Các doanh nhân Việt từng lên núi ở ẩn, lúc trở về mang theo hàng loạt triết lý sống và làm việc càng ngẫm càng thấm

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Khi sự nghiệp đang thăng hoa, có không ít doanh nhân Việt đột ngột dừng lại tất cả để lên núi đi tu. Nhiều người cho rằng đây là quyết định liều lĩnh và có phần "gàn dở", nhưng đối với họ, đó là quãng thời gian để tìm lại bản thân, xác định con đường đi đúng đắn cho mình sau này.

Lê Phước Vũ - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG)

Từ một cơ sở cơ sở bán lẻ tôn, ông Lê Phước Vũ đã xây dựng thành công một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành thép sau 7 năm tích lũy. Tuy nhiên, ông Vũ sẽ chính thức chia tay Hoa Sen vào năm 2026 để xuất gia.

Trước đó, vị đại gia đã có thời gian ở ẩn trên núi và điều hành tập đoàn từ xa, thậm chí còn thực hiện nghi lễ Quy y Tam bảo vào tháng 7/2020. Mỗi tháng ông chỉ ghé tập đoàn 2 lần, mỗi lần 2 tiếng.

"Chắc chắn sau đó tôi sẽ xuất gia. Đây là ước mong từ năm 30 tuổi", ông khẳng định.

Tinh thần Phật giáo cũng tác động rõ rệt đến phương châm kinh doanh của vị đại gia này. Trong ông vừa có cái chất mạnh mẽ của doanh nhân, vừa có sự điềm tĩnh của cư sĩ. "Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người", ông Lê Phước Vũ nói.

Các doanh nhân Việt từng lên núi ở ẩn, lúc trở về mang theo hàng loạt triết lý sống và làm việc càng ngẫm càng thấm - Ảnh 1

Chính vì vậy, phương châm kinh doanh của ông Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con người.

Ông Lê Phước Vũ kiên định phát triển Hoa Sen dựa trên ba giá trị cốt lõi: Trung thực - Cộng đồng - Phát triển. Ngay cả logo của doanh nghiệp này cũng thấm nhuần triết lý Phật giáo. Tám cánh hoa biểu trưng cho Bát chính đạo của nhà Phật.

Trong công việc, ông Vũ cũng rất nghiêm khắc với nhân viên. Vị đại gia này hướng tới xây dựng một môi trường quản trị chuyên nghiệp theo nguyên tắc "10 chữ T": Trung thực – Trung thành – Tận tụy – Trí tuệ – Thân thiện.

"Tôi là Phật tử thực sự. 'Gặp' Đức Phật là nhân duyên lớn nhất trong đời tôi. Đó là một giá trị vô giá, từ giá trị đó tôi tạo ra giá trị vật chất", ông nói.

Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên

Từng được National Geographic và Forbes vinh danh là "Vua cafe Việt Nam", doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cùng gia đình đã đưa thương hiệu "Cà phê Trung Nguyên" vươn ra thế giới.

Cuối năm 2013, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạm dừng công việc, lên núi M’đrắk (Đắk Lắk) tu tập. Vị đại gia này đã nhịn ăn, chỉ uống nước mè đen và ngồi thiền trong 49 ngày. Ông cho biết, mình cần khoảng thời gian tịnh tâm, giúp tinh thần minh mẫn để nghĩ đại sự.

Sau 5 năm tập thiền, vị doanh nhân này bất ngờ trở về, tuyên bố muốn đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu. Ông tự xưng là "Qua", ăn mặc như tu sĩ, cổ quấn khăn rằn.

Trong phiên tòa xử ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo năm 2019, ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên tục bày tỏ những triết lý về kinh doanh và tiền bạc.

"Kinh tế, bản chất của nó một người có tầm sẽ hiểu là kinh bang tế thế, mình phụng sự cộng đồng bằng trách nhiệm, bằng trái tim của mình thì cộng đồng mới có cảm tình, trách nhiệm một chút, họ mới mua dịch vụ, mua sản phẩm của mình, dù gián tiếp nhưng nó lâu bền. Chứ không phải mình khuyến mãi gì đó hết đợt này đến đợt khác", ông khẳng định.

Các doanh nhân Việt từng lên núi ở ẩn, lúc trở về mang theo hàng loạt triết lý sống và làm việc càng ngẫm càng thấm - Ảnh 2

"Như xe cộ, mua vẫn còn đó đâu có mất đi, 500 tỷ, 700 tỷ hay 1000 tỷ thì nó vẫn còn tài sản đó. Cái đó là thông minh, phải có trí tuệ chứ không phải chiết khấu rồi 1 năm nó biến mất".

Về chuyện tiền bạc, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bày tỏ tiền với quyền không để làm gì. "Bao nhiêu năm nay tôi không còn quan tâm đến chuyện tiền bạc. Tiền nhiều để làm gì để ngày hôm nay phải ngồi như thế này?"

Đối với chuyện nợ nần, ông chủ Trung Nguyên cũng rất sòng phẳng. "Người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn", ông nói.

"Tôi nói với quý nhân của mình rằng, tôi nợ họ, nợ trọn đời này. Cái nợ ấy không còn đơn giản là nợ vật chất nữa Nếu tôi không đủ tiền để trả thì tôi sẽ trả bằng sự trung thành của mình, bằng sự tận tụy của mình, thậm chí bằng cả máu và nước mắt."

Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Thái Hà Books

Trở thành triệu phú USD ở tuổi 26, lại có kinh nghiệm 12 năm làm quản lý ở FPT trước khi mở công ty sách, Nguyễn Mạnh Hùng là cái tên được nhiều người ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông còn là Phật tử có pháp danh Thiện Đức. Ông bước chân vào con đường tu tập ở tuổi 30, từ đó lĩnh hội không ít triết lý Phật pháp sâu sắc để áp dụng vào việc kinh doanh.

"Là doanh nhân tu tập, tôi biết rằng khó khăn, thất bại là cơ hội để làm lại, để vươn lên. Tôi hiểu rằng ngay cả khi bị sự cố dù lớn đến đâu cũng còn may mắn hơn hàng triệu người khác và cơ hội bắt đầu lại từ đầu cũng vẫn rất lớn. Thế rồi bình tâm trở lại, bình tĩnh đi làm, tư duy tích cực, tĩnh tâm nghĩ ra những cách làm mới tốt hơn, chắc chắn hơn", ông nói.

Vị doanh này cho biết, thiền cũng là một cách để khai mở tư duy sáng tạo hiệu quả. "Ngồi thiền, ý tưởng mới và lạ cứ thế tuôn ra. Ghi lại và triển khai. Lúc đó tớ mới hiểu tại sao Bill Gates, Steve Jobs… lại sang Ấn Độ học thiền; tại sao tập đoàn Google tại có phong trào thiền cho cả tập đoàn", ông Hùng chia sẻ.

Các doanh nhân Việt từng lên núi ở ẩn, lúc trở về mang theo hàng loạt triết lý sống và làm việc càng ngẫm càng thấm - Ảnh 3

Giống như Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, ông Hùng cũng không còn đặt nặng chuyện làm giàu sau khi thiền. Theo ông, tiền bạc là vật ngoài thân, chết cũng không thể mang theo.

"Tài sản lớn nhất của tôi bây giờ không phải là nhà, xe, hư danh, hay bằng cấp, vị trí CEO... Tài sản lớn nhất là tình yêu thương, mà khó nhất là yêu thương kẻ thù của mình.", ông Hùng cho biết.

Vị doanh nhân này cũng tâm sự rằng sứ mệnh của ông là sẻ chia. Ông thành lập Thái Hà Books cũng chính là vì muốn phục vụ xã hội và cộng đồng, khai mở trí tuệ và tâm hồn của con người.

"Đức Phật dạy chúng ta 2 từ là yêu thương và trí tuệ. Chỉ cần thực hành được cả hai điều này thôi ai ai cũng sẽ hạnh phúc, mọi việc sẽ tuyệt vời", ông nói.

Võ Trọng Nghĩa - KTS sáng lập VTN Architects

Nhắc đến kiến trúc mà không nhắc đến Võ Trọng Nghĩa là một thiếu sót. Vị KTS này là gương mặt tiên phong về kiến trúc xanh, từng đoạt vô số giải thưởng ở cả trong nước lẫn quốc tế.

Năm 2017, nhiều người ngỡ ngàng khi biết Võ Trọng Nghĩa lựa chọn từ bỏ hết tất cả ở Việt Nam và đưa vợ con sang Myanmar tu tập. Tuy nhiên, đối với anh, thiền là cái phước giúp công việc thêm thăng hoa. Anh cho rằng phải chuyên tâm tu tập thì mới nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay.

"Thiền tốt thì sẽ học kiến trúc rất nhanh, không phải là nhanh so với người khác mà là nhanh hơn so với chính mình", anh giải thích. "Một người làm việc gì đó mất 3 đêm nhưng sau khi thiền lại chỉ mất 3 tiếng, chứng tỏ họ đã trở nên siêu việt hơn rất là nhiều so với chính bản thân".

Mỗi ngày, Võ Trọng Nghĩa chỉ có thể làm việc từ 10-30 phút, thời gian còn lại dùng để thiền. Ngay chính tại công ty của mình, anh cũng luôn khuyến khích nhân viên hành thiền 2 tiếng/ngày vì thói quen này rất tốt cho việc sáng tạo kiến trúc.

Các doanh nhân Việt từng lên núi ở ẩn, lúc trở về mang theo hàng loạt triết lý sống và làm việc càng ngẫm càng thấm - Ảnh 4

Vị KTS này quan niệm: "Xã hội bớt khổ đau và hạnh phúc hơn bắt đầu từ những người giữ giới". Anh và các cộng sự giữ 5 giới: không nói dối, không trộm cắp, không sát sinh, không tà dâm, không uống bia rượu và chất gây nghiện.

Võ Trọng Nghĩa giải thích, giữ giới sẽ giúp con người rèn luyện tĩnh tâm, khiến suy nghĩ thêm trong sáng, trong sáng mới làm được ra những thứ đơn giản, nhẹ nhàng. Nhờ vậy, anh cùng các thành viên trong công ty chỉ mất 3-5 phút để sáng tạo ý tưởng thiết kế mới.

Võ Trọng Nghĩa cũng khuyên mọi người nên duy trì lâu dài đủ 5 giới này để giảm bớt đa khổ, nhất là trong cuộc sống có phần ngột ngạt như hiện tại.

"Bây giờ ô tô có chạy đầy đường, chúng ta có hạnh phúc hơn không? Chưa chắc", anh nói. "Không cần phải nói dối để kiếm nhiều tiền hơn. Không cần bia rượu để kiếm nhiều tiền hơn. Không cần sát sinh để kiếm nhiều tiền hơn", anh kết luận.

Nguyễn Văn Trường - chủ Công ty Xây dựng Xuân Trường

Trong số các doanh nhân theo con đường tu tập, Nguyễn Văn Trường có lẽ là người kín tiếng nhất. Thế nhưng, ông lại chính là người đứng sau một loạt dự án tâm linh đồ sộ, bao gồm Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính, Khu du lịch Hồ Núi Cốc và chùa Tam Chúc.

Vị đại gia này ít khi xuất hiện trước truyền thông, không chia sẻ nhiều về đời tư của mình. Mọi người chỉ biết ông luôn một lòng hướng về Phật, ăn chay trường suốt nhiều năm liền.

Ông Trường cũng nổi tiếng với câu nói: "Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý".

Các doanh nhân Việt từng lên núi ở ẩn, lúc trở về mang theo hàng loạt triết lý sống và làm việc càng ngẫm càng thấm - Ảnh 5

Với triết lý đó, doanh nhân này đã không tiếc tiền xây các công trình để đời, như là một cách để lưu lại tên tuổi của mình.

Năm 2010, ông Trường đích thân sang Ấn Độ đón xá lợi về Việt Nam, dù phải bỏ ra tới 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ VNĐ). Ông cũng chuẩn bị sẵn 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở xá lợi cùng các cao tăng từ sân bay Nội Bài về Ninh Bình.

"100.000 USD để cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam rước xá lợi Phật về hay là hàng triệu USD cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật", ông nói.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục