Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Lại Hoa/VOV

Việc đưa hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang có nhiều băn khoăn…

Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp ngày hôm nay 20/11. Mục tiêu chính của việc sửa Luật là giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường hoạt động ổn định, lâu dài; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, bảo vệ nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội thảo luận gồm 10 chương với 213 điều. Đáng chú ý, trong dự thảo Luật, khái niệm doanh nghiệp Nhà nước được sửa đổi thành 2 loại: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi - Ảnh 1
Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi. (Ảnh: KT)

Dự thảo Luật bổ sung “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự…

Tuy nhiên, bên hành lang Quốc hội, trước phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn: “Hiện nay hộ cá thể ở Việt Nam khoảng 5 triệu hộ và đóng góp vào GDP. Nhưng đóng thuế rất hạn chế. Vấn đề là chúng ta tổ chức quản lý thế nào? Bởi, đây là một loại hình trên thế giới hầu như không có, chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Còn các nước là doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thôi chứ không có hộ kinh doanh. Vì thế nếu đưa vào doanh nghiệp là người kinh doanh lo sợ, lúng túng về sổ sách, tính toán, chi phí, nộp thuế như thế nào?

Tôi nghĩ chúng ta cần có Nghị định riêng về hộ kinh doanh cá thể để hỗ trợ dần dần, từng bước có một luật riêng đối với hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, đi liền với nó là hệ thống kế toán sổ sách để có thể quản lý được chất lượng hàng hóa để chúng ta có thể khấu trừ khi chúng ta cần thuế.”

Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị cho rằng, hiện nay chưa có những văn bản quy định về địa vị pháp lý, hỗ trợ của Nhà nước trong thành lập, hoạt động, quản trị hộ. Cần thiết có những văn bản quy định vấn đề này, nhưng nếu đặt trong Luật Doanh nghiệp, thì theo đại biểu Đỗ Văn Sinh là “khiên cưỡng”.

“Theo quy định của pháp luật hiện nay, đặc biệt là một số đạo luật như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hộ gia đình không phải là doanh nghiệp vì trong luật này có quy định là có chính sách để hỗ trợ hộ gia đình trở thành doanh nghiệp, tức là hộ gia đình không phải là doanh nghiệp. Theo tôi, có thể cần có quy định của pháp luật nhưng sẽ để ở một văn bản riêng, có thể chưa hình thành được những điều kiện, chưa có kinh nghiệm thì có thể ở văn bản dưới luật, sau đó tổng kết thì sẽ thành luật riêng cho loại hình này” - đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

Các ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần làm rõ quy định mới nào trong dự thảo là nhằm tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển hơn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần thận trọng và cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật./.

Tin Cùng Chuyên Mục