Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận: Cần 2 điều kiện để thông tuyến năm 2020

Phi Long/ VOV

Sớm giải ngân nguồn vốn ngân sách 2.186 tỷ và khoản vay tín dụng là hai điều kiện cần để cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có thể thông xe vào năm 2020.

Tính đến giữa tháng 8/2019, nhà đầu tư đã huy động góp vốn chủ sở hữu và đưa vào dự án 2.500 tỷ đồng tham gia vào Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ứng trước chi phí GPMB cho tỉnh Tiền Giang để triển khai. Đến nay Dự án đã hoàn thành 25% khối lượng, trong đó chỉ trong 3 tháng vừa qua khối lượng thực hiện đã tăng hơn 10% so với 10 năm trước đây.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận: Cần 2 điều kiện để thông tuyến năm 2020 - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo bộ ngành Trung ương thị sát việc xây dựng một hợp phần trụ cầu vượt sông trên tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Ảnh: Thành Chung.

Việc cần làn ngay là phải sớm giải ngân nguồn vốn ngân sách trị giá 2.186 tỷ đồng và khoản vay từ các tổ chức tín dụng là hai điều kiện cần để tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có thể thông xe vào năm 2020.

Đợi chờ 2 khoản vốn

Tuy nhiên , sau hơn 3 tháng tái khởi động, dự án vẫn đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn lớn nằm ngoài tầm với của nhà đầu tư và nếu không giải quyết được 2 nguồn vốn lớn thì dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khó có thể thông xe vào năm 2020.

Thứ nhất, việc sớm giải ngân nguồn vốn ngân sách trị giá 2.186 tỷ đồng: Theo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, hiện Chính phủ đã có các tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2.186 tỷ đồng hỗ trợ dự án từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018.

Do chưa có ý kiến chấp thuận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân vốn, làm cơ sở đảm bảo phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận: Cần 2 điều kiện để thông tuyến năm 2020 - Ảnh 2
Đến nay dự án đã hoàn thành 25% khối lượng, 3 tháng qua đã tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm trước đây.

Thứ hai, khoản vay từ các tổ chức tín dụng: Được biết, vào ngày 21/8, Vietinbank trong vai trò đại diện cho các Ngân hàng tài trợ vốn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản 5195/TGĐ-NHCT5 gửi Ngân hàng Nhà nước thông báo việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho dự án và yêu cầu vốn tự có của Nhà đầu tư phải đáp ứng là 3.800 tỷ (tăng hơn so với mức của UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt là 2.787 tỷ chênh lệch 1.013 tỷ đồng ). Trong khi đó, Nhà đầu tư đã trao đổi Vietinbank về khả năng có thể đáp ứng đến mức 3.400 tỷ nhưng các ngân hàng vẫn chưa thống nhất.

Theo đại diện công ty CP Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, để triển khai thành công dự án, việc khơi thông nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng rất quan trọng, có tính chất then chốt nhằm xác định khả năng thực hiện dự án thông được tuyến trong năm 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận trong năm 2021. Điều đáng tiếc là cả hai điều kiện này đều không phụ thuộc vào năng lực của nhà đầu tư hiện nay.

Vòng luẩn quẩn vốn tín dụng

Ngày 21/8 tại văn bản 5195/TGĐ-NHCT5 Ngân hàng Vietinbank đại diện cho các Ngân hàng tài trợ vốn  đã có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước qua đó đã xác định: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho Dự án, Ngân hàng yêu cầu vốn tự có của Nhà đầu tư phải đáp ứng là 3.800 tỷ (tăng hơn so với mức của UBND Tỉnh phê đã phê duyệt là: 2.787 tỷ chênh lệch 1.013 tỷ đồng).

Nhà đầu tư đã trao đổi có thể đáp ứng đến mức 3.400 tỷ nhưng Ngân hàng chưa thống nhất; ngoài ra Ngân hàng xác định còn thiếu 882 tỷ mới đủ vốn thu xếp cho Dự án; Có thể chốt hạ hiện nay các Ngân hàng chưa thể thu xếp vốn cho Dự án.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận: Cần 2 điều kiện để thông tuyến năm 2020 - Ảnh 3
Gói thầu số 6, Dự án cáo tốc Trung Lương-Mỹ Thuận chuẩn bị hoàn thành 4 km cầu vượt. Ảnh GT.

Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo, Ngân hàng nhà nước đã có ý kiến cụ thể thế nhưng “quyền lực mềm” của Ngân hàng thương mại vẫn được phép đặt ra các “quy định riêng” đã dẫn đến rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng hiện nay thường có cách trả lời không rõ ràng và kéo dài…

Đã đến lúc người dân mong muốn được lắng nghe sự lên tiếng cũng như hành động cụ thể của những người “trách nhiệm” khi được giao trọng trách đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước tại các Ngân hàng thương mại trong đó việc có ý thức trách nhiệm kinh tế, chính trị, xã hội đối với 20 triệu người dân đồng bào Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vietinbank và các tổ chức tín dụng phải đảm bảo đủ vốn

Chiều qua (27/8), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ ngành đã có chuyến khảo sát dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tại gói thầu số 6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ cam kết hoàn thành thủ tục pháp lý để sớm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ 2.186 tỷ đồng.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận: Cần 2 điều kiện để thông tuyến năm 2020 - Ảnh 4
Sớm giải ngân nguồn vốn ngân sách 2.186 tỷ và khoản vay tín dụng là hai điều kiện cần để cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có thể thông xe vào năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nhanh chóng vào cuộc, cùng với UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư…thương thảo, tháo gỡ vướng mắc tiến tới ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho dự án. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ GTVT phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương chung tay xử lý vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án.

“Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được Chính phủ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi giao cho Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND tỉnh Tiền Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà thầu thi công để hoàn thành dự án đúng tiến độ, về đích đúng thời hạn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND Tiền Giang, đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tiền Giang đã chi tiền đền bù giải tỏa cho 3.286 hộ trong tổng số hộ bị ảnh hưởng là 3.292 hộ dân. Đến nay đã bàn giao cho doanh nghiệp dự án được 50,77 km/51,1 km mặt bằng, đạt 99,34%.

“Hiện còn 6 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, giải tỏa, trong đó huyện Châu Thành 5 hộ, Cái Bè 1 hộ. Việc này tỉnh Tiền Giang hạ quyết tâm ngay trong tháng 9 tới sẽ hoàn thàng công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh cam kết cùng nhà đầu tư, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình. Đến cuối năm 2020 thông tuyến và đến năm 2021 hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận như cam kết với Thủ tướng", ông Hưởng cho biết.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, nhà đầu tư đã huy động góp vốn chủ sở hữu và đưa vào dự án 2.500 tỷ đồng tham gia vào dự án, ứng trước chi phí GPMB cho tỉnh Tiền Giang để triển khai. Đến nay đã hoàn thành 25% khối lượng dự án, 3 tháng qua đã tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm trước đây.

Sau khi nghe báo cáo của các bộ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và nhất là nhân dân và chính quyền các tỉnh ĐBSCL đặc biệt quan tâm tới dự án này.

“Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình quyết thì Chính phủ lập tức có văn bản giao vốn cho Tiền Giang ngay. Các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư không phải lo lắng việc này”, Phó Thủ tướng nói.

Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị nhà thầu tiếp tục ứng vốn (khoảng 400 tỷ đồng) đủ mức 3.400 tỷ đồng vốn góp vào dự án trong tháng 9 tới, đồng thời thực hiện đàm phán ngay với các ngân hàng hợp đồng tín dụng để khi Thủ tướng và tỉnh Tiền Giang giao vốn thì ký hợp đồng tín dụng trong tháng 9 và đẩy mạnh triển khai dự án ngay trong tháng 9/2019.

Ngoài dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội bố trí hơn 900 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương để tập trung cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ./.

Tin Cùng Chuyên Mục