Các ngân hàng đang cho vay chủ yếu ở phân khúc nào?

Văn Tuệ

Theo VNDirect, VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất. VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm qua.

Theo  công ty chứng khoán Mirae Asset, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) cố gắng giảm tỷ trọng dư nợ doanh nghiệp trong năm 2022 nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống. Tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ của ngành ngân hàng cũng tăng 5% trong năm 2022 lên mức 51%. Xu hướng này có thể được nhìn thấy rất rõ ở BIDV và VietinBank. Cụ thể, các khoản cho vay mới thuộc phân khúc bán lẻ lần lượt chiếm 71% và 77% trong tổng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này trong năm 2022.

Còn theo VNDirect, VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất. VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm qua.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, trong năm 2022, ngân hàng này có 210 nghìn tỷ cho vay bán lẻ chiếm tỷ trọng 90% tổng dư nợ. Trong đó, 50% dư nợ cho vay bán lẻ dành cho hoạt động cho vay mua nhà ở; cho vay sản xuất  kinh doanh chiếm tỷ trọng 18-19%; dư nợ cho vay ô tô 18-19%; cho vay hộ kinh doanh 17%; thẻ tín dụng 7%; còn lại cấp tín dụng cho sửa chữa nhà, cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm.

Các ngân hàng đang cho vay chủ yếu ở phân khúc nào? - Ảnh 1

Không chỉ chuyển sang đẩy mạnh cho vay bán lẻ, danh mục tín dụng khách hàng pháp nhân của các nhà băng cũng đã được cơ cấu lại theo hướng tăng cường phục vụ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Theo  bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế t, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với SME tăng 14,17%, luôn cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNVVN tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Đại diện ngân hàng có dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều nhất trong nền kinh tế, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, đến nay, ngân hàng này có 20 nghìn khách hàng SME, tổng dư nợ trên 325 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, ông Trần Phương thì cho hay, dư nợ tín dụng năm 2022 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là 329 nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 40% trên tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp và 24% tổng dư nợ của ngân hàng.

Đại diện các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, ACB cũng chung khẳng định doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng ưu tiên và các ngân hàng đã và đang dành nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cũng như cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ khách hàng.

Theo các chuyên gia, thời gian tới doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng khách hàng cá nhân sẽ tiếp tục là hai đối tượng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu cho vay của ngân hàng. Cuộc đua cạnh tranh bán lẻ sẽ trở nên gay gắt hơn, khi số lượng nhà băng có tỷ trọng bán lẻ trên 50% dư nợ đang nhiều hơn và sự tham gia của các ông lớn cũng đang tích cực hơn. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng chuẩn bị tốt về công tác chuyển đổi số, chất lượng dịch vụ sẽ có lợi thế hơn so với nhóm còn lại.

Tin Cùng Chuyên Mục