"Cái giá" cho 20 triệu khách hàng của Momo là những khoản lỗ triền miên

Quỳnh Chi

Cũng như thương mại điện tử, thanh toán trở thành cuộc đua "đốt tiền" để kéo khách hàng. Và Momo - doanh nghiệp đang đứng đầu mảng thanh toán, chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vì cuộc đua này.

"Quán quân" thị trường ví điện tử Việt Nam

Ra mắt cách đây 10 năm, Momo là ví điện tử được quản lý và vận hành bởi Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service). 5 năm đầu, Momo phát triển một cách tương đối chậm, một phần do thói quen tiêu dùng của người dân vẫn chủ yếu là sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, số người dùng ví điện tử này tăng trưởng nhanh. Năm 2015, lượng người dùng ví MoMo ở mức 1 triệu người dùng, thì sau 5 năm, con số này đã tăng gấp 20 lần, đạt 20 triệu tài khoản vào năm 2020.

Trong bối cảnh thị trường dần trở nên chật chội với 34 ví điện tử đang hoạt động, con số này được đánh giá là khả quan. Tuy nhiên, để giành được thị phần, Momo cũng không nằm ngoài cuộc đua “đốt tiền” đang xảy ra khốc liệt trên thị trường. 

Doanh thu của M_Service trong giai đoạn 2016 – 2019 ghi nhận mức tăng trưởng cao, cùng chiều với tốc độ mở rộng tệp khách hàng. Riêng trong năm 2019, doanh thu của công ty vận hành Momo đạt 4.233 tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm 2016.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh lợi nhuận, M_Service trong 4 năm gần đây liên tục báo lỗ nặng. Hai năm 2016 và 2017, công ty này báo lỗ lần lượt là 146,8 tỷ đồng và 242,7 tỷ đồng. Khoản lỗ ngày càng tăng trong 2 năm gần đây, với mức lỗ 853,9 tỷ đồng năm 2019, cao gần gấp đôi so với năm trước. Nếu tính chi phí trên mỗi người dùng thì cứ 1 tài khoản khách hàng đăng ký trên Momo thì M_Service sẽ chịu lỗ 40.000 đồng. 

"Cái giá" cho 20 triệu khách hàng của Momo là những khoản lỗ triền miên - Ảnh 1

Ai sở hữu Momo?

Chạy đua "đốt tiền" khuyến mãi để thu hút người dùng khiến công ty chủ quản của Momo phải liên tục huy động thêm vốn từ đối tác ngoại.

Tháng 3/2016, công ty công bố khoản đầu tư 28 triệu USD từ các nhà đầu tư chiến lược là Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Goldman Sachs. Tuy nhiên, trên thực tế, từ trước đó, các nhà đầu tư ngoại đã nắm 20% cổ phần tại công ty M_Service. SCPE  được biết tới là quỹ đầu tư của Ngân hàng Standard Chartered, còn Goldman Sachs là ngân hàng đa quốc gia ở Mỹ với khách hàng chủ yếu là các tổ chức.

Sau thương vụ, M_Service tăng vốn điều lệ lên mức 78,125 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 36% vốn với sự góp mặt của: Global Long Short Partners Holdings Offshore Luxembourg S.A.R.L (4,8%), Private Opportunities (LUX) S.A.R.L (8,892%) và Standard Chartered Private Equity Singapore Pte. Ltd (20%).

Cuối năm 2017, quy mô vốn điều lệ của M_Service ở mức 69,46 tỷ đồng, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng được nâng lên mức 43,55%.

Tới tháng 11/2018, M_Service tăng vốn lên 118,36 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận bước ngoặt đáng chú ý trong cơ cấu sở hữu. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài vượt lên nắm giữ 65,71% cổ phần, chiếm tỷ lệ chi phối tại đơn vị quản lý ví điện tử MoMo.

Có 7 nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: Valence Private Investment Limited (4%), SCPE (16,97%), Private Opportunities (LUX) S.A.R.L (11,41%), Global Long Short Partners Holdings Offshore Luxembourg S.A.R.L (4,01%), Ganymede Holdings B.V (4,73%), E-Mobile VN Investment  SIB.V (24,17%) và Jonathan Charles Eames (0,42%).

Tới tháng 8/2020, M_Service tăng vốn điều lệ lên mức 130,629 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 66,49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiện cơ cấu cổ đông công ty này không được tiết lộ.

Tin Cùng Chuyên Mục