Cạnh tranh với chuỗi Mixue "non trẻ", hãng kem 65 tuổi Kem Tràng Tiền đang làm gì?

Linh Anh

Năm 2023, thương hiệu Kem Tràng Tiền cho biết sẽ đa dạng hóa sản phẩm và kênh tiêu thụ, bằng cách ra mắt các dòng sản phẩm kem phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ nguyên nét truyền thống.

Tại nhiều con phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những cửa hàng có tấm biển đỏ nổi bật, với dòng chữ “Mixue - Since 1997 - Ice Cream & Tea”, bên cạnh là biểu tượng người tuyết cầm trên tay cây kem.

Mixue - là một thương hiệu kem và trà sữa giá rẻ đến từ Trung Quốc mới đây đã thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. Gia nhập Việt Nam từ năm 2018, chỉ chưa đầy 5 năm sau, thông qua con đường nhượng quyền, Mixue đã đạt được quy mô mà nhiều thương hiệu F&B mơ ước. 

Dù ở thời điểm hiện tại, Mixue đang phải đối diện với cuộc cạnh tranh khốc liệt đến từ nhiều đối thủ thì những cây kem ốc quế với mức giá bình dân vẫn đang chứng tỏ được sức mạnh khi phủ sóng ở nhiều phố phường.

So với Mixue - Kem Tràng Tiền, một thương hiệu bản địa nổi tiếng 65 tuổi có phần "lép vế" hơn khi số lượng cửa hàng chỉ vào khoảng 200 đơn vị. Riêng ở Hà Nội - quê hương của Kem Tràng Tiền, số lượng đại lý theo công bố là 89 điểm, còn theo thống kê, đã có ít nhất 500 cửa hàng Mixue tại thủ đô.

Một điểm đáng chú ý khác, thay vì theo đuổi các mặt bằng lớn nằm ở vị trí đắc địa hay trong trung tâm thương mại, Mixue chủ yếu mở rộng ở các tỉnh thành nhỏ hoặc các khu phố đông dân cư, với mức thu nhập vừa. Điều này cũng giúp cho những tấm biển hiệu màu đỏ rực mang tên Mixue dễ được phủ sóng. 

Cạnh tranh với chuỗi Mixue "non trẻ", hãng kem 65 tuổi Kem Tràng Tiền đang làm gì?  - Ảnh 1

Để mở rộng quy mô và doanh thu, Mixue đã bắt đầu kinh doanh nhượng quyền từ sớm. Theo một số nhân vật có kinh nghiệm trong ngành F&B, đằng sau cây kem 10.000 đồng và cốc trà sữa gần như rẻ nhất thị trường thì bản chất mô hình kinh doanh của Mixue là B2B.

B2B là viết tắt của “Business to Business”. Đây là hình thức kinh doanh, buôn bán (gồm tổng thể các hoạt động từ Marketing đến bán hàng (sales) và chăm sóc khách hàng) giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trong thực tế, một số trường hợp giao dịch phức tạp sẽ được diễn ra dựa trên báo giá mua bán sản phẩm, thỏa thuận trực tiếp và ký kết hợp đồng giữa các bên.

Trong khi đó, Kem Tràng Tiền vẫn giữ nguyên hình thức kinh doanh làm đại lý thương mại. Nói đơn giản, đại lý kem Tràng Tiền là việc Công ty Kem Tràng Tiền thỏa thuận với bên muốn làm đại lý việc thay mặt Công ty Kem Tràng tiền để bán kem cho công ty và hưởng thù lao.

Kem ốc quế Mixue có mức giá bán 10.000 đồng/sản phẩm.
Kem ốc quế Mixue có mức giá bán 10.000 đồng/sản phẩm.

Về mức giá bán, hai thương hiệu này có giá sản phẩm không quá chênh lệch, hoàn toàn phù hợp với số đông khách hàng. Nếu như kem Mixue chào bán với giá 10.000 đồng/sản phẩm thì mức giá 12.000 đồng/que kem Tràng Tiền cũng không chênh nhiều.

Lý giải về việc Mixue có thể giữ giá thành sản phẩm luôn ở mức dễ chịu, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đó bắt nguồn từ việc tư duy chọn mặt bằng của thương hiệu. Thay vì dành phần lớn chi phí vào việc thuê mặt bằng đẹp, Mixue thường xuất hiện ở trong các con phố nhỏ, chợ hay thậm chí là trong ngõ.

Điều kiện nhượng quyền của Mixue đơn giản, đó là cửa hàng có mặt tiền ít nhất 3m, diện tích tối thiểu 20m2. Nên với số vốn bỏ ra khoảng 450 - 600 triệu đồng cho tất cả các khoản, mở một cửa hàng Mixue không quá khó. Chi phí rẻ, vận hành không quá khó nên Mixue giữ được mức giá cạnh tranh. 

Dù giá bán có phần tương đồng nhưng mô hình kinh doanh của Tràng Tiền và Mixue khá khác biệt. Mixue bán kem tươi nên chỉ phục vụ tại chỗ, còn kem Tràng Tiền phần lớn bán kem que, kem ốc quế được trữ trong tủ đông của đại lý, siêu thị cửa hàng.

Ngoài ra, Mixue còn mở rộng mặt hàng sản phẩm như trà sữa, trà hoa quả... phù hợp thị hiếu giới trẻ, với mức giá không quá 25.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, kem Tràng Tiền mới đây bổ sung dòng sản phẩm kem mochi, chè... 

Sản phẩm chè Tràng Tiền mới được ra mắt cuối năm 2022
Sản phẩm chè Tràng Tiền mới được ra mắt cuối năm 2022

Năm 2023, thương hiệu Kem Tràng Tiền cho biết sẽ đa dạng hóa sản phẩm và kênh tiêu thụ, bằng cách ra mắt các dòng sản phẩm kem phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ nguyên nét truyền thống.

Bên cạnh đó, thương hiệu 65 tuổi này cũng từng bước số hóa hoạt động kinh doanh, đưa thêm trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. Hệ thống máy POS cho phép thanh toán bằng QR Code cũng như có quầy thanh toán và nhận kem riêng sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2023.

Bộ nhận diện thương hiệu mà Kem Tràng Tiền được thay đổi giữa năm 2020 với sắc xanh cùng slogan mới "Hương vị vượt thời gian" đã phần nào làm mới hình ảnh doanh nghiệp, tái định vị, đồng thời tạo ra sự chú ý trên mặt trận truyền thông. Qua đó, giúp doanh nghiệp bứt mình khỏi các nhà sản xuất nhỏ lẻ "mượn danh" suốt những năm qua.

Với những nỗ lực làm mới mình, Kem Tràng Tiền đang đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty mẹ - Công ty cổ phần One Capital Hospitality (mã ck: OCH). 

Kem Tràng Tiền có bộ nhận diện thương hiệu mới với sắc xanh cùng slogani "Hương vị vượt thời gian".
Kem Tràng Tiền có bộ nhận diện thương hiệu mới với sắc xanh cùng slogani "Hương vị vượt thời gian".

Mặc dù không công bố con số chi tiết Kem Tràng Tiền đóng góp bao nhiêu nhưng báo cáo tài chính quý I/2023 của OCH mới đây ghi nhận doanh thu thuần đạt 129,6 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng hóa tăng, chi phí tài chính tăng tác động khiến công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế là 15 tỷ đồng. 

Dù vậy, khoản lỗ này đã thu hẹp so với khoản lỗ sau thuế khoản 32,8 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoản lỗ sau thuế của công ty mẹ là hơn 12,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của OCH
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của OCH

Về tình hình tài chính, tính đến hết 31/3, tổng tài sản của công ty là 2.277 tỷ đồng, giảm 21 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 480 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản.

Nợ phải trả của doanh nghiệp là 954 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó vay và nợ thuê tài chính là 151,2 tỷ đồng, chiếm 19% tổng nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến hết 31/3 là là 1.322 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 754 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục