Bốn cá nhân chi hàng chục tỷ gom cổ phần OCB của Vietcombank

Theo Quang Thắng - Zing

4 nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký tham gia đấu giá số cổ phần OCB do Vietcombank sở hữu. Dự kiến giá trị tối thiểu của thương vụ đạt trên 28 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới đây đã có thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) sở hữu.

Hiện tại, đã có 4 nhà đầu tư cá nhân đăng ký tham gia đấu giá, với số lượng đăng ký mua lên tới 2,95 triệu cổ phần, gấp 2 lần lượng Vietcombank chào bán. Đây là số cổ phiếu thưởng mà Vietcombank được quyền nhận về trước khi thực hiện bán đấu giá hồi tháng 4 vừa qua.

Với giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần, dự kiến 1,48 triệu cổ phần OCB chào bán sẽ mang về cho Vietcombank không dưới 28 tỷ đồng. Phiến đấu giá dự kiến được tổ chức vào sáng 6/9 tới đây.

Trước đó, Vietcombank đã hai lần đấu giá số cổ phần tại OCB, lần đầu tiên là bán 70% số cổ phần tại đây vào cuối năm 2017. Trong lần đấu giá tiếp theo, lượng lớn nhà đầu tư đã tham gia với khối lượng đặt mua cao gấp 11 lần chào bán, giá trúng bình quân là 25.771 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi giá khởi điểm. Đợt chào bán cổ phần này giúp Vietcombank thu về 172 tỷ đồng.

Ngoài việc thoái hết vốn tại OCB, Vietcombank cũng có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại MBBank và Eximbank xuống dưới 5% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bốn cá nhân chi hàng chục tỷ gom cổ phần OCB của Vietcombank - Ảnh 1
 

Hiện tại, nhà băng này vẫn đang nắm giữ tới gần 8,2% vốn tại Eximbank và gần 7% vốn tại MBBank, ước tính giá trị thị trường của số cổ phần này lên tới gần 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, sau khi nhà băng này thoái vốn khỏi Saigonbank và Công ty tài chính xi măng, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng đã ước tính Vietcombank có thể thu gần 2.500 tỷ đồng tiền lãi từ việc thoái vốn tại 5 TCTD bao gồm cả OCB, Eximbank và MBBank.

Trong khi quá trình thoái vốn tại các TCTD đang thuận lợi thì Vietcombank lại gặp khó trong việc phát hành 10% cổ phần để tăng vốn. Chính lãnh đạo nhà băng này cũng cho biết việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phần cho đối tác không phải dễ dàng vì vướng nhiều quy định khác nhau.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết dù ngân hàng đã được phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu để tăng vốn nhưng trong quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là về cơ chế về giá khiến cho quá trình thương lượng vẫn chưa đạt được kết quả. Nguyên nhân là do giá bán vừa phải đảm bảo không thấp hơn giá định giá vừa không thấp hơn giá thị trường; trường hợp mua lô lớn nhưng phải giữ 1 năm.

Bốn cá nhân chi hàng chục tỷ gom cổ phần OCB của Vietcombank - Ảnh 2
Vietcombank đang gặp khó trong chuyện tăng vốn. Ảnh minh họa: Ngô Minh.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng xác suất để Vietcombank hoàn thành phát hành 10% cổ phần trong năm 2018 là rất thấp. Nguyên nhân do cổ phiếu VCB đang được giao dịch ở mức P/B khá cao so với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt khác, cùng với đó, người mua cổ phiếu phát hành thêm sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.

Cụ thể, ở mức giá giao dịch trung bình khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian gần đây, VCB đang giao dịch với mức P/B 2018 khoảng 3,6x, không thực sự hấp dẫn so với P/B của các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt khác. Bên cạnh đó, người mua cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.

"Hai yếu tố này khiến thương vụ phát hành riêng lẻ không thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tài chính. Do vậy, chúng tôi cho rằng xác suất để Vietcombank có thể phát hành được toàn bộ 10% vốn này trong năm 2018 là rất thấp", VDSC đánh giá.

Về kế hoạch thoái vốn, VDSC cũng cho rằng Vietcombank sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoái vốn khỏi MBBank và Eximbank so với kế hoạch trong năm 2018 của nhà băng này.

Tin Cùng Chuyên Mục