Các nền kinh tế lớn thế giới 'ngắc ngoải' qua dịch Covid-19

Đỗ Trang

Ngày 9/3, báo cáo của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã chỉ ra Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thất 1.000-2.000 tỉ USD trong năm nay. Đây có thể là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Hiện Covid-19 đã lây lan trên 100 quốc gia.

Các nền kinh tế lớn thế giới 'ngắc ngoải' qua dịch Covid-19 - Ảnh 1

Covid-19 đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng

Chứng khoán “tụt dốc” cùng giá dầu thô

Cụ thể, theo UNCTAD, những nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là những quốc gia đang bùng phát dịch Covid-19, những nước có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc và những quốc gia phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu thô và những mặt hàng khác. Tình trạng dịch bệnh kéo dài sẽ đẩy một số quốc gia vào tình trạng suy thoái kinh tế, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, thậm chí có thể xuống dưới 2,5% - ngưỡng suy thoái của kinh tế thế giới.

Từ đầu năm, chỉ trong vài tháng, chỉ số các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu, châu Á và Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng. Ngày 9/3 vừa qua được coi là “ngày thứ hai đen tối” khi chỉ số chứng khoán của châu Âu sụt giảm tới mức đáng báo động. Chỉ số thị trường Franforct đã sụt giảm đến 7,94%; thị trường Luân Đôn cũng bị mất 7,69%, còn Paris mất đến 8,39%. Mối lo ngại tái diễn khủng hoảng tài chính nay đã lan ra toàn cầu, chứ không phải riêng châu Âu.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng có một ngày 9/3 tồi tệ với các chỉ số NYSE, S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt giảm 8%, 7,6%, 7,3% và 7,8%. Nhiều công ty đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ doanh thu sụt giảm, trong đó có Apple, Standard Chartered, HSBC... Theo chân là các thị trường châu Á và vùng Vịnh. Đây là những con số còn tồi tệ hơn năm 2008 – thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đồng thời, Covid-19 đang làm “câm lặng” nền kinh tế Trung Quốc – quốc gia chiếm 20% GDP toàn cầu. Nước Ý – một thành viên trong nhóm G7, cũng tổn hại nghiêm trọng khi buộc phải tự cách ly, hạn chế đi lại đối với 60 triệu dân của mình.  

Một chỉ số cũng chỉ rõ nền kinh tế thế giới là giá dầu toàn cầu đang sụt giảm nghiêm trọng. Trong tuần, giá dầu ở Luân Đôn cũng như ở New York đã sụt đến 25%, mức sụt giảm nặng nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ngày 5/3, đại diện các nước thành viên OPEC gặp nhau tại Vienna (Áo) đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày và tiếp tục kéo dài mức cắt giảm hiện tại là 2,1 triệu thùng, dự kiến hết hạn vào tháng 3/2020.

Tuy nhiên, nước Nga, quốc gia sản xuất dầu đứng hàng thứ hai thế giới hiện nay đã không chấp nhận đề nghị này. Bất đồng này đã khiến giá dầu sụt 10% ngay ngày hôm đó. Đáng chú ý, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng đã đưa ra  dự báo năm nay nhu cầu dầu hỏa của thế giới sẽ sụt giảm lần đầu tiên từ năm 2009, cụ thể là mỗi ngày sẽ giảm 90 ngàn thùng so với năm 2019. Kịch bản xấu nhất, nếu các vùng bị dịch mất nhiều thời gian hơn để phục hồi và dịch bệnh lan rộng hơn nữa trên thế giới, nhu cầu dầu hỏa có thể sụt đến 730 ngàn thùng/ngày – ngưỡng tiêu thụ rất thấp.

Các nền kinh tế lớn thế giới 'ngắc ngoải' qua dịch Covid-19 - Ảnh 2

Giá cổ phiếu giảm mạnh

“Công xưởng toàn cầu” bị tê liệt 

Theo Bloomberg, vài tuần trước nhiều nhà kinh tế Trung Quốc và quốc tế còn lạc quan nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 bị kiềm chế. Tuy nhiên, “công xưởng thế giới” Trung Quốc vẫn đang lao đao vì dịch Covid-19. Bloomberg Economics ước tính nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ vận hành ở mức 60-70% trong tuần này, tăng so với mức 50-60% của tuần trước. 

Theo Tạp chí Forbes, phụ thuộc Trung Quốc làm trung tâm sản xuất đang trở thành một “con dao hai lưỡi” đối với nền kinh tế toàn cầu. Đó là khi hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc vẫn “im lìm”, hàng chục triệu công nhân nước này phải ở nhà, các chuỗi cung ứng bị cắt đứt, du lịch và thương mại bị tê liệt. Như vậy, khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn lâu dài, thiệt hại kinh tế không thể đo, đếm được. Đơn cử, một số biểu hiện đã xảy ra: nhóm hãng sản xuất ô tô và nhà máy hóa chất Trung Quốc bị đóng cửa hàng loạt; lao động ngành công nghệ thông tin vẫn chưa được đi làm; nhiều hãng vận tải và hậu cần cũng bị “đóng băng”; một loạt dây chuyền liên quan tới các ngành phụ tùng xe hơi, điện tử, y tế sẽ phải “câm lặng” trong nhiều tháng tới.

Nói cách khác, nguồn cung nguyên vật liệu và linh phụ kiện đầu vào sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang thiếu hụt, chỉ đủ sản xuất trong vài tháng tới. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành ở nhiều quốc gia phải tạm dừng sản xuất là rất lớn.

Các nền kinh tế lớn thế giới 'ngắc ngoải' qua dịch Covid-19 - Ảnh 3

Nền kinh tế thế giới đang tụt dốc

Trên thực tế, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hàng loạt tập đoàn bắt đầu di dời một phần dây chuyền sản xuất tới các nước khác như Ấn Độ, Mexico, Albania,  Bangladesh, Thái Lan, Việt Nam…  Tuy nhiên, phải đến dịch Covid-19 xảy ra, vị trí “công xưởng thế giới” của Trung Quốc mới hoàn toàn bị lung lay. Dù vậy, việc lựa chọn một quốc gia sản xuất mới vẫn là bài toán nan giải. Không nền kinh tế nào đủ sức thiết lập hệ thống hậu cần toàn diện và có quy mô lớn như Trung Quốc hay đưa ra mức thuế ưu đãi như Trung Quốc. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán kinh tế thế giới có thể phục hồi mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2021 nếu tình hình dịch Covid-19 tại những quốc gia khác không nghiêm trọng và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu virus lây lan khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay có thể rơi xuống mức 1,5%. Do đó, các biện pháp ứng phó phải được đưa ra càng sớm càng tốt.

Trước tình hình kinh tế thế giới đang “tụt dốc”, các lãnh đạo châu Âu - Mỹ  và các tổ chức tài chính như Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế… đều đã vào cuộc kêu gọi các biện pháp huy động ngân sách để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ kinh tế.  Tại Mỹ, nỗi lo về Covid-19 buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp nhóm họp trong ngày 10/3 để bàn về các biện pháp quyết liệt  nhằm “xoa dịu” tác động của dịch bệnh đối với kinh tế đất nước. Các biện pháp này có thể bao gồm cắt giảm thuế thu nhập, hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng cũng như những lao động hưởng lương theo giờ để bảo đảm họ không mất thu nhập vì dịch bệnh đang lây lan trên khắp cả nước.  

Các nền kinh tế lớn thế giới 'ngắc ngoải' qua dịch Covid-19 - Ảnh 4

Nhiều công ty đa quốc gia phải “quay lưng” với Trung Quốc để tìm thị trường cung ứng mới

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản hôm 10/3 công bố gói các biện pháp hỗ trợ thứ hai trị giá 4 tỉ USD để đối phó với tác động của dịch Covid-19. Theo Reuters, các biện pháp này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng ngày, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết Chính phủ ông sẽ sớm thông báo các biện pháp kích thích nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Theo ông Morrison, tác động của Covid-19 có thể còn “lớn hơn” cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dù ông Morrison không cung cấp chi tiết, báo The Australian Financial Review tiết lộ Canberra đang lên kế hoạch triển khai các biện pháp cứu trợ kinh tế trị giá khoảng 6,6 tỉ USD, đồng thời từ bỏ một số kế hoạch hướng tới thặng dư ngân sách trong năm tài chính hiện tại. 

Ngày 10/3, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ra tuyên bố về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với Covid-19. Trong đó có các giải pháp tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tiếp tục hoạt động; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là các hàng rào cản trở dòng chảy hàng hoá và dịch vụ trong chuỗi cung ứng và tránh áp dụng các biện pháp phi thuế quan mới và không cần thiết…

Các chuyên gia trên thế giới dự đoán “nguy cơ kinh tế trượt dốc là rất lớn”, dù rằng vẫn có một số dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế thế giới sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, có thể thấy những ưu tiên hàng đầu hiện nay tại hầu hết các quốc gia là phải hy sinh quyền lợi kinh tế, đặt an toàn của quốc gia lên hàng đầu, trước con virus mang tên SARS-CoV-2. Như vậy, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, song hành cùng các kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch là những nỗ lực của ngành y tế toàn cầu điều chế ra liều thuốc đặc trị với dịch bệnh. Thiết nghĩ, đến lúc đó, nền kinh tế toàn cầu vẫn chỉ là một viễn cảnh ảm đạm. Điều này đặt ra yêu cầu các quốc gia phải phối hợp với nhau cùng đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Tin Cùng Chuyên Mục