Bước vào "cuộc chiến" phát trực tuyến ở Đông Nam Á, nền tảng mới nổi của tỷ phú Hong Kong nhanh chóng vượt mặt Netflix

Selina Nguyễn

Dịch vụ phát video trực tuyến Viu có trụ sở tại Hong Kong gia nhập vào thị trường ở khu vực Đông Nam Á với tham vọng vượt qua gã khổng lồ Netflix và bắt kịp Disney trong cuộc chiến đầy khốc liệt này.

Viu là nền tảng phát trực tuyến video thuộc sở hữu của PCCW, một tập đoàn viễn thông Hong Kong do Richard Li, con trai của tỷ phú Li Ka-Shing đứng đầu. Viu đã cung cấp dịch vụ ở châu Á, Trung Đông, Nam Phi và hiện nay đang muốn tập trung chủ yếu vào thị trường Đông Nam Á.

Theo nghiên cứu của Media Partners Asia (MPA), số người dùng hoạt động hàng tháng của Viu đã đạt hơn 49 triệu vào cuối tháng 6, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này đã giúp Viu vượt qua Netflix, vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau Disney trong bảng xếp hạng những dịch vụ phát trực tuyến được yêu thích nhất ở khu vực Đông Nam Á, theo MPA.

Viu hiện có nhiều người dùng đăng ký hơn cả Netflix ở khu vực Đông Nam Á
Viu hiện có nhiều người dùng đăng ký hơn cả Netflix ở khu vực Đông Nam Á

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Viu đã có thêm 1,9 triệu thuê bao đăng ký trả phí trong tổng số 5,2 triệu người dùng ở khu vực Đông Nam Á.

Janice Lee, Giám đốc điều hành của Viu cho biết: “Nếu nhìn vào bối cảnh cạnh tranh, châu Á, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á đang trở thành một khu vực tăng trưởng quan trọng đối với bất kỳ công ty nào trong lĩnh vực công nghệ số".

Với các thị trường không có thói quen thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ như Đông Nam Á, Viu đã phát triển và mở rộng mạng lưới người đăng ký của mình theo một cách hoàn toàn khác. Đó là sự kết hợp của cả hai mô hình freemium và đăng ký thuê bao, cung cấp cả phiên bản miễn phí và trả phí, để kích thích nhu cầu giải trí đang ngày càng tăng cao của người tiêu dùng.

Ngoài ra, chiến lược về giá của Viu ở Đông Nam Á cũng đa dạng hơn. Cụ thể, phí đăng ký hàng tháng cho dịch vụ cao cấp dao động từ 1,99 USD đến 6,99 USD, cho phép người xem toàn quyền truy cập vào nội dung với đầy đủ các tính năng, kể cả tải xuống không giới hạn. Chi phí cho dịch vụ này không cố định mà tùy thuộc vào từng quốc gia nơi khách hàng truy cập dịch vụ.

Lee nói rằng, cấu trúc giá linh hoạt là chiến lược quan trọng và cần thiết để Viu nhanh chóng chiếm được thị phần trong khu vực. 

Đông Nam Á là thị trường vô cùng cạnh tranh và khán giả có nhiều lựa chọn. Để tranh giành thị phần, một nền tảng truyền phát không thể chỉ phụ thuộc vào các chương trình quốc tế. Họ phải có sự hòa hợp với nội dung địa phương để thu hút người xem địa phương đăng ký. Đó là lý do Viu đang đầu tư để tạo nội dung riêng cho từng thị trường như Indonesia và Thái Lan...

"Ngoài những bộ phim bom tấn đang thịnh hành, người dân ở khu vực cũng cần cập nhật thông tin hàng ngày bằng ngôn ngữ của họ. Và điều đó sẽ là một trọng tâm chính trong chiến lược phát triển của Viu", Giám đốc điều hành Janice Lee nhấn mạnh. 

Trong 18 tháng qua, người dân Đông Nam Á đã dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại và các thiết bị thông minh, do ảnh hưởng của đại dịch. Chính điều này đã tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng cho thị trường giải trí trực tuyến.

Theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co, tổng giá trị của mảng truyền thông trực tuyến năm 2020 đã tăng 20% lên 17 tỷ USD. Số lượt tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến cũng tăng mạnh, như ở Thái Lan là gấp 18 lần, ở Việt Nam là gấp 12 lần.

Không đứng ngoài cuộc, Disney cũng đã và đang thâm nhập sâu hơn vào khu vực, khi ra mắt dịch vụ phát trực tuyến Disney Plus ở Thái Lan vào tháng 6, sau khi triển khai thành công tại Malaysia, Singapore và Indonesia.

Netflix cũng đã tung ra gói thuê bao chỉ dành riêng cho điện thoại di động với chi phí rẻ hơn và chất lượng phù hợp với các smartphone ở một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Philippines.

Các chuyên gia nhận định, thị trường béo bở Đông Nam Á sẽ trở thành chiến trường của cả Netflix, Disney và Viu. Cả 3 ông lớn trong lĩnh vực giải trí trực tuyến đều đang tập trung vào các sản phẩm “mang hơi thở của địa phương” để lôi kéo người dùng, tranh giành thị phần tại thị trường đầy tiềm năng này.  

Theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể tăng 3 lần vào năm 2025, đạt 300 tỷ USD so với năm 2020.

Tin Cùng Chuyên Mục