Bộ trưởng Bộ tài chính: "Cần thực hiện hiệu quả các ưu đãi về thuế, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn"

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nguy cơ nền kinh tế có thể phải chịu ảnh hưởng và bị “tổn thương” lớn từ những “cú sốc” bên ngoài vẫn luôn hiện hữu.

“Làn sóng” phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021. Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo năm 2020 nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm 5,2% - ghi nhận một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng đang chịu những tác động nặng nề. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 11 con số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh lên tới 44.400 doanh nghiệp, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đó số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 15.400 đơn vị. Như vậy, trung bình mỗi tháng có hơn 5.400 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh hoặc giải thể. 

Việt Nam có hơn 44.400 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh trong 11 tháng.
Việt Nam có hơn 44.400 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh trong 11 tháng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt COVID-19 nhưng việc nâng cao khả năng độc lập tự chủ, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng. Bởi nguy cơ kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng và bị “tổn thương” lớn từ những “cú sốc” bên ngoài khác vẫn hiện hữu do nền kinh tế có độ mở lớn, cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và FDI.

Theo đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành nhằm thực hiện nhiều giải pháp tạo môi trường phát triển thông thoáng cho doanh nghiệp như: Tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng để giải phóng, phát triển sức sản xuất của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Cùng với đó, việc tăng cường hợp tác tài chính và đẩy mạnh đa dạng hóa nội dung, hình thức với các đối tác quốc tế sẽ góp phần nâng cao khả năng chống chịu về tài chính của toàn nền kinh tế. Nhà nước sẽ nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thể chế kinh tế, trong đó có hệ thống văn bản pháp luật về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực tài chính phù hợp với các cam kết cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ cũng sẽ triển khai đồng bộ, theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết theo lộ trình đã ban hành. Bộ cũng sẽ theo sát tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và tác động của các FTA đến một số ngành hàng quan trọng để kịp thời điều chỉnh các chính sách liên quan và đề xuất các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của quá trình hội nhập tới kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh trong nước. 

Ngoài ra, một bài học quan trọng nữa được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhắc đến là việc cần tăng cường nâng cao năng lực dự báo trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, dự báo diễn biến giá cả thị trường và theo dõi sát tình hình cung cầu của thị trường để có kịch bản điều hành chính sách tài khóa phù hợp từng thời kỳ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối ngân sách.

Tin Cùng Chuyên Mục