Cấm sử dụng vốn vay ODA để mua sắm ô tô công

Nam Anh

(Doanhnhan.vn) - Trong nghị định 56 vừa được ban hành có nhấn mạnh nguyên tắc chỉ sử dụng vốn ODA cho chi đầu tư phát triển, không dùng để nộp thuế, trả phí, lãi suất tiền vay hay mua sắm ô tô...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 56 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. 

Trong đó, nổi bật nhất là việc Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc không dùng vốn vay ODA để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, mua sắm ô tô (trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định), vật tư, thiết bị dự phòng…, chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển.

Nghị định cũng đề cập rõ lĩnh vực sử dụng vốn ODA không hoàn lại và được ưu tiên. Cụ thể, vốn ODA không hoàn lại sử dụng để thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ xây dựng chính sách, cải cách thể chế; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

Vốn vay ODA được ưu tiên sẽ sử dụng cho các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng trong dự án cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của chính Phủ sẽ được sử dụng trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng. 

Nghị định cũng nêu rõ cách quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực để bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật. Đồng thời, việc dùng vốn ODA phải đảm bảo công khai, minh bạch giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Việc phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cần được ngăn ngừa và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/5.

Tin Cùng Chuyên Mục