CEO JobHopin: Chỉ nhận 1/10 số tiền nhà đầu tư muốn rót vốn và từng cảm thấy ‘sợ’ khi lọt Forbes 30 under 30 châu Á

Khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và khiến nguồn vốn đầu tư vào startup bị chững lại, nhiều công ty khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn công bố huy động thành công hàng triệu USD. JobHopin - startup tuyển dụng ứng dụng AI và công nghệ máy học với mục tiêu thay đổi ngành nhân sự Đông Nam Á - là một trong số đó. Công ty do Kevin Tùng Nguyễn sáng lập và làm CEO vừa huy động thành công 2,45 triệu USD trong vòng Series A, nâng tổng số vốn được đầu tư lên 3 triệu USD.

Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, Kevin Tùng Nguyễn đạt được học bổng du học Mỹ từ khi học phổ thông. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Kinh Tế - Tài Chính của Đại học Arizona và hoàn thành chương trình cao học quản lý tại Đại học Stanford.

sub1

 

submobile1

 

- Nghe nói ngay từ khi học đại học, anh đã tham gia nhiều startup và là Co-Founder của một công ty được tập đoàn của Pháp mua lại?

- Cái duyên làm startup của tôi bắt đầu vào năm thứ hai đại học khi được một số bạn khác “dụ dỗ”. Startup đầu tiên tôi tham gia là một ứng dụng chụp hình, ý tưởng là của 2 bạn khác và tôi được họ mời làm Co-Founder. Hai bạn tập trung vào kỹ thuật, còn tôi phụ trách thiết kế, phát triển sản phẩm để tìm khách hàng. Sau đó, startup này được một tập đoàn của Pháp mua lại còn tôi tiếp tục tham gia nhiều startup khác, trong đó có một số dự án về thương mại điện tử.

Lúc đó, tôi không có kinh nghiệm về tài chính, quản lý dòng tiền, chỉ nghĩ rằng công ty có nhiều tiền mặt như vậy thì đâu cần gọi vốn. Nhưng dấn thân vào con đường thương mại điện tử mới thấy rất tốn tiền, không ngờ chỉ 6-7 tháng đã hết tiền, cũng không biết làm thế nào để gọi vốn. Trong khi vào khoảng năm 2009, đối thủ của mình huy động được 5 triệu USD là số tiền rất lớn. Những gì mình làm thì đối thủ có thể làm “xịn” hơn, marketing tốt hơn. Cuối cùng startup này thất bại.

Tôi nhận ra về công nghệ hay sản phẩm có thể tự học được nhưng để hiểu về tài chính, kinh tế tôi phải quay lại trường để tiếp tục học.

- Sớm khởi nghiệp tại Mỹ và từng làm quản lý danh mục đầu tư tại Merrill Lynch, đâu là lý do khiến anh quyết định về nước?

- Khi ra trường tôi nghĩ phải tìm được một người thầy giỏi. Người thầy và mentor (cố vấn) của tôi khi đó là một anh người Mỹ tại Merrill Lynch. Thời gian đó tôi chỉ biết làm số, nói nhiều khi không ra hơi nhưng anh ấy rất kiên nhẫn, cho tôi cơ hội được phỏng vấn, hướng dẫn tôi cách làm việc với các triệu phú để họ tin mình, giao tiền đầu tư cho mình. Tôi học được rất nhiều về tài chính trong 1,5 năm làm việc tại Merril Lynch.

img1

 

img1mobile

 

Trở về Việt Nam có thể coi là cơ duyên của tôi. Dự định ban đầu của tôi khi về nước vào năm 2012 là làm việc cho Lazada. Tuy nhiên trước khi ký “offer” của công ty này, tôi có cơ hội gặp chị Đường Thu Hương (người sáng lập Webtretho, nữ giám đốc đối ngoại đầu tiên của IDG Ventures Việt Nam và hiện là CEO Forbes Việt Nam – PV). Chị Hương nói với tôi rằng nếu muốn kiếm nhiều tiền thì em nên ở lại Mỹ và đề nghị tôi cùng tham gia một dự án giúp đem lại hạnh phúc, sức khỏe cho cộng đồng phụ nữ và trẻ thơ.

Những chia sẻ của chị Hương rất hay nên tôi quyết định theo chị tham gia dự án Lana của IDG Ventures Việt Nam dù mức lương chỉ bằng 1/5 đề nghị của Lazada.

Thực tế, tôi quyết định về nước không phải vì muốn tìm được một công việc lương cao, mục tiêu của tôi là muốn tìm hiểu về một thị trường đang phát triển về công nghệ và thời điểm đó cũng là những năm đầu tiên trong làn sóng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

- Thời gian gần đây nhiều du học sinh như anh về nước khởi nghiệp, anh nghĩ sao về làn sóng này?

- Vài năm trước hay vài tháng trước làn sóng này có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Nhưng nếu nói về thời điểm hiện tại thì “Tại sao không về Việt Nam?” mới là câu hỏi đáng được thảo luận. Tôi nghĩ rằng về Việt Nam khởi nghiệp là may mắn và mơ ước của nhiều người.

Thời gian qua, khi Việt Nam làm rất tốt trong cuộc chiến chống Covid-19, tôi nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ bạn bè quốc tế. Mọi người nói rằng, trong chiến lược giai đoạn 2020-2021, những công ty được đầu tư nhiều hay ít mà không bao gồm từ Việt Nam trong đó thì bạn đã mất đi một phần rất quan trọng trong chiến lược phát triển của mình rồi.

sub2

 

sub2mobile

 

- Vậy JobHopin đã ra đời như thế nào?

- Trong một năm tham gia dự án Lana, tôi được gặp gỡ nhiều bạn trẻ, nhiệt huyết hơn mình. Càng dấn thân vào startup thì cái máu founder lại nổi lên. Tôi nghĩ mình đã hiểu hơn về cách vận hành của quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như khi phát triển ở một thị trường sơ khai như Việt Nam thì có lợi điều gì, bất lợi chỗ nào. Năm 2013, tôi về lại Mỹ và điều hành một công ty outsourcing phần mềm. Hai năm tiếp theo tôi tập trung vào phát triển công ty này.

Sau đó tôi may mắn gặp được anh Dung Tấn Trung, một doanh nhân gốc Việt từng rất thành công tại Mỹ. Tại thời điểm đó, “case study” về anh Trung - một người Việt trải qua nhiều khó khăn mới đến được Mỹ, xây dựng và bán lại một startup với giá gần 2 tỷ USD nhưng lại quyết định trở về Việt Nam - được dạy rất nhiều tại các giảng đường kinh tế của Harvard và Stanford.

Anh Trung trở thành mentor của tôi, hướng dẫn tôi nhiều điều và chỉ cho tôi lý do vì sao nên quay về Việt Nam. Khi đó, anh Trung đang phát triển một doanh nghiệp xã hội với mong muốn đem lại nhiều phúc lợi từ y tế, giáo dục, bảo hiểm cho công nhân nhà máy. Tôi quyết định về nước và làm việc cho anh ấy. Tại đây, tôi biết được một dự án về nhân sự và đó cũng là nền tảng để JobHop ra đời.

Năm 2017, tôi thành lập công ty JobHopin, có một số Co-Founder của anh Trung làm nhà đầu tư thiên thần. Tên ban đầu là JobHop.in vì lúc đó là startup nên cũng không đủ tiền để mua được tên miền .com như hiện nay (cười).

Cũng trong năm 2017, tôi gọi vốn thành công từ 2 quỹ đầu tư của Nhật, vì vậy, tôi quyết định về Việt Nam ở luôn để tập trung cho công ty.

- Startup về mảng tuyển dụng tại Việt Nam rất nhiều, công ty của anh có điều gì đặc biệt?

- JobHopin là một nền tảng tập trung vào phân tích thị trường tuyển dụng, nhân sự và công việc. Các trang tuyển dụng truyền thống thường tập trung vào traffic (lưu lượng truy cập website), số lượng công việc, khi bạn đăng quảng cáo nhiều thì tin của bạn sẽ được lên trang đầu, sau một tuần tin tuyển dụng này sẽ trôi đi. Cách tuyển dụng truyền thống này vẫn phát huy tác dụng nếu doanh nghiệp muốn tập trung vào số lượng.

Nhưng vấn đề bất cập là với những công ty lớn nhưng team tuyển dụng ít người, mỗi vị trí đăng tuyển có cả trăm, nghìn hồ sơ đăng ký, nhiều khi họ tìm đến hồ sơ thứ 101 thì ứng viên đó đã tìm được một công việc khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ lại không biết đăng tin ra sao, viết miêu tả công việc thế nào cho hiệu quả. JobHopin tập trung phân tích trên thị trường để trả lời câu hỏi ngày hôm nay tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, top 10 ứng viên so với tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp là ai.

img2

 

img2mobile

 

Bunny của JobHopin giống như trợ lý ảo Siri của Apple hay Alexa của Amazon. Với công nghệ AI và máy học, Bunny sẽ đi khắp nơi trên online, thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều trang về nhân sự và tuyển dụng, từ đó hiểu được nguồn cung và cầu nhân sự tại thành phố đó, mức lương trung bình như thế nào. Tất cả cập nhật đều là real-time (theo thời gian thực).

Các bạn từng làm việc tại nước ngoài về như tôi, thông qua Bunny cũng có thể hiểu được giá trị của mình tại Việt Nam so với nước ngoài như thế nào. Những yếu tố như mức sống khác nhau dẫn đến cung cầu và mức lương khác nhau. Đó là những thông tin JobHopin có thể đem đến cho người sử dụng.

- Đối tượng khách hàng của JobHopin là doanh nghiệp hay các cá nhân có nhu cầu tìm việc?

- Hiện nay, JobHopin đang kinh doanh theo mô hình B2B với hơn 2.000 khách hàng doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp này upload CV của ứng viên lên ứng dụng của chúng tôi, ứng dụng sẽ tự động phân tích ứng viên này phù hợp với công việc gì nhất và những kỹ năng, mong muốn nghề nghiệp của ứng viên đó phù hợp bao nhiêu % với tiêu chí của nhà tuyển dụng.

Trong năm 2020, chúng tôi tập trung cho ra mắt các sản phẩm mới, không chỉ cho khách hàng doanh nghiệp mà còn cho các ứng viên tìm được công việc phù hợp nhất, nhanh nhất và lương cao nhất.

Nếu mọi người xem Netflix sẽ thấy nền tảng này rất coi trọng trải nghiệm cá nhân hóa trên ứng dụng của mình. Đó cũng là điều chúng tôi đang hướng tới. Mục tiêu của JobHopin là cá nhân hóa được chuyện tìm việc làm, giống như Netflix của ngành tuyển dụng.

- Đại dịch Covid-19 khiến nhiều startup kinh doanh thua lỗ, phải sa thải nhân sự thậm chí phá sản, còn JobHopin thì sao?

- Chúng tôi cũng chịu một số ảnh hưởng từ đại dịch khi một số khách hàng trong ngành du lịch phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, những ngành như fintech, insurance tech hay IT trong thời gian này lại phát triển rất nhanh và rất tốt.

Mọi người hay nói trong “nguy có cơ”, điều này cũng đúng với JobHopin. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thông qua JobHopin để xây dựng đội ngũ nhân sự từ xa tại Việt Nam. Các ứng viên không cần đi đâu xa mà vẫn có cơ hội làm việc cho công ty nước ngoài với mức lương cao, trong khi đó các doanh nghiệp cũng có lợi vì chi phí tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

- Để tận dụng cơ hội trong đại dịch, startup của anh có chiến lược đặc biệt gì?

- Trong thời gian đại dịch, JobHopin may mắn vẫn huy động thành công vòng gọi vốn mới. Chúng tôi quyết định triển khai chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp tại Việt Nam còn khả năng tuyển dụng. Những doanh nghiệp này được tuyển dụng miễn phí qua nền tảng của chúng tôi với tổng chi phí cho chương trình là 3 tỷ đồng.

- Đặt mục tiêu thay đổi ngành nhân sự tại Đông Nam Á, hiện mục tiêu này đang được JobHopin thực hiện ra sao?

- Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là trong năm nay hoặc đầu năm sau JobHopin sẽ có lãi tại thị trường Việt Nam. Trong 2-3 năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng làm thật tốt tại thị trường Việt Nam, khi đó giấc mơ tiến ra Đông Nam Á sẽ dễ dàng hơn. Hiện hệ thống Bunny hiểu được nhiều tiếng Việt và tiếng Anh rồi, khi sang thị trường mới chỉ cần đào tạo để nó hiểu ngôn ngữ và dữ liệu tuyển dụng tại quốc gia đó.

img3

 

img3mobile

 

- Được biết trong vòng gọi vốn vừa qua, anh muốn huy động 2 triệu USD nhưng một số nhà đầu tư tiềm năng lại đưa ra con số gấp 10 lần để giúp Jobhopin phát triển nhanh hơn?

- Nhiều người nghĩ rằng chuyện gọi vốn rất đáng để ăn mừng và coi đó là một thành công. Nhưng trong team của tôi, nhiều bạn từng làm việc tại các “unicorn” gọi được số vốn rất lớn, họ đều biết rằng việc đầu tư quá nhiều, quá nhanh và quá sớm trước khi mô hình kinh doanh thực sự phát huy được hiệu quả là một rủi ro rất lớn. Khi gọi vốn nhiều, bạn sẽ phải chịu áp lực chạy đua với thị trường trong khi thị trường cho sản phẩm của bạn có thể chưa sẵn sàng. Câu chuyện gọi vốn rất nhiều nhưng không thành công của WeWork trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Gọi được nhiều vốn không hẳn là kim chỉ nam cho thành công. Thành công không phải là cứ có nhiều tiền thì chi cho quảng cáo hay xây dựng được sản phẩm có hàng chục triệu người thích thích, mà chỉ cần một nhóm vài trăm nghìn người thật sự yêu quý, thấy được cuộc sống của họ thay đổi bởi công nghệ của mình. Đó là thành công có ý nghĩa hơn việc gọi vốn rất nhiều, chạy quá nhanh trước khi mình đi vững vàng.

img4

 

img4mobile

 

Khi tôi gặp các nhà đầu tư, nhiều quỹ nói rằng với tham vọng và đội ngũ như vậy, việc huy động vài triệu USD là không phù hợp. Những quỹ tôi gặp đa số là những quỹ lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc nên đầu tư vài triệu USD với họ là quá ít, trong khi tham vọng của mình là thay đổi cả thị trường tuyển dụng Đông Nam Á, 2-3 triệu USD không có ý nghĩa nhiều. Nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi là liệu startup của tôi có phát triển đủ nhanh, đủ mạnh, đủ lớn để họ quyết định tham gia vào hành trình này không. May mắn là tôi đã thuyết phục được các nhà đầu tư để họ cho chúng tôi cơ hội tập trung vào những mục tiêu nhỏ trước, khi những mục tiêu nhỏ đã hoàn thành thì những chuyện lớn hơn sẽ là vấn đề thời gian.

- Tôi cũng nghe nói các nhà đầu tư đã đồng ý rót vốn cho JobHopin chỉ sau buổi nói chuyện kéo dài 30 phút. Đâu là bí quyết để anh thuyết phục nhà đầu tư?

- Mỗi ngày các nhà đầu tư gặp rất nhiều startup, họ đi thuyết trình, chia sẻ về giấc mơ lớn, có những giấc mơ được đánh giá là hoang đường và điên rồ. Nhưng nếu giấc mơ đó được chia thành những mục tiêu nhỏ và cho nhà đầu tư thấy được những con số hợp lý, chiến lược sáng tạo thì sẽ dễ dàng thuyết phục hơn. Nhà đầu tư họ muốn nhìn thấy một đội ngũ hiểu về thị trường – nơi doanh nghiệp này muốn tạo đột phá và sáng tạo qua con đường công nghệ.

Chia sẻ giấc mơ thay đổi thế giới thì ai nói cũng được nhưng cuối cùng trên chiến trận đó, mình có đang giải quyết vấn đề cho người sử dụng không. Đó là câu trả lời ý nghĩa các nhà đầu tư chờ đợi nhất. Những quỹ lớn họ đã đầu tư rất nhiều và không có gì ngoài tiền và thời gian vì vậy họ sẽ không phải vội vã để mất tiền.

Với các nhà đầu tư muốn rót vốn vào JobHopin, tôi thường đề nghị họ đến thăm văn phòng, dành thời gian 2-3 ngày cùng làm việc và trao đổi. Tôi muốn họ thật sự hiểu cách tôi vận hành công ty như thế nào, thậm chí cùng tôi đi đến gặp các khách hàng, từ đó đưa ra quyết định có thể đi lâu dài cùng nhau không.

- Trở thành startup kỳ lân (unicorn) là giấc mơ của rất nhiều startup nhưng có vẻ đó không phải mục tiêu của anh?

- Khi đặt mục tiêu, nhiều founder sẽ nói chuyện công ty lên sàn, thay đổi thế giới. Những mục đích đó cũng rất lớn lao và đáng để khâm phục nhưng với tôi, mục tiêu quan trọng hơn là phải thiết thực và gần gũi với các cộng sự của mình. Chúng tôi mỗi ngày nỗ lực để Bunny thông minh hơn, không phải để đạt được mức định giá trên thị trường là 1 tỷ USD hay 10 tỷ USD. Nếu chỉ vì các con số tài chính, nhiều bạn đã không bỏ việc lương cao để về cùng với tôi xây dựng JobHopin.

sub3

 

sub3mobile

 

- Trong số các nhà đầu tư của JobHopin có bà Đường Thu Hương - CEO Forbes Việt Nam. Liệu có sự ưu ái nào trong việc anh được chọn vào danh sách Forbes 30 under 30 châu Á năm 2019?

- Khi tôi lọt vào danh sách này, nhiều người cũng hỏi tôi câu đó. Thực tế, mọi thứ rất minh bạch. Nếu startup được đầu tư bởi CEO Forbes Việt Nam thì chị Hương sẽ không được “nominate” (đề cử) tôi vào danh sách này. Tôi may mắn được một số bạn startup của các quốc gia khác từng lọt vào Top 30 under 30 của Forbes châu Á những năm đầu tiên đề cử. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về nhóm giám khảo đánh giá tại từng lĩnh vực, họ đều là những người am hiểu về công nghệ, thị trường và kinh tế.

- Cảm giác của anh khi được vinh danh trong danh sách những người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á?

- Nói thật là tôi thấy sợ. Khi về Việt Nam tôi được anh Trung và chị Hương dặn dò, dạy dỗ rất nhiều. Tôi cũng biết là nếu đạt được thành công chút xíu thì có thể bị người khác “ném đá”, đặt chuyện. Họ có thể nói rằng tôi chỉ may mắn hoặc nhờ chị Hương nên mới được vào danh sách này. Vì vậy, điều đầu tiên tôi làm là im lặng, sau đó nhìn lại mình và thấy trách nhiệm của mình lớn như thế nào. Tôi hiểu rằng trách nhiệm của mình không chỉ ở thị trường Việt Nam, sẽ có ích hơn nhiều nếu tôi tập trung vào thị trường quốc tế.

img5

 

img5mobile

 

- Một nhà sáng lập từng được ca ngợi rất nhiều khi có mặt trong Top 30 under 30 nhưng khi startup thất bại, nhà sáng lập này phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích. Từ câu chuyện trên, anh có rút ra bài học gì cho mình?

- Bài học lớn nhất của tôi là càng thành công thì càng nên khiêm tốn, khi đó mọi người sẽ thương mình nhiều hơn. Các anh chị đi trước như chị Hương, anh Trung khi càng thành công thì họ lại nghĩ giới trẻ còn giỏi hơn mình nữa. Họ càng khiêm tốn thì mọi người càng ngưỡng mộ họ.

- Một ngày của CEO startup như anh thường diễn ra như thế nào?

- Trước đây tôi thử nghiệm rất nhiều cách làm việc khác nhau, luôn cố gắng mỗi tuần có một buổi gặp 1-1 với các thành viên trong team. Qua một thời gian tôi thấy cách làm việc này có một số ưu và nhược điểm. Đặc biệt khi đội ngũ nhân sự của JobHopin hiện nay gần 100 người, dù rất muốn nhưng tôi không đủ thời gian để gặp từng người. Tôi nghĩ thời gian nên để tập trung vào việc mình làm giỏi nhất để tạo được kết quả tốt nhất. Vì vậy, tôi tóm gọn còn 7 cộng sự làm việc trực tiếp với tôi, tôi dành thời gian cho họ và tin rằng họ giúp được tôi rất nhiều.

- Nhiều startup founder chia sẻ rằng họ không thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc vì thường xuyên làm việc 24/7, ăn ngủ tại văn phòng... Còn anh thì sao?

- Tôi nghĩ sẽ rất buồn nếu không có sự hòa hợp của một khái niệm gọi là “ikigai”, bao gồm 4 chuyện phải hiểu được: mình giỏi cái gì; mình muốn làm cái gì; chuyện mình muốn làm nhưng cộng đồng xã hội có cần không; thị trường có khả năng chi trả cho điều bạn muốn làm không.

Nếu 4 yếu tố này không hòa hợp được với nhau thì việc stress hay ăn ngủ ở văn phòng... sẽ là một câu chuyện buồn. Nhưng ngược lại nếu bạn tìm được “ikigai” hòa hợp cả 4 yếu tố này với nhau thì mỗi ngày mở mắt ra chỉ muốn đến văn phòng, nói chuyện với team và việc giải quyết các vấn đề sẽ giống như tìm lời giải cho một bài toán thú vị.

- Cảm ơn anh!