Cảnh giác với “tín dụng đen” biến tướng từ ứng dụng vay tiền online

Trọng Nghĩa – Thiện Thanh

Không khó để người tiêu dùng có thể tiếp cận đến các ứng dụng cho vay online. Chỉ cần vào CH Play hoặc Apple Store bấm từ khóa “vay tiền online” ngay lập tức sẽ hiện ra hàng loạt các (app) cho vay như: Hot vay, Dễ vay, iDong, Vay vui vẻ, Vay hạnh phúc….

Thời gian gần đây, mô hình cho vay tiền trực tuyến thông qua ứng dụng (app) có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Người vay chỉ cần tải ứng dụng vay tiền về điện thoại di động, đăng ký thông tin cá nhân và gửi yêu cầu vay; chỉ vài giờ sau, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kĩ, người vay tiền rất dễ “sập bẫy” tín dụng đen.

Cảnh giác với “tín dụng đen” biến tướng từ ứng dụng vay tiền online - Ảnh 1

 

Giải ngân trong vài giờ

Không khó để người tiêu dùng có thể tiếp cận đến các ứng dụng cho vay online. Chỉ cần vào CH Play hoặc Apple Store bấm từ khóa “vay tiền online” ngay lập tức sẽ hiện ra hàng loạt các (app) cho vay như: Hot vay, Dễ vay, iDong, Vay vui vẻ, Vay hạnh phúc…. 

Cảnh giác với “tín dụng đen” biến tướng từ ứng dụng vay tiền online - Ảnh 2

 Nở rộ các dịch vụ cho vay tiền online trên mạng

Sau khi cài đặt, để đăng nhập được vào ứng dụng, người vay phải cung cấp các thông tin như: số điện thoại, địa chỉ, chứng minh nhân dân và cho ứng dụng được phép truy cập danh bạ, vị trí, hình ảnh, trang cá nhân facebook, zalo trên điện thoại (tùy app). 

Để tạo lòng tin cho người vay tiền, ứng dụng hiện các thông báo sẽ bảo mật các thông tin của khách hàng, không sử dụng vào mục đích khác. Nếu hoàn thành các bước trên, ít phút sau sẽ có người gọi đến tự xưng là nhân viên bên cho vay để xác nhận thông tin. Khi người vay chấp nhận các yêu cầu và xát nhận vay tiền, chỉ vài giờ sau đó tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng, có vẻ như cực kỳ giản tiện và thuận lợi.

Nhưng lãi cao, nhiều khoản phí phát sinh

Hầu hết các ứng dụng này báo lãi suất vừa phải, có khi còn thấp hơn lãi suất của các công ty tín dụng và ngân hàng. Nhưng đến khi duyệt cho vay xong họ sẽ tính lãi suất khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu với đủ các lí do như phí bổ sung, phí bảo hiểm. 

Cảnh giác với “tín dụng đen” biến tướng từ ứng dụng vay tiền online - Ảnh 3

Anh Võ Văn Bình trình báo sự việc tại cơ quan Công an TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang)  

Trường hợp của anh Võ Văn Bình (tạm trú ở phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) là một nạn nhân điển hình của hình thức vay tiền online. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, anh Bình quyết định vay tiền bằng ứng dụng trên điện thoại. Vì lần đầu, anh chỉ được vay ở mức 1 triệu đồng và trả trong vòng 7 ngày, nhưng số tiền chuyển vào tài khoản của anh chỉ có 700 ngàn đồng, đến hạn anh phải trả đúng 1 triệu, nghĩa là anh phải chịu lãi 30% số tiền vay trong 1 tuần.

Khi anh Bình thắc mắc, thì bên cho vay trả lời rằng 300 ngàn đồng còn lại là phí dịch vụ. Những lần vay tiếp theo, anh Bình được nâng hạn mức vay, nhưng khi anh vay 2 triệu đồng thì chỉ nhận được 1,1 triệu đồng; vay 4 triệu đồng thì được nhận 2,8 triệu đồng. 

Như vậy số tiền mà anh Bình nhận được chỉ từ 60% đến 80% so với số mà anh muốn vay, thời gian trả tiền dứt điểm chỉ từ 1 tuần đến 2 tuần, tùy theo gói tiền vay. Nếu trả trễ hạn sẽ bị phạt mỗi ngày từ 100 đến 300 ngàn đồng, chưa tính khoản lãi cắt cổ.

Bị đe dọa, tung hình ảnh lên mạng xã hội

Vay được một thời gian, do lãi chồng lãi, anh Bình không có khả năng trả nợ thì bị bên cho vay khủng bố tinh thần bằng cách nhắn tin, gọi điện đe dọa đến người thân bạn bè, tung hình ảnh của anh lên mạng xã hội để bêu xấu nhằm gây áp lực để siết nợ.

Những thông tin từ số điện thoại và hình ảnh mà bên cho vay có được, khi đăng nhập vào anh Bình cho phép ứng dụng được quyền truy cập danh bạ, hình ảnh và các trang cá nhân của anh, nên khi trễ hẹn thanh toán, bên cho vay đã sử dụng các thông tin này vào mục đích khác, không giống như những lời cam kết ban đầu. Lo sợ uy tín, danh dự bị bôi nhọ, thậm chí bản thân gặp nguy hiểm, anh Bình buộc phải đến cơ quan Công an trình báo nhờ can thiệp.

Cảnh giác với “tín dụng đen” biến tướng từ ứng dụng vay tiền online - Ảnh 4

 Thượng tá Danh Ngọc Thu - Trưởng Công an TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang)

Theo Thượng tá Danh Ngọc Thu – Trưởng Công an TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang): “Hiện nay, lực lượng công an đã kiên quyết đấu tranh với các băng nhóm “tín dụng đen”. Đây là loại tội phạm với phương thức hoạt động, thủ đoạn mới, có cài đặt phần mềm trên mạng, khi gõ thông tin cần vay tiền thị nó hiện lên các loại hình vay… bà con cần cảnh giác đối với loại tội phạm này”.

Hiện nay, việc cho vay tiền qua các ứng dụng đã biến tướng thành một dạng “tín dụng đen” và đang lách luật để hoạt động. Phương thức cho vay áp dụng công nghệ cao yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân để đăng ký vay, nhưng sau đó bên cho vay đã tự ý truy cập, sử dụng hình ảnh cá nhân của khách hàng để sử dụng vào mục đích khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Để đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này, theo Thượng tá Danh Ngọc Thu, biện pháp tiên quyết là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh sa vào bẫy “tín dụng đen”. Một khi tiến hành giao dịch dân sự về tiền tệ thì phải nắm các quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình.

Mặt khác cần siết chặt công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, có chính sách huy động vốn từ người dân; quản lí chặt chẽ các tổ chức tín dụng, cơ sở cầm đồ…

Đặc biệt là phải tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp, giúp họ tránh xa bẫy “tín dụng đen” hoạt động trái pháp luật đang bùng phát và gây ra những hậu quả khó lường.

Tin Cùng Chuyên Mục