Bộ GTVT đề xuất quản Grab 4 bánh bằng cách ‘đeo mào’ như taxi

Theo Hiếu Công/Zing

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014, trong đó có quy định xe Grab 4 bánh phải đeo mào như taxi truyền thống.

Sau nhiều lẫn trễ hẹn, Bộ GTVT đã trình dự thảo lần thứ 6 nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Ở dự thảo lần này, Bộ GTVT loại bỏ hoàn toàn khái niệm “hợp đồng điện tử” đã nêu trong đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử (trong đó Grab và Uber tham gia) và các dự thảo trước. Dự thảo nghị định mới yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ phải chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ).

Cụ thể, nghị định mới bổ sung khái niệm về kinh doanh taxi. Theo đó, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách.

Bộ GTVT đề xuất quản Grab 4 bánh bằng cách ‘đeo mào’ như taxi - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.

Nghị định chỉ cho phép áp dụng hợp đồng điện tử với ôtô từ 9 chỗ trở lên. Theo đó, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng vận tải điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải. Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên.

Như vậy, khi các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe dưới 9 chỗ sẽ được coi là kinh doanh taxi.

Văn bản mới cũng bổ sung quy định về chuyển đổi sang loại hình taxi. Toàn bộ các ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của taxi.

Như vậy, nếu dự thảo nghị định được thông qua, các xe Grab 4 bánh muốn tiếp tục hoạt động thì phải gắn mào, và được định nghĩa là phương tiện taxi.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng mở rộng định nghĩa về dịch vụ vận tải. Cụ thể, kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.

Như vậy, việc “điều hành phương tiện và lái xe, dịch vụ vận chuyển và hàng hóa” bằng phần mềm từ trước đến nay của Grab sẽ được coi là kinh doanh dịch vụ vận tải. Trước đó Grab luôn tuyên bố mình chỉ là một hãng cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ vận tải.

Khi bị coi là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, Grab phải tuân thủ các quy định điều kiện kinh doanh của loại hình này.

Trước đó hồi tháng 7, tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định bản chất hoạt động của loại hình Grab giống taxi truyền thống nên cần có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi bình đẳng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định rất khuyến khích phát triển phần mềm công nghệ, ứng dụng công nghệ trong quản lý. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện một số công ty công nghệ sản xuất phần mềm để bán lại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đơn vị tham gia vào các hoạt động vận tải cần được hiểu là đơn vị kinh doanh vận tải.

"Ví dụ như loại hình Uber, Grab, anh tham gia, quản lý, điều hành, quyết định giá cước… Đặc biệt, khi xảy ra tai nạn cho hành khách anh "phủi" trách nhiệm đâu được. Còn nếu anh bán phần mềm cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp họ kinh doanh, tính tiền không thể xem là đơn vị vận tải được", ông Thể nhấn mạnh.

Thị phần gọi xe công nghệ 4 bánh tại Việt Nam hiện chủ yếu nằm trong tay Grab. Một số hãng cũng phát triển dịch vụ này như VATO, FastGo, Mai Linh... nhưng thị phần không lớn. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu Bộ GTVT quá "siết" dịch vụ gọi xe sẽ kìm hãm sự phát triển và đưa về sân chơi giống taxi truyền thống.

Tin Cùng Chuyên Mục