Bộ Chính trị sẽ có Nghị quyết về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Theo Xuân Hải/Lao Động

Chiều 14.1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương để xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, thông qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng, Việt Nam đã có lịch sử 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, thời gian qua Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa có một Nghị quyết chuyên đề về thu hút FDI. Do đó, việc Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án này để trình Bộ Chính trị thông qua bằng một Nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI mang lại. Đồng thời, góp phần để Đảng, Nhà nước lồng ghép việc thu hút FDI trong phát huy nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2030.

Bộ Chính trị sẽ có Nghị quyết về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: T.Chung.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào tháng 10.2018, báo cáo tổng kết của 11 bộ, ngành, 63 địa phương, góp ý của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Đề án. Theo đó, Đề án liệt kê 10 đóng góp chủ yếu và 6 hạn chế bất cập của khu vực FDI tới nền kinh tế trong nước.

Về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, coi khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Thu hút FDI có chọn lọc, khuyến khích gắn kết với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá, bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo Đề án đã liệt kê được nhiều vấn đề liên quan tới FDI nhưng chưa nêu bật được những nội dung “then chốt” liên quan đến thực trạng, xu hướng phát triển của khu vực FDI, đặt ra nền tảng thu hút lĩnh vực này trong giai đoạn tới.

“Cần lắng nghe, chắt lọc các ý kiến chuyên gia, nhất là tiếp thu, cụ thể hoá các đánh giá, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ làm rõ được thực trạng mà còn thể hiện được xu hướng thu hút FDI và sự thay đổi, hoàn thiện chính sách thu hút FDI”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, nêu bật được thực trạng, định hướng giải pháp quan trọng để phát huy hơn các thuận lợi, khắc phục những hạn chế để khu vực FDI tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thành lập Tổ soạn thảo Đề án, tổ chức chương trình làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương là những địa phương thu hút FDI chủ lực để ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương trong hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả thu hút FDI.

Tin Cùng Chuyên Mục