CEO Lã Thị Lan: ‘Chỉ siêu nhân mới không thất bại’

Phương Minh Quang Huy/PLO

“Trong suy nghĩ của tôi, làm bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng cần có tâm. Chẳng hạn, không thể quảng cáo một đằng rồi làm một nẻo, chỉ biết thu tiền cho mình” - CEO Lã Thị Lan, Tập đoàn Tiến Lộc.

Là một kỹ sư đam mê nghiên cứu, bà Lã Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiến Lộc, chọn con đường đi khó nhất: Đối đầu với các hãng xe quốc tế để tạo riêng thương hiệu xe máy Việt Nam (VN).

Dù thị phần còn nhỏ bé trên thị trường nhưng ở bà Lan, tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu VN, thể hiện tinh thần dân tộc và cuối cùng đem lại nhiều công ăn việc làm cho người dân mới là mục tiêu chính.

Biết khó nhưng vẫn phải làm

Phóng viên: Đi theo xu hướng thế giới hướng về công nghệ xanh, chuyển hướng từ sản xuất xe máy xăng sang xe máy điện, điều gì khiến bà lựa chọn con đường đi khó nhằn này?

+ Bà Lã Thị Lan: Chúng tôi đã có nền tảng kinh nghiệm sản xuất xe máy xăng hơn 20 năm. Ngay từ giai đoạn 1999-2010, Tiến Lộc đã đưa ra thị trường những xe máy đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Nói vậy để thấy chúng tôi bám sát xu thế thế giới đang đi và cũng muốn nằm trong một sân chơi chung nên chuyển hướng sản xuất xe máy điện.

. Nhưng đầu tư xe máy điện không dễ, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều đại gia thế giới?

+ Đúng vậy. Xe máy điện là ngành công nghiệp sạch nên chi phí đầu tư lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, thường gấp 1,5 lần so với xe máy xăng. Thị trường đầu ra cũng hạn hẹp.

Ngoài ra, điều kiện hạ tầng để đáp ứng cho phát triển xe máy điện trên toàn quốc cũng chưa thuận lợi. Một chiếc xe điện chạy khoảng 50 km là phải nạp điện. Nếu như tại nước ngoài, các cây xăng đều có hệ thống nạp điện nhưng hạ tầng này tại VN rất ít. Mà đầu tư cho nó rất tốn tiền, các doanh nghiệp (DN) sản xuất xe điện không thể tự làm. Do đó khiến cho việc phổ biến xe máy điện rất khó khăn.

Chúng tôi biết khó khăn như vậy nhưng vẫn chấp nhận đầu tư vì nếu không làm sẽ tụt lại sau các đối thủ.

. Tiến Lộc đã từng nội địa hóa khá nhiều trên chiếc xe máy xăng, vậy với xe máy điện thì sao?

+ Muốn quản lý và đảm bảo chất lượng, phải sản xuất được các linh kiện quan trọng. Thực ra nếu nói về xe chạy động cơ xăng thì các hãng xe Nhật tại VN đều nội địa hóa linh phụ kiện. Chúng tôi cũng vậy nên xe máy điện của chúng tôi đã nội địa hóa gần hết. Những linh kiện trong nước chưa đủ công nghệ sản xuất, chúng tôi chọn con đường hợp tác với các công ty từ Mỹ và Đức để sản xuất các bộ truyền động, hệ thống điện.

Như vậy, có thể thấy chúng tôi đã làm chủ được công nghệ, với khả năng tùy biến và tăng độ hiệu quả cho xe điện.

CEO Lã Thị Lan: ‘Chỉ siêu nhân mới không thất bại’ - Ảnh 1

 Bà Lã Thị Lan: “Tôi đã ở cái tuổi không còn nghĩ đến làm ra bao nhiêu tiền, cái chính là đam mê tận lực vì công ty”. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Vẫn còn phải xuất khẩu dưới thương hiệu khách hàng

. Có thể hiểu rằng công ty của bà đủ khả năng đưa xe máy điện đi xuất khẩu trong khi thị trường nội địa còn nhiều khó khăn?

+ Chúng tôi đủ năng lực đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu. Nhưng phải nói đến lúc này vẫn xuất khẩu theo hình thức gia công, dưới thương hiệu khách hàng. Cũng phải thành thực rằng để tạo dựng được thương hiệu Việt bán trên khắp thế giới chưa có khả năng vì đòi hỏi công ty đó có lịch sử hình thành lâu đời và sở hữu các công nghệ sáng chế mới.

Tuy vậy, khi đầu tư mảng năng lượng xanh, chúng tôi không đặt nặng chỉ tiêu doanh thu mà chủ yếu xây dựng nền tảng, tận dụng và phát huy được thế mạnh của đội ngũ kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

. Như vậy, qua câu chuyện của bà thấy rằng các DN Việt đủ khả năng làm các chi tiết cơ khí rất tốt. Vậy tại sao nhiều DN nước ngoài nói khó tìm nhà cung cấp phụ trợ tại VN?

+ Với các linh kiện gia công cơ khí chính xác sử dụng trong xe máy hay xe hơi, chỉ cần các loại máy CNC, máy đúc, máy hàn, máy phay… là đủ có thể sản xuất. Thực tế nhiều công ty Việt còn thừa năng lực sản xuất ra các máy công cụ này nên không có chuyện không đủ đáp ứng là nhà cung cấp phụ trợ.

Tuy nhiên, vấn đề là thị trường VN nhỏ nên các DN Việt làm ra các linh phụ kiện với giá thành cao. Với thị trường, điều này không hiệu quả về mặt chi phí và lợi nhuận.

Ngoài ra, có nhiều công nghệ đòi hỏi chính xác cao nhưng DN Việt chưa từng đầu tư, vì nếu bỏ ra số tiền lớn để đầu tư mà không biết bán cho ai thì không DN nào dám làm. Thế nên chờ có khách đặt thì mới dám làm, vậy là bài toán luẩn quẩn “con gà hay quả trứng có trước”.

Nghĩa là muốn trở thành nhà cung cấp cho DN đầu tư nước ngoài thì phải từng sở hữu công nghệ nhưng đầu tư công nghệ lại không có khách hàng nên không dám làm.

Tiến Lộc đã phát triển thành tập đoàn kinh tế tư nhân, đa ngành nghề hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con với hàng ngàn lao động. Hiện tập đoàn có hơn 10 công ty con hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, lắp ráp xe máy, xe đạp điện; sản xuất các sản phẩm nhựa công nghiệp; sản xuất linh kiện cơ khí (công nghiệp phụ trợ)…

Tin tưởng vào thế hệ trẻ

. Từng giữ vai trò chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, bà có cảm thấy tiếc khi các DN Việt mất đi cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

+ Phân tích để thấy rõ vấn đề nhưng tôi chưa bao giờ bi quan rằng các DN Việt thua kém các DN ngoại. Vì hiện nay, các kỹ sư được đào tạo tốt, nhiều kinh nghiệm, nhất là thế hệ sau được thừa hưởng các công ty của cha mẹ, vốn xuất thân từ các kỹ sư và lập nghiệp thành công. Thế hệ sau chắc chắn sẽ tạo ra nhiều kỳ tích so với thế hệ trước.

. Vậy quan điểm kinh doanh của bà thế nào để DN giữ vững thành công?

+ Không làm ăn gian dối, nói thế nào thì làm thế đó, thậm chí chấp nhận lỗ vẫn làm đúng cam kết. Chất lượng là điều quyết định khách hàng sẽ tiếp tục ở lại với mình.

Trong suy nghĩ của tôi, làm bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng cần có tâm. Chẳng hạn, không thể quảng cáo một đằng rồi làm một nẻo, chỉ biết thu tiền cho mình.

Bởi vì khi làm tôi cũng đặt mình vào địa vị khách hàng để hiểu họ. Nếu trong vai trò đó, mình sẽ biết muốn cái gì và cần đáp ứng ra sao thì câu chuyện kinh doanh sẽ trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn.

. Xin cám ơn bà.

Nữ CEO đam mê kỹ thuật

. Là phụ nữ nhưng bà lại chọn lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một lĩnh vực khá nặng và không dễ ngay cả với đàn ông?

+ Tôi vốn xuất thân là một kỹ sư. Mà vai trò kỹ sư là người của hành động, làm trước nói sau. Mình cứ nghĩ chân bước, tay phải làm. Tôi thích làm những gì cụ thể và cũng là sở trường của mình.

Chẳng hạn, khi tham gia vào sản xuất xe máy, tôi sẵn sàng bỏ thời gian và tâm huyết để tìm đọc tài liệu, nghiên cứu các vấn đề kỹ thuật cho đến khi hiểu hết mọi thứ nhằm tạo ra được sản phẩm tối ưu. Nhưng để làm được điều này phải có sự đam mê. Nhiều khi đêm chuẩn bị ngủ, bỗng phát hiện ra vấn đề hay là ngồi dậy tập trung làm cả đêm đến sáng. Say mê là như vậy.

CEO Lã Thị Lan: ‘Chỉ siêu nhân mới không thất bại’ - Ảnh 2

 Tiến Lộc tự hào xe đạp, xe máy của công ty nội địa hóa gần hết. Ảnh: QUANG HUY

. Bà đam mê kinh doanh nhưng có bao giờ nghĩ đến thất bại?

+ Nói về sự nghiệp của nhà kinh doanh thì không thể không nói đến thất bại. Ai đó nói không thất bại thì tôi gọi người đó là siêu nhân. Nhiều khi họ có thất bại nhưng chẳng qua không dám nói ra thôi.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều công ty Việt đối diện với thất bại đến mức phá sản, phải bán công ty, nhà máy, bị công ty nước ngoài thôn tính mất luôn thương hiệu Việt. Đó là một nỗi đau, một tổn thất lớn. Nhưng có những người thất bại vẫn đứng lên được và ngược lại.

Khi đã làm kinh doanh, đến một lúc nào đó tiền không phải là tất cả mà thương hiệu mới quan trọng, trường tồn theo thời gian dành cho thế hệ sau.

Tôi đã ở cái tuổi không còn nghĩ đến làm ra bao nhiêu tiền, cái chính là đam mê tận lực vì công ty, để giữ lại thương hiệu cho con cháu. Do đó, tôi phải làm sao duy trì dòng tiền, tài chính lành mạnh và làm sao không bị rơi vào hố phá sản như các DN mà tôi đã tận mắt thấy.

Tin Cùng Chuyên Mục