CEO Softbank yêu cầu cấp dưới tìm cách huy động tiền mặt, siết chặt các khoản đầu tư sau khi thua lỗ liên tiếp

Như Quỳnh

Một số nguồn tin nội bộ cho biết Softbank đã lỗ khoảng 30 tỷ USD trong quý II/2022.

Người sáng lập Softbank - Masayoshi Son đã yêu cầu các giám đốc dưới quyền ông giảm bớt các khoản đầu tư đồng thời tìm cách huy động thêm tiền mặt trong bối cảnh nhiều danh mục cổ phiếu công nghệ Trung Quốc mà Softbank đầu tư liên tục giảm giá trong những tháng gần đây. 

Những khoản lỗ kỷ lục

Theo Financial Times, không khí các cuộc họp thượng tầng tại Softbank gần đây khá căng thẳng do những biến động địa chính trị trên thế giới khiến chiến lược đầu tư của hai quỹ Softbank Vision trị giá hơn 100 tỷ USD lệch hướng. 

Một số nguồn tin nội bộ ở Softbank cho biết ước tính nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới đã lỗ 30 tỷ USD trong quý I/2022, tuy nhiên việc một số cổ phiếu hồi phục gần đây có thể giảm mức lỗ xuống còn khoảng 20 tỷ USD. 

"Định giá với các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài đã sụp đổ. Chúng tôi không mong đợi sẽ sớm có sự thay đổi nào trong thời gian gần", nguồn tin khẳng định. 

Cổ phiếu của các công ty công nghệ mà Softbank đầu tư liên tục chìm trong sắc đỏ trong thời gian gần đây. Ảnh: Bloomberg.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ mà Softbank đầu tư liên tục chìm trong sắc đỏ trong thời gian gần đây. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng Softbank có thể vượt qua được khó khăn lần này. Họ đang nắm giữ một khoản tiền mặt ước tính 23 tỷ USD và theo New Street Research, số tiền đủ để “trang trải lãi suất, mua lại trái phiếu và một cuộc gọi ký quỹ (margin call) 6 tỷ USD của Alibaba”. Họ cũng có thể tiếp tục chương trình mua lại cổ phiếu và các khoản đầu tư mới, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Quỹ Vision đầu tiên do Saudi Arabia và Abu Dhabi hậu thuẫn ban đầu được kỳ vọng sẽ mở đường cho các kế hoạch đầu tư quy mô lớn. Thế nhưng hình ảnh Vision 1 nhanh chóng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi văn hóa đầu tư tự do, dẫn đến nhiều thương vụ thất bại nổi tiếng như WeWork. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến quỹ Vision 2 thất bại trong việc huy động tiền từ bên ngoài. 

Cổ phiếu của SoftBank đã giảm hơn 40% trong năm ngoái. Một chỉ số cho thấy nợ ròng so với giá trị tài sản Softbank nắm giữ đã tăng từ dưới 10% vào giữa năm 2020 lên 22%. Ông Son theo dõi chỉ số này rất chặt chẽ và coi đây như một thước đo sức khỏe tài chính công ty. Ông cũng "thề" không để chỉ số nợ trên tài sản tăng vượt mốc 25%. 

Nỗ lực huy động tiền mặt

Tình hình kinh doanh báo động tại Softbank vào năm 2021 đã tạo nên một làn sóng chấn động cả thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư bắt đầu nhìn thấy những tín hiệu rắc rối trong danh mục đầu tư rộng lớn của tập đoàn Nhật Bản. 

Một nguồn tin nội bộ khác tiết lộ thêm rằng Softbank đang thúc đẩy huy động tiền mặt và đang đánh giá lại các tài sản có thể được thanh lý. 

Đầu tháng 3, SoftBank đã nhờ ngân hàng Goldman Sachs tiếp thị khối cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD mà họ sở hữu tại công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang - một trong những thương vụ thành công nhất mà quỹ Vision 1 đạt được. 

SoftBank bán cổ phần với giá dưới 21 USD/cổ phiếu, giảm 40% so với giá IPO của Coupang vào năm ngoái. Thời điểm đó, cổ phần Softbank nắm giữ tại Coupang được định giá 20 tỷ USD. 

Cổ phiếu Softbank giảm hơn 40% chỉ trong vòng một năm qua (tính theo đồng yen). Ảnh: Financial Times. 
Cổ phiếu Softbank giảm hơn 40% chỉ trong vòng một năm qua (tính theo đồng yen). Ảnh: Financial Times. 

Trong một nỗ lực để huy động tiền mặt khác, Softbank đã thế chấp nhiều tài sản lớn khác trong quỹ Vision 1 để vay thêm tiền. Tập đoàn công nghệ Nhật Bản cũng đang hoàn tất khoản vay trị giá tới 10 tỷ USD, lấy đợt IPO của nhà thiết kế chip Arm (Vương quốc Anh) làm bảo đảm. 

"Nếu nhìn vào các hoạt động gần đây, bạn sẽ thấy rõ ràng là Sofbank đang rất cần vốn", Amir Anvarzadeh, chiến lược gia về vốn cổ phần Nhật Bản tại Asymmetric Advisors nhận định.

Bản thân Masayoshi Son cũng đang thực hiện thêm nhiều khoản vay cá nhân, nâng tài sản thế chấp lên khoảng 1/3 cổ phần mà ông sở hữu tại Softbank. Nhiều người thân cận cho biết phần lớn khoản nợ được ông Son dùng để tái đầu tư vào quỹ Vision. 

Siết chặt kế hoạch đầu tư

Phần lớn tài sản ròng Softbank sở hữu đến từ Mỹ và Trung Quốc - nơi các nhà chức trách đang siết chặt quản lý nhằm hạn chế quyền lực của các ông lớn công nghệ. Giá trị cổ phần Softbank nắm giữ tại Alibaba đã giảm mạnh từ khoảng 208 tỷ USD vào tháng 11/2020 xuống còn 69 tỷ USD vào tháng 3 năm nay sau khi Bắc Kinh hủy bỏ đợt IPO bom tấn của Ant Group - công ty con trong lĩnh vực fintech thuộc Alibaba. 

“Khi cổ phiếu Alibaba sụp đổ cách đây một hai tuần, tôi đã rất lo lắng vì biên độ an toàn giờ đây đã bị thu hẹp và cổ phiếu Softbank trở nên kém thuyết phục hơn”, một nhà đầu tư châu Á đang có cổ phần ở Softbank chia sẻ. 

Do không huy động được vốn từ bên ngoài, quỹ Vision 2 chủ yếu hoạt động bằng tiền của Softbank và CEO Masayoshi Son. Ảnh: Tech Times.
Do không huy động được vốn từ bên ngoài, quỹ Vision 2 chủ yếu hoạt động bằng tiền của Softbank và CEO Masayoshi Son. Ảnh: Tech Times.

Trước nguy cơ mất hàng tỷ USD tại Trung Quốc, Softbank không dừng lại mà thậm chí còn tăng tốc đầu tư hơn nữa. Theo dữ liệu từ CB Insights, trong năm 2021, họ đã đầu tư vào 195 công ty tư nhân, trở thành một trong những nhà đầu tư công nghệ bận rộn nhất trong giai đoạn đầu tư mạo hiểm tăng kỷ lục.

Các giám đốc điều hành tại quỹ Softbank Vision 2 - quỹ quản lý 40 tỷ USD vốn tự có của tập đoàn gần đây đã cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp trở nên thận trọng hơn. Phát biểu tại một hội nghị đầu tư mạo hiểm ở Los Angeles vào tháng 3, đối tác quản lý tại quỹ Vision - Nagraj Kashyap cho biết quỹ đang siết chặt các mục tiêu đầu tư hơn, nhưng cam kết sẽ rót nhiều vốn hơn vào các công ty đủ tiềm năng.

Tin Cùng Chuyên Mục