Bộ Xây dựng: Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phụ trách mảng nhà ở, thị trường bất động sản

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mới đây đã ký quyết định phân công nhiệm vụ trong Lãnh đạo Bộ. Quyết định này quy định rõ nguyên tắc phân công và quan hệ công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Phân công nhiệm vụ trong Lãnh đạo Bộ Xây dựng

Theo quyết định, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công.

Cụ thể Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác bao gồm: Chỉ đạo chung việc xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của ngành Xây dựng; các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ; Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Chính phủ và Quốc hội; Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng; Công tác kế hoạch, chương trình công tác của Bộ; Công tác Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng cũng trực tiếp chỉ đạo Công tác tổ chức cán bộ; Tổ chức bộ máy; Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng; Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, Bộ trưởng còn trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Thanh tra Bộ; Vụ Quy hoạch - Kiến trúc. Theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng đối với các địa phương: TP Hà Nội và TP HCM.

Quyết định cũng phân công nhiệm vụ lãnh đạo của Thứ trưởng Lê Quang Hùng là thay mặt Bộ trưởng, chỉ đạo, điều hành công việc của Bộ theo ủy quyền của Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt.

Theo đó, Thứ trưởng giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng (bao gồm cả quản lý nhà nước về kinh tế xây dựng và chất lượng công trình xây dựng); Quản lý nhà nước lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật; phát triển đô thị; Công tác quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư do Bộ Xây dựng là chủ đầu tư; Công tác quản lý kinh tế xây dựng tại các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, các công trình trọng điểm quốc gia,...

Thứ trưởng Lê Quang Hùng.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng.

Ngoài ra Thứ trưởng còn phụ trách chung về hiệp hội, hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; Phụ trách chung công tác xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ; Phụ trách chung về công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư; Phụ trách chung về dự án ODA,...

Thứ trưởng cũng theo dõi, chỉ đạo hoạt động các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng; Cục Công tác phía Nam; Cục Kinh tế xây dựng; Cục Hạ tầng kỹ thuật; Cục Phát triển đô thị,... Theo dõi, phụ trách công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng đối với địa phương: 15 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và 18 tỉnh Nam Bộ.

Theo quyết định, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở, công sở; Quản lý nhà nước về thị trường bất động sản; Quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng,...

Thứ trưởng chỉ đạo hoạt động khối doanh nghiệp; công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp và thực hiện quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Bộ; thực hiện nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các Công ty mẹ - Tổng công ty do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước;  Công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; triển lãm và quảng bá công nghệ, sản phẩm của ngành Xây dựng; Các công việc có liên quan tới quản lý nhà nước của Ngành đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp,...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh.

Ngoài ra, Thứ trưởng trực tiếp giúp Bộ trưởng theo dõi công tác thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đối với Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng lương Cơ quan Bộ; Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Xây dựng; Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Xây dựng; Tham gia các Ban Chỉ đạo nhà nước, tổ chức phối hợp liên ngành khác liên quan đến các lĩnh vực phụ trách theo sự phân công của Bộ trưởng.

Theo dõi, chỉ đạo hoạt động các đơn vị thuộc Bộ cũng như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ, gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Vật liệu xây dựng; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Vụ Quản lý doanh nghiệp; Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Viện Vật liệu xây dựng, Trung tâm Thông tin; Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học xây dựng Miền Trung,...

Theo dõi, phụ trách công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng đối với các địa phương: 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng; 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ; 8 tỉnh Duyên hải Miền Trung và 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên.

Như vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh sẽ giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực nhà ở, công sở, thị trường bất động sản.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh sinh năm 1968, quê quán xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, là Tiến sỹ Kinh tế, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. 

Ông Nguyễn Văn Sinh từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Viglacera, Bộ Xây dựng; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng.

Mới đây liên quan đến tình hình sốt đất ảo trong 3 tháng đầu năm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu như việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của các địa phương chưa được công khai, minh bạch, dẫn đến việc lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao; lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức thấp; vướng mắc thủ tục về pháp lý dẫn tới nguồn cung nhà ở, bất động sản bị hạn chế và thiếu nguồn cung nhà ở xã hội.

Thứ trưởng đã nhanh chóng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục đầu tư, đặc biệt các thủ tục về giao đất, đầu tư xây dựng để các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do các doanh nghiệp thực hiện bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp trong thời gian tới quan tâm đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tính pháp lý và thực hiện việc kinh doanh, giao dịch kinh doanh bất động sản đúng quy định.

Tin Cùng Chuyên Mục