Các thương vụ mua lại ở châu Á chạm mốc kỷ lục 46,5 tỷ USD trong quý I

Như Quỳnh

Sau hai năm chậm lại vì đại dịch, thị trường đầu tư tư nhân khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bắt đầu khởi sắc trở lại.

Các giao dịch mua lại ở châu Á đã tăng lên mức kỷ lục trong quý đầu tiên. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo làn sóng này sẽ không kéo dài, một phần do việc Trung Quốc siết chặt giãn cách xã hội vì Covid-19. 

Theo dữ liệu từ Refinitiv, giá trị các thương vụ sáp nhập công ty cổ phần tư nhân châu Á đã đạt 46,5 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2022, tăng 340% so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Bất chấp nhiều bất ổn và căng thẳng địa chính trị, nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm được các thương vụ hấp dẫn ở châu Á”,  Kiki Yang, giám đốc đầu tư cổ phần tư nhân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Bain & Company cho biết.

Giá trị các thương vụ mua lại trong quý I từ năm 2011 - 2022 (đơn vị: tỷ USD). Ảnh: FT. 
Giá trị các thương vụ mua lại trong quý I từ năm 2011 - 2022 (đơn vị: tỷ USD). Ảnh: FT. 

Đầu tháng 3, EQT (Thụy Điển) đồng ý mua Baring Private Equity Asia (Hong Kong) với giá 7,5 tỷ USD. Vào ngày 1 tháng 4, PAG - một trong những công ty cổ phần tư nhân lớn nhất trong khu vực với khối tài sản quản lý 50 tỷ USD, đã đệ trình một đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hong Kong, dự kiến huy động tới 2 tỷ USD. Việc niêm yết PAG giúp các tập đoàn tư nhân tiếp tục là điểm sáng hiếm hoi trong thị trường chứng khoán châu Á thời gian gần đây.

Sự bùng nổ các giao dịch mua lại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra sau một năm hoạt động đầu tư sôi nổi trong khu vực. Theo một báo cáo do Bain & Company công bố hôm 30 tháng 3, ước tính giá trị các khoản đầu tư cổ phần tư nhân ở châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 300 tỷ USD vào năm 2021. 

Số vốn mà các nhà đầu tư tư nhân thu hồi được cũng tăng trở lại sau 2 năm giảm mạnh, với giá trị tăng hơn gấp đôi lên 172 tỷ USD trong khi vốn chờ giải ngân tăng chạm mốc 650 tỷ USD. 

Các chuyên gia nhận định tăng trưởng trong đầu tư khu vực tư nhân năm 2021 là do tồn đọng từ năm 2020. Đại dịch khiến nhiều giao dịch bị đình trệ và nhà đầu tư thì chờ đợi các điều kiện bình thường hóa, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi trong khu vực. 

Kiki Yang cho biết bà “lạc quan một cách thận trọng” về triển vọng phát triển trong khu vực tư nhân châu Á trong quý tới. Tuy nhiên bà cũng không giấu lo ngại rằng thị trường cổ phần tư nhân ở Trung Quốc có thể mất đà tăng trưởng do các đợt giãn cách ngày càng phức tạp hơn. 

Tin Cùng Chuyên Mục