Các ngân hàng nhỏ làm ăn thế nào trong 6 tháng đầu năm nay?

Theo Hằng Kim/Trí Thức Trẻ

Những ngân hàng lớn vẫn tiếp tục báo lãi ngày càng lớn nhưng ngân hàng nhỏ thì không như vậy...

Các ngân hàng nhỏ làm ăn thế nào trong 6 tháng đầu năm nay? - Ảnh 1

 

Mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên 2019 đã bắt đầu. Đến thời điểm này đã có trên dưới chục ngân hàng công bố báo cáo tài chính chính thức, hoặc công bố kết quả kinh doanh qua buổi sơ kết hoạt động 6 tháng.

Trong số đó, những ngân hàng lớn vẫn tiếp tục báo lãi ngày càng lớn, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục của họ trong bán niên, có thể kể đến như Vietcombank, TPBank, MB ACB, và VIB, một số ngân hàng khác cũng lãi nghìn tỷ như HDBank, Sacombank...Một điểm chung của nhóm này là kết quả đều tăng trưởng dương đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm ngân hàng nhỏ, kết quả kinh doanh lại không lạc quan như nhóm ngân hàng lớn. Đến thời điểm này mới chỉ có VietBank công bố kết quả lợi nhuận tốt hơn, trong khi Kienlongbank và BacABank đạt tương đương cùng kỳ còn Saigonbank và PGBank đều chứng kiến sự sụt giảm.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 148 tỷ đồng, chỉ tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý 2 giảm nhẹ 4,5% so với cùng kỳ đạt 74 tỷ. Nguyên nhân khiến lợi nhuận không có sự bứt phá là chi phí hoạt động tăng mạnh, dẫu cho thu nhập từ hoạt động của nhà băng này có cải thiện.

Tại thời điểm cuối quý 2/2019, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 47.670 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 5,3% tương đương với 1.544 tỷ lên 30.761 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng của nhà băng cũng tăng 5,3% đạt 30.759 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,15% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, với số tuyệt đối là 357 tỷ đồng.

Ở Ngân hàng Saigonbank, do đang trong giai đoạn tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nên hoạt động kinh doanh thời gian qua sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần 316 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ; Các hoạt động kinh doanh khác cũng sụt giảm, cộng thêm chi phí hoạt động lại gia tăng 3% khiến lợi nhuận thuần ở mức 132,6 tỷ đồng, giảm 30%.

Nhờ giảm tỷ lệ trích lập dự phòng đáng kể so với cùng kỳ nên lợi nhuận trước thuế của Saigonbank chỉ còn giảm 21%, xuống đạt 88 tỷ đồng. Song đáng chú ý, quý 2 lợi nhuận của ngân hàng chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng - là quý giảm thứ 2 liên tiếp.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 21.291 tỷ đồng, tăng 4,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay ở mức 14.181 tỷ đồng, tăng 3,73%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,25%.

BacABank thì công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 436 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn 2 tỷ so với mức đạt được cùng kỳ.

Tổng thu nhập hoạt động của Bac A Bank sụt giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ hoạt động mua bán chứng khoán và lãi từ hoạt động khác kém khả quan hơn, chỉ lãi lần lượt là 0,8 tỷ và 17,6 tỷ, sụt giảm tới 99% và 77% so với cùng kỳ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng sụt giảm 19%, đạt 7 tỷ; thu nhập góp vốn mua cổ phần giảm 41% chỉ đạt 6 tỷ. Thu nhập lãi thuần có tăng trưởng nhưng không ấn tượng với mức tăng 5,7% đạt 943 tỷ đồng. Điểm sáng lớn nhất là lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 54 tỷ, tăng 80%.

Do sự sụt giảm trong tổng thu nhập hoạt động nên mặc dù chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 9,2% lên 477 tỷ, chi phí dự phòng thậm chí giảm mạnh 46% xuống còn 114 tỷ trong 6 tháng đầu năm nhưng lợi nhuận cũng chỉ ở mức tương đương cùng kỳ, như đã đề cập ở trên.

Đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Bac A Bank đạt hơn 100 nghìn tỷ, tăng 5,1% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,3% đạt 68.622 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 6,2% đạt 77.034 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,72%.

PGBank - ngân hàng đang trong giai đoạn chờ sáp nhập HDBank, cũng đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2 chỉ đạt 8 tỷ, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và uỹ kế 6 tháng đầu năm 2019 đạt 94 tỷ, giảm 5% so với cùng kỳ.

Phần lớn các mảng kinh doanh của PGBank kém khả quan hơn trong 6 tháng qua. Trong đó thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 1% chỉ đạt 430 tỷ; lãi từ dịch vụ giảm 19% xuống còn 16 tỷ; lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 8% xuống mức 26 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6, tổng tài sản ở PGBank là 28.211 tỷ đồng, giảm 5,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 1,2% lên 22.080 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN sụt giảm mạnh 70% xuống 580 tỷ. Huy động tiền gửi khách hàng của PGBank sụt giảm 7,8% xuống còn 21.519 tỷ.  Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,96% lên 3,06%.

VietBank là ngân hàng nhỏ duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng tốt về lợi nhuận khi 6 tháng đạt 250 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng không chỉ nhờ một số hoạt động tích cực mà còn nhờ giảm trích lập dự phòng tới 84% so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 590 tỷ, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ có lãi gần 13 tỷ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác tăng hơn 4,5 lần và đạt 59 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, lần lượt có lãi 8 tỷ và 51 tỷ, giảm 32% và 66% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động của VietBank đạt 721 tỷ, giảm nhẹ so với mức 725 tỷ đạt được cùng kỳ.

Chi phí hoạt động tăng 17% lên 450 tỷ. Trong khi đó, chi phí dự phòng sụt giảm 84% xuống còn 21,5 tỷ. Cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của nhà băng tăng 9,5% đạt 56.603 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,8 tỷ đạt 37.242 tỷ; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,14%. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 7,3% đạt 42.771 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục