Bốn địa danh mới nổi trên "bản đồ" bất động sản

Ngay quý đầu năm 2021, thị trường bất động sản đã được “khuấy động” bởi hàng loạt các tên tuổi mới đang nóng sốt trên bản đồ địa ốc ba miền như Bắc Giang, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Long An.

Bắc Giang

Tại thị trường bất động sản phía Bắc, Bắc Giang đang là tâm điểm thu hút giới đầu tư khi ngày trong tháng 1, tình này dẫn đầu top 3 tỉnh thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Việt Nam với 5 dự án, cùng tổng vốn đầu tư đăng ký 562 triệu USD. 

Nổi bật nhất phải kể dự án nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd, đối tác của Apple để sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay với tổng vốn đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng. 

Không chỉ Foxconn, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đến khảo sát đầu tư tại Bắc Giang bao gồm Ja Solar Investment (Hong Kong) với dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam trị giá 4.848 tỷ đồng và nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore) với dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam trị giá 1.740 tỷ đồng.

Bên cạnh bất động sản công nghiệp, Bắc Giang còn trở thành đích ngắm bất động sản nghỉ dưỡng và khu đô thị của nhiều ông lớn như Vingroup, CapitaLand, tập đoàn Kosy, Eco City, Apec Group, FLC,… Chỉ tính trong tháng 1/2021, Bắc Giang đã có quyết định phê duyệt quy hoạch ba khu đô thị mới quy mô lớn trên địa bàn huyện Lục Ngạn bao gồm Khu đô thị mới phía Nam thị trấn Chũ, Khu đô thị mới phố Kép và Khu đô thị mới Trần Phú.

Ngay đầu năm, Bắc Giang đã thu hút 4 dự án FDI trị giá gần 13.000 tỷ đồng.
Ngay đầu năm, Bắc Giang đã thu hút 4 dự án FDI trị giá gần 13.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo thị trường 2020 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), nhiều tỉnh thành tại miền Bắc như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng được đánh giá tích cực đôi động, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong năm ngoái, Bắc Giang cũng là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. 

Thời gian tới, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ phát triển “bứt tốc” ở tỉnh này, trong đó khu vực sôi động nhất là Việt Yên - khu vực có khoảng 1.500 sản phẩm giao dịch thành công trong năm 2020, báo cáo của hiệp hội cho biết. 

Thanh Hóa

Theo Hội Môi giới, Thanh Hóa là tỉnh hiện có chính sách thu hút đầu tư rất hiệu quả nên dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, số lượng giao dịch bất động sản thành công ở địa phương vẫn lên đến con số hàng nghìn.  

Những doanh nghiệp lớn trên thế giới quy tụ về vùng này như Foxconn, AEON cùng với sự hiện diện của các công ty trong nước như Vingroup, FLC, Eurowindow, BRG, TNG... đã tạo diện mạo mới cho thị trường bất động sản Thanh Hóa. 

Cụ thể, tập đoàn Foxconn đã đề xuất đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử tại Thanh Hóa, quy mô khoảng 150 ha. Các nhà máy này dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 100.000-150.000 lao động, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm.

Trước đó hồi cuối năm ngoái, UBND tỉnh Thanh Hóa và công ty TNHH AEON Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ về việc thực hiện đầu tư dự án trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng vốn đầu tư 190 triệu USD.

Nhiều "ông lớn" trong nước cũng chi hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển siêu dự án bao gồm Quảng trường biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn trị giá 25.000 tỷ đồng của Sun Group, dự án khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, TP. Thanh Hóa quy mô 13.000 tỷ đồng của Eurowindow Holding, dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao ở huyện Ngọc Lặc quy mô 36.000 tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Thiện....

Tây Nguyên

Ở khu vực Tây Nguyên, Đăk Lắk, Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay Gia Lai đang trở thành “vũng trũng” đón làn sóng đầu tư của nhiều tập đoàn trong nước như T&T, Tân Thành Đô, Tân Á Đại Thành cũng như các nhà đầu tư cá nhân.

Hồi giữa tháng 3, đại diện các nhà đầu tư đã đề xuất 4 dự án mong muốn xây dựng tại Đắk Lắk bao gồm chuỗi các dự án dược liệu, bất động sản sinh thái, dự án điện mặt trời và đường cao tốc Buôn ma Thuột – Nha Trang với quy mô lên đến chục nghìn tỷ đồng.

Trước đó tập đoàn FLC đã nghiên cứu đầu tư tại Đăk Lak với nhiều dự án được đề xuất như Tổ hợp du lịch sinh thái vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái (huyện Cư M’gar), Khu đô thị sinh thái hồ Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột), Khu đô thị mới Tây Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột) và Khu đô thị mới đường Đông Tây.

Tập đoàn T&T cũng đề xuất đầu tư 5 “siêu dự án” tại tỉnh này trong năm 2021 bao gồm Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42ha); Dự án khu biệt thự Ea Kao (46,1ha); Khu sân Golf hồ Ea KaoKao (76,7ha) và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.

Tây Nguyên trở thành "vùng trũng" đón sóng đầu tư của nhiều ông lớn bất động sản.
Tây Nguyên trở thành "vùng trũng" đón sóng đầu tư của nhiều ông lớn bất động sản.

Theo Hội Môi giới Bất động sản, thị trường Tây Nguyên đang rất sôi động khi xuất hiện những tổ hợp khu đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản. Thống kê từ một số sàn giao dịch bất động sản cho thấy, những dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ đang dẫn dắt thị trường bất động sản Tây Nguyên với tỷ lệ hấp thụ đạt 70 - 80%.

Đặc biệt, dòng sản phẩm bất động sản cao cấp, tích hợp không gian sống hiện đại, gồm công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí… luôn nằm trong giỏ hàng “đắt” khách. Mức giá gia tăng của dòng sản phẩm này cũng duy trì ở mức cao và được dự báo sẽ tiếp tục đã tăng mạnh trong năm 2021.

Long An 

Tại khu vực phía Nam, Long An là điểm đến mới nổi của bất động sản công nghiệp trong bối cảnh TP HCM và Bình Dương đang ngày càng khan hiếm quỹ đất. Chuyên gia của Savills đánh giá tỉnh này đang nằm trong nhóm những tỉnh thành có tốc độ phát triển hàng đầu Việt Nam.

Trong quý I vừa qua, Long An dẫn đầu top 3 tỉnh thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,1 tỷ USD tại Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore).

Ngoài ra Long An hiện sở hữu đến 4 trong 13 dự án hạ tầng giao thông lớn, vừa được TP HCM khởi công vào tháng 4/2020 gồm cầu kênh A, kênh B, hệ thống thoát nước Hương Lộ 11 (Bình Chánh), đường Trần Văn Giàu (Bình Tân). Các công trình trọng điểm này sau khi hoàn thiện sẽ kéo giá bất động sản tăng mạnh, mở ra nhiều cơ hội sinh lợi cho giới đầu tư.

Hiện nay các dự án bất động sản ở Long An duy trì tỷ lệ hấp thụ bình quân khoảng 20%, một số dự án có tiềm năng tốt, có giá bán lên đến 21-26 triệu đồng/m², theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam.

Các chuyên gia cũng đánh giá bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc hưởng lợi trước, kéo theo đó là cơ hội phát triển bất động sản nhà ở hình thành quanh các khu công nghiệp nhờ phát sinh nhu cầu ở thực của người dân và chuyên gia.

2021- Năm của thị trường mới nổi lên ngôi

Đánh giá về xu hướng nhiều khu vực mới nổi lên trên bản đồ địa ốc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản cho biết những địa phương như Bắc Giang, Thanh Hóa, Tây Nguyên, Long An đang được hưởng lợi từ rất nhiều thông tin tích cực. 

So với những thị trường truyền thống như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng thì các tỉnh này có ưu thế về quỹ đất sạch, diện tích rộng lớn, giá bất động sản nhìn chung vẫn còn rẻ. Do đó trong xu thế các công ty dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc cũng như xu hướng đổ tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng, “bỏ phố về vườn” của các doanh nghiệp trong nước, đây đều là những cái tên được chú ý hơn cả.

Ở khu vực phía Bắc, Bắc Giang và Thanh Hóa đang được đẩy mạnh phát triển kinh tế khá tốt, không chỉ ở bất động sản công nghiệp mà phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng thu hút nhiều sự chú ý. Tại Tây Nguyên, Đắk Lắk cũng được xem là thị trường mới nổi rất đáng chú ý bởi vị trí đắc địa với quỹ đất rộng lớn, có thể kết nối với các vùng kinh tế lớn như Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang, Bình Định.

 

Đây là những vùng có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hoặc đầu tư chưa xứng tầm. Hiện nay mới ở giai đoạn bắt đầu được khơi dậy nên còn rất nhiều dư địa và cơ hội để phát triển hiệu quả", ông Đính cho biết. 

Trong khi đó những thị trường lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng ghi nhận mức giá bất động sản quá cao, rất khó để sinh lời nên hiện nay chỉ thu hút đầu tư dài hạn. Bởi vậy giới đầu tư đã chuyển sang những thị trường mới nổi lên với kỳ vọng giá trị bất động sản có thể gia tăng đáng kể trong ngắn hạn. 

"Với nhiều chính sách hỗ trợ , bài bản và tốc độ tăng giá bất động sản ấn tượng, những tên tuổi mới nổi như Bắc Giang, Thanh Hóa, Long An hoàn toàn có cơ sở và khả năng sánh ngang với những thị trường trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương trong 1-2 năm tới", ông Đính khẳng định. 

Tin Cùng Chuyên Mục