Cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ đã vô hiệu

Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam, Thụy Sỹ và Đài Loan thao túng tiền tệ như điều tra ban đầu, theo Reuters.

Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã ra thông báo không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam, Đài Loan và Thụy Sỹ đang thao túng tỷ giá hối đoái theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế năm 1988.  

Cụ thể, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ với Reuters rằng Việt Nam, Thuỵ Sỹ và Đài Loan đã bị cáo buộc theo các tiêu chí của Đạo luật Thuận lợi hóa và Thực thi Thương mại năm 2015 nhưng không thao túng tiền tệ.

Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters.
Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters.

Sau kết luận này, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ tiếp tục tăng cường làm việc với Việt Nam, Thuỵ Sỹ, Đài Loan để xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết nguyên nhân cơ bản của việc định giá tiền tệ thấp và mất cân bằng bên ngoài. 

Cơ quan này cũng cam kết cùng với Việt Nam, Thụy Sỹ về việc đánh giá cẩn thận và kỹ lưỡng hơn tình hình kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để xác định việc Việt Nam và Thuỵ Sỹ có can thiệp vào thị trường tiền tệ năm 2020 "nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại" hay không. 

Ngoài ra, Mỹ cũng cho biết không có đối tác thương mại lớn nào khác của nước này đáp ứng các điều kiện tại Đạo luật 1988 và Đạo luật 2015 về thao túng tiền tệ trong giai đoạn xem xét vừa qua. 

Cũng trong thông báo này, Bộ Tài Chính Mỹ kêu gọi Trung Quốc cải thiện hơn tính minh bạch về các hoạt động can thiệp ngoại hối cũng như chính sách quản lý tỷ giá hối đoán, mối quan hệ giữa Ngân hàng Trung ương và hoạt động ngoại hối của các ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là các hoạt động của nước này ở thị trường nhân dân tệ tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, 11 nền kinh tế mới đã bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát chặt chẽ về tình hình tiền tệ, trong đó có cả những đối tác thương mại lớn bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico.

Trước đó hồi cuối năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam “không hợp lý” và làm ảnh hưởng đến thương mại Mỹ. Kết luận trên được Mỹ đưa ra dựa theo “thặng dư thương mại ngày càng tăng của hai nước, thặng dư tài khoản vãng lai lớn trên thế giới và sự can thiệp mạnh mẽ vào ngoại hối nhằm giữ giá trị đồng Việt Nam thấp".

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua, trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Tin Cùng Chuyên Mục