâng, và tiền, rất nhiều tiền đã dính vào bê bối lần này các bạn ạ. Nhiều người thắc mắc ông Easterbrook rời khỏi công ty với bao nhiêu con số 0?

Tờ Insider dẫn quyết định sa thải của McDonald’s cho hay, ông giám đốc sẽ được chi trả tiền thôi việc cho 26 tuần lễ. Lương trung bình năm của vị CEO này là 1,35 triệu USD. Như vậy, 26 tuần sẽ được trả 675.000 USD.

Biến căng ở McDonald’s: CEO mất “cần câu cơm” 15 triệu đô/năm nhưng tốn kém nhất vẫn là công ty - Ảnh 2

 

Ngoài ra, các trợ cấp y tế lẫn phí đi lại, công tác cũng phải được thanh toán nốt; nâng tổng số tiền mà McDonald’s phải trả cho cựu CEO lên 702.255 USD.

Chưa hết, ở vị trí CEO, thu nhập của ông Easterbrook còn được trả bằng ưu đãi tiền mặt và cổ phiếu dựa vào KPI. Năm 2018, tổng số tiền mà ông ấy “cá kiếm” lên tới 15,9 triệu USD, chủ yếu là từ cổ phiếu và các khoản thưởng có điều kiện.

Ngay khi đã rời đi, Easterbrook vẫn đủ điều kiện nhận thêm tiền từ "kế hoạch khuyến khích ngắn hạn", có thể lên tới 180% lương cơ bản. Năm 2018, Easterbrook kiếm được 2,5 triệu USD nhờ khoản này. 

Và đến trước tháng 3/2020, Easterbrook vẫn còn đủ điều kiện nhận khoản thanh toán được chia theo tỷ lệ dựa trên hiệu suất kinh doanh của McDonald’s, nghĩa là ông có thể bỏ túi thêm hàng trăm ngàn đô.

“Rời khỏi McDonald’s, ông Easterbrook hoàn toàn có thể đi ăn… nhà hàng sang chảnh nhất trần đời”, “bị đá khỏi công ty nhưng kèm theo chiếc dù dát vàng để hạ cánh an toàn”.... trích một số lời châm biếm của các tờ báo Mỹ về vụ bê bối lần này. Báo The New Yorker ước đoán ông Easterbrook ra đi với khoảng 70 triệu USD!

3. Steve Easterbrook chủ động rời khỏi ghế HĐQT Walmart, sự nghiệp đã đứt đoạn?

Biến căng ở McDonald’s: CEO mất “cần câu cơm” 15 triệu đô/năm nhưng tốn kém nhất vẫn là công ty - Ảnh 3

Một ngày sau khi bị “đá” khỏi McDonald’s, cựu CEO cũng xin rút khỏi HĐQT Walmart - chiếc ghế mà ông ngồi chưa nóng chỗ từ năm 2018. Với vị trí của mình, ông Easterbrook chủ yếu đóng góp về phát triển quản lý và tài chính.

Walmart cho biết quyết định của Steve Easterbrook đã được thông qua và có hiệu lực ngay lập tức, nhưng “không phải vì bất kỳ sự bất đồng nào với công ty hay những vấn đề về điều hành, chính sách và hành động”. Ngoài ra, Walmart từ chối bình luận chi tiết.

4. Thời kỳ đen tối của McDonald’s? 4 tỷ USD đã biến mất trong ngày

Chắc chắn McDonald’s đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi quyết định sa thải cựu CEO của mình. Đó như một tiếng nói khẳng định rằng họ không dung túng cho những việc làm vi phạm chính sách công ty.

Tuy nhiên, tống khứ CEO luôn gây tranh cãi. Các nhà phân tích phố Wall cũng chia làm “hai phe” với những ý kiến trái chiều nhau. Một bên ủng hộ quyết định dứt khoát của ông lớn ngành thức ăn nhanh, nghĩ rằng biến cố lần này không ảnh hưởng quá nhiều khi McDonald’s đang tập trung vào phát triển công nghệ và những thị trường quốc tế.

Biến căng ở McDonald’s: CEO mất “cần câu cơm” 15 triệu đô/năm nhưng tốn kém nhất vẫn là công ty - Ảnh 4

 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác e ngại việc “sút” CEO quá đường đột, không có quá trình “chuyển giao quyền lực” sẽ gây xáo trộn về điều hành, hơn nữa ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngay tức thì.

Trang Market Insider đưa tin, vào thứ hai 4/11, cổ phiếu của McDonald’s đã giảm 3%, làm bốc hơi 4 tỷ USD vốn hóa thị trường của công ty trong ngày. Trước đó, khi cựu CEO Easterbrook nắm quyền từ năm 2015, cổ phiếu công ty đã tăng gấp đôi.

Dù sao thì sự việc đã qua, chiếm spotlight bây giờ phải là CEO mới của công ty - Chris Kempczinski, người đã đồng thời giữ chức chủ tịch. McDonald’s trong một thông cáo báo chí viết rằng ông Kempczinski là “nhà lãnh đạo tốt nhất sẽ thiết lập tầm nhìn, thực thi các kế hoạch để đem lại thành công kế tiếp cho công ty”.

Biến căng ở McDonald’s: CEO mất “cần câu cơm” 15 triệu đô/năm nhưng tốn kém nhất vẫn là công ty - Ảnh 5

 CEO vừa nhậm chức Chris Kempczinski

Nói chung về vị CEO mới cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhất là về chính sách nhượng quyền thương hiệu của ông ấy, tuy nhiên đây là một vấn đề khác. Câu chuyện tiếp theo của McDonald’s sẽ phát triển như thế nào thì hồi sau sẽ rõ. Cứ từ từ ăn bánh Big Mac và chờ đợi nhé.

Tin Cùng Chuyên Mục