CEO Got It! Trần Việt Hùng "giải mã" bài toán phát triển ngành công nghệ Việt Nam

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Có mặt tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt, anh đã chia sẻ quan điểm của mình về sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Founder của Got It! - Trần Việt Hùng, là cái tên không còn xa lạ với startup Việt. Anh là một trong những Founder Việt hiếm hoi tại Silicon Valley của Mỹ với Got It! - ứng dụng giáo dục dựa trên mô hình nền kinh tế chia sẻ đã nhận được đầu tư lên tới 10 triệu USD. GotIt! hiện thường xuyên ở trong top 10 ứng dụng Giáo dục tại Apple App Store Mỹ và đã từng đứng thứ 2 chỉ sau iTunesU.

Có mặt tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt, anh đã chia sẻ quan điểm của mình về sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Theo Trí Thức Trẻ đưa tin, anh Trần Việt Hùng cho biết Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực trẻ, trong khi chi phí lại thấp hơn so với mặt bằng chung của khu vực. Nhiều người Việt thậm chí còn làm trong lĩnh vực công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, giữ vai trò chủ chốt tại các tập đoàn hàng đầu như Google, Microsoft, Facebook,…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhà sáng lập Got!It cho rằng đội ngũ kỹ sư Việt Nam đang quá tập trung vào gia công phần mềm thay vì làm sản phẩm, hầu như chưa có những sản phẩm phù hợp với người dùng nước ngoài.

Nghịch lý này có thể dễ thấy ở ngay cả những tập đoàn lớn về công nghệ. Có thể lấy Tập đoàn FPT ra làm ví dụ điển hình, khi tại FPT Software, xuất khẩu phần mềm luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 30%/năm trong 5 năm qua. 

CEO Got It! Trần Việt Hùng

 

"Đội ngũ kỹ sư là yếu tố vô cùng quan trọng, yếu tố sống còn với doanh nghiệp công nghệ. Các công ty công nghệ không có kỹ sư giỏi thì dù có tiền tấn cũng không giải quyết vấn đề gì cả".

Anh Hùng thừa nhận ở Việt Nam hiện nay, có một nghịch lý là nhu cầu gia công phần mềm cần quá nhiều kỹ sư, những kỹ sư làng nhàng. Vậy nên các sinh viên không có động lực, không cần cố gắng nhiều mà khi ra trường vẫn có thể tìm việc dễ dàng.

"Chúng ta đang thiếu một lứa kỹ sư giỏi. Các trường đại học nếu không có chính sách, cách thức đặc biệt để xây dựng, đào tạo một lứa kỹ sư giỏi thì bỏ qua ước mơ này đi" - anh nhấn mạnh. 

Tin Cùng Chuyên Mục